Các bài đọc ngày chủ nhật hôm nay đều nhắc chúng ta nhớ rằng cuộc đời không phải là một vòng tròn đóng kín. Lịch sử trần gian hướng đến tương lai. Đó là tin mừng mà chúng ta tìm thấy trong toàn bộ Thánh Kinh. Thiên Chúa đã ban cho ông Abraham một lời hứa quan trọng. Dù trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, Abraham, Isaac và Gia cóp đã tin vào lời hứa ấy, và đã nuôi hưỡng niềm hi vọng cho con cháu họ. Theo mẫu gương sống của các vị tổ phụ nầy thì tin có nghĩa là chấp nhận tin tưởng mà không hiểu gì cả.
Là những người Ki tô hữu hôm nay, chúng ta là những người thừa kế lời Thiên Chúa hứa. Đó chính là tin mừng mà chúng ta loan báo trong mỗi Thánh lễ: “Chúng con mong chờ vinh quang của Chúa tỏ hiện”. Tin mừng nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại. Cả cuộc sống của chúng ta là để chuẩn bị cuộc gặp gỡ quyết định đó với Ngài. Chúng ta được mời gọi chuẩn bị cho biến cố đó như là một ngày đại lễ với lòng kiên trì và thái độ tỉnh thức của người đặt trọn niềm tin vào lời Chúa hứa. Và chúng ta đừng quên rằng chuẩn bị cho một cuộc lễ, không phải là việc làm của một cá nhân riêng lẻ, nhưng của cả một nhóm. Vì thế chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lớn với Đức Ki tô, đó là sứ mạng của toàn thể Giào Hội và của mỗi phần tử chúng ta.
Nguy cơ lớn nhất, đó là chúng ta ngủ quên, là xây dựng cuộc sống của chúng ta trên những giá trị không thực hữu. Chúng ta sống trong một tình thế bất an, trong một thời buổi được đánh dấu bởi sự bất ổn, sự bất định về ngày mai và lo sợ dấn thân. Trung thành với sự dấn thân là một điều khó vì nó là một cuộc chinh phục hằng ngày cần phải kiên trì và củng cố.
Nhưng trong cuộc chiến nầy, chúng ta không cô đơn. Chúa ở với chúng ta để đồng hành và hướng dẫn chúng ta. Ngài hiện diện khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta tiếp nhận Lời Ngài và nhất là khi chúng ta họp nhau để cử hành lễ Tạ ơn. Lời nhắn nhủ quan trọng nhất mà Ngài để lại cho chúng ta là hãy tỉnh thức, chú ý đến các dấu chỉ sự hiện diện và tình yêu Ngài. Ngài mời gọi chúng ta thức tình và sẵn sàng phục vụ vì Ngài sẽ trở lại vào lúc chúng ta không ngờ. Không có thời gian ngừng nghỉ cũng như không có vấn đề về hưu sớm trong việc đi theo Đức Ki tô. Trái lại, phải luôn trong tư thế truyền giáo và phục vụ trong suốt cuộc sống chúng ta. Điều đó đòi chúng ta phải chú ý và thức tỉnh thường xuyên.
Nhưng cần phải hiểu rõ: sự trung thành mà Chúa chờ đợi chúng ta không phải là sự dửng dưng đầy lạnh lùng lấy lí do là cuộc sống bị chi phối bởi nhiều nguyên tắc. Nó cũng không bao gồm những tình cảm suông. Trái lại, nó đòi hỏi nhiều nghị lực và can đảm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó hệ tại ở tình yêu. Sự trung thành của chúng ta phải được hình thành trong một tình yêu. Nếu không như thế thì đời sống chúng ta sẽ trống rỗng. Chính tình yêu hằng ngày của chúng ta đối với những người chung quanh đem lại giá trị cho cuộc sống trần gian.
Một cách cụ thể, điều đó có nghĩa là chúng ta quan tâm nhiều hơn đến những người chung quanh. Chính đó là nơi mà Chúa chờ đợi chúng ta. Và chắc chắn, chúng ta không quên những người đau yếu, những người dễ bị tổn thương. Khi Chúa đòi chúng ta phải sẵn sàng phục vụ, Người muốn mời gọi chúng ta phục vụ tất cả những người mà Người đặt trên đường chúng ta đi, vì khi tiếp đón họ, chính là cách chúng ta đi về quê hương mà Ngài đã hứa ban cho chúng ta.
Đôi khi chúng ta bị cám dỗ vì mệt mõi, vì bi quan hay thất vọng. Chúng ta cũng có thể để mình buông theo những thái độ quá khích, bị lôi cuốn bởi những lời nói thâm độc vì ác ý. Chúng ta cũng có thể để mình bị ảo tưởng bởi đủ mọi thứ cám dỗ tìm cách lôi kéo chúng ta lệch xa khỏi điều cốt yếu. Tỉnh thức, đó chính là ý thức tất cả những nguy hiểm đó và làm mọi cách để tránh xa. Nhưng nếu chúng ta bị sa ngã, Chúa luôn luôn hiện diện để mời gọi chúng ta chỗi dậy và đi về với Ngài với cả tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta thực sự muốn, thì bí tích hòa giải vẫn luôn mời gọi chúng ta. Với Chúa, luôn luôn có thể đứng dậy và trở về để phục vụ. Mong muốn lớn nhất của Người là thiết lập một vương quốc tình yêu và công chính bằng đôi tay bé nhỏ của chúng ta.
Chúa còn dạy chúng ta: “Hãy cầm đèn cháy sáng trong tay”. Chiếc đèn đó chính là đèn tình yêu mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi Ngài. Có thể sẽ có những bão táp trong cuộc đời khiến cho ánh sáng đèn bị tắt. Nhưng Chúa luôn luôn chuẩn bị đặt sẵn trên đường chúng ta những người cần thiết để khơi lại trong chúng ta ánh sáng đến từ Người. Để rồi chính chúng ta, chúng ta có thể truyền lại ánh sáng ấy cho những ai đang tìm kiếm. Cùng nhau và với nhau, tất cả chúng ta được Chúa gọi và sai thi hành sứ mạng ấy.
“Anh em hãy tích trử cho mình một kho tàng trên trời!”. Ai trong chúng ta đều cho rằng kho tàng là tất cả những việc lành mình đã làm. Nhưng điều quan trọng nhất lại ở chỗ khác. Cái “kho tàng ở trên trời” là chính Thiên Chúa. Với Người chúng ta phải trở nên giàu có bằng chính sự giàu có của Thiên Chúa. Nhưng để chiếm hữu kho tàng ấy, phải có một điều kiện: đó là một tâm hồn của người nghèo, là đoạn tuyệt với tất cả những gì phù phiếm và sẵn sàng đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa.
Khi lên rước Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta kín múc từ nơi Ngài sức mạnh cần thiết để được trung thành trong việc phục vụ của chúng ta. Chúng ta trở nên Mình Đức Ki tô. Đó chính là ánh sáng của chúng ta.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc