CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XVII-TN_A, 30-7-2023
֎
TÌM RA KHO BÁU CỦA MÌNH
Không có lộ trình nào được quy định để khám phá ra Thiên Chúa, sự khôn ngoan và vương quốc của Ngài. Nhưng một khi đã tìm thấy Thiên Chúa, tìm thấy sự khôn ngoan và vương quốc của Ngài, thì niềm vui mãnh liệt đến nỗi người ta sẽ làm mọi cách ngay lập tức để bảo tồn kho báu này và làm cho nó sinh hoa kết trái.
Bài đọc I : 1 V 3, 5. 7-12
Cảnh tượng Thiên Chúa hiện ra là cảnh tượng vĩ đại đầu tiên trong lịch sử non trẻ của chế độ quân chủ ở Israel. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã quảng đại đối với Salômôn: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”. Vị tân vương hạ mình trước Thiên Chúa: ông biết mình còn thiếu kinh nghiệm và ông đoán trước những thử thách mà mình phải vượt qua để cai quản “một dân tộc đông đảo như vậy”. Ông khiêm tốn xin Chúa ban cho ông những phẩm chất cần thiết chứ không phải tài sản và vinh quang, “một tâm hồn biết quan tâm” đến những nhu cầu và thỉnh nguyện của dân tộc mình, và khả năng “phân biệt thiện ác”. Lời cầu nguyện này làm hài lòng Thiên Chúa đến nỗi Chúa ban cho nhà vua một sự khôn ngoan và một sự hiểu biết tự trong lòng, khiến Salômôn trở thành nhà thông thái vĩ đại nhất trong lịch sử Israel.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 118 (119)
Trong thánh vịnh 118 (119), độ dài và sự điêu luyện của thủ pháp văn học dựa trên 22 phụ âm của bảng chữ cái tiếng Híp-ri là một bài tập có tính học thuật hơn là lời cầu nguyện tự phát. Toàn bộ thánh vịnh muốn là một suy niệm, để như thế là nói thấu đáo về Luật pháp và Lời của Chúa. Tuy nhiên, khi chúng ta để cho mình ngẫu nhiên đi vào những nẻo đường khác nhau do các tác giả thánh vịnh đề xuất, chúng ta nhận ra rằng có một câu hỏi về hạnh phúc, về niềm vui thích, sự an ủi, những điều kỳ diệu mà Luật pháp và lời của Chúa mang lại và về tình yêu mà chúng truyền cảm hứng. Chúng ta không dính dáng gì đến sự nệ luật ngột ngạt.
Bài đọc II : Rm 8, 28-30
Thánh Phaolô nói với chúng ta về tầm quan trọng của kế hoạch mà Thiên Chúa đã hoạch định “từ trước”, nghĩa là từ muôn đời, cho tất cả những ai yêu mến Người. Lịch sử cứu độ là lịch sử về sự ân cần, tử tế đặc biệt của Thiên Chúa. Lịch sử đó bao gồm cả một loạt các hành động lồng vào nhau : biết trước, tiền định, làm cho nên công chính, cho hưởng phúc vinh quang. Phaolô sử dụng một loạt các từ Hy Lạp có tiếp đầu ngữ (tiền tố) ghi nhận sự ưu việt tuyệt đối của ân sủng. Đồng thời, Phaolô cũng nhắc lại rằng đời sống Kitô hữu được hình thành “theo hình ảnh [theo tiếng Hy Lạp: trong biểu tượng]của Chúa Con”. Sự đồng hình đồng dạng nâng các tín hữu lên địa vị anh chị em của Đức Kitô.
Tin Mừng : Mt 13, 44-52
Hai dụ ngôn đầu tiên có một chủ đề rất giống nhau: việc khám phá ra một tài sản quý giá (kho báu hoặc viên ngọc có giá trị lớn) khiến người ta từ bỏ mọi thứ mình sở hữu để có được tài sản quý giá này. Dụ ngôn thứ ba có chủ đề riêng, đó là lưới đầy cá, cả tốt lẫn xấu, và những người đánh cá phải phân loại một khi đã lên bờ. Vào Ngày phán xét cuối cùng cũng diễn ra như vậy, khi các thiên thần tách “kẻ xấu ra khỏi người công chính”. Kết luận mà Chúa Giêsu đưa ra trong diễn từ của Ngài, một cách nào đó, có giá trị cho tất cả các dụ ngôn. Thực vậy, các dụ ngôn của Chúa Giêsu là một kho tàng vô tận đối với bất kỳ người “môn đệ Nước Trời” nào, những người biết rút ra từ đó những “cái mới lẫn cái cũ”.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.