Bài Cảm Nhận Mục Vụ Tháng 11 – Lớp Thần IV: Lên Đường Loan Báo Tin Mừng

LÊN ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Phêrô Nguyễn Đăng Khoa

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) là lệnh truyền của Chúa Giêsu nói với các môn đệ ngày xưa, và hôm nay vẫn còn nói với mỗi người tín hữu chúng ta. Người muốn mọi người góp phần của mình, muốn mọi thành phần Dân Chúa tham gia vào sứ vụ cao cả này.

Là Chủng sinh, là thành phần Dân Chúa, mỗi người trong lớp đều có những cơ hội đem Tin Mừng Chúa đến cho mọi người và đặc biệt là trong những tháng hè.

 Có anh em thì được đến các vùng cao với những xóm nhỏ mới hình thành. Trước đây họ dùng thuyền chài làm phương tiện sinh sống cũng là nhà để ở. Sau khi được cha xứ cùng cán bộ xã động viên lên núi ở để có đời sống tốt đẹp hơn, họ đã thay đổi chỗ ở. Dù nơi ở mới còn nhiều việc phải làm, vườn rẫy chưa hoàn thiện, nhà cửa còn bao bộn bề nhưng tâm hồn của họ rất lạc quan tin vào Thiên Chúa quan phòng qua cha xứ và các thầy cũng như các sơ tới thăm hỏi và chia sẻ cuộc sống đức tin cùng với họ.

Anh em khác thì được đến những vùng có trang trại chăn nuôi. Đối với các tín hữu nơi này, trước kia họ ở quê nghèo khó, muốn tìm kiếm nơi ở mới có công việc ổn định hơn trang trải cho cuộc sống nên họ theo chân các cha cố dẫn đường từ miền Trung vào vùng đất Xuân Lộc sinh sống. Nơi đây, sau bao tháng ngày tích luỹ kinh nghiệm, họ đã có cho mình những trang trại chăn nuôi lớn và ổn định. Qua những ngày tháng được các thầy thăm hỏi mục vụ, họ cảm nghiệm lại được sự hiện diện của những tháng ngày năm xưa mà cha cố của họ luôn hiện diện bên họ trong những khó khăn.

Anh em khác nữa được đến vùng thành thị mục vụ. Nơi đây, sau những tháng ngày sinh hoạt trại hè, tổ chức cầu nguyện Taize đã mang đến cho các bạn trẻ có cảm nghiệm mới. Các bạn trẻ chia sẻ: “Thay vì trước kia các bạn chỉ biết tìm niềm vui nơi quán cafe, quán game, hay các quán Bar… thì nay các bạn tìm kiếm được niềm vui mới và có trách nhiệm gia đình và bản thân hơn nhờ được sinh hoạt thường xuyên hơn ở nơi nhà thờ”.

Cứ như thế, mỗi anh em đều có được cơ hội thực tập mục vụ để loan báo Tin Mừng của Chúa. Mỗi nơi, mỗi người các thầy gặp gỡ đều để lại những cảm xúc, kinh nghiệm buồn vui cho bản thân. Ai cũng nhận ra rằng tâm hồn có đầy Chúa và tinh thần hăng hái thì đó mới chính là hành trang cho sứ vụ.

Nhưng trước khi có được những ngày tháng trên, các anh em ít nhiều có những cám dỗ, như trong Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 27, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cám dỗ khi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng: Chẳng lẽ Chúa Thánh Thần có thể thúc giục chúng ta thi hành một sứ mạng, và rồi lại yêu cầu ta bỏ sứ mạng đó, hoặc đừng tận tâm tận lực cho nó, để giữ sự bình an bên trong của mình? Thế nhưng có những lúc chúng ta bị cám dỗ xem việc dấn thân cho mục vụ hay cho thế giới là điều thứ yếu, như thể đó là “những chia trí” trên con đường thánh thiện và bình an nội tâm. Chúng ta có thể quên rằng “đời sống không có một sứ mạng, nhưng là một sứ mạng”.

Đời sống kitô hữu là một sứ mạng. Chính vì cảm nghiệm được sứ mạng của Chúa, vượt qua được cám dỗ “xem việc dấn thân cho mục vụ hay cho thế giới là điều thứ yếu”, các anh em trong lớp ai cũng xác tín rằng trên con đường thực thi sứ vụ luôn có Chúa đồng hành. Thế nên, ai cũng hăng hái ra đi với những nén bạc được Chúa trao, ai cũng hiện diện đậm chất Tin Mừng cố gắng làm chứng tá cho Chúa Giêsu nhân lành.

Có lẽ, nghe nói đến loan báo Tin Mừng, nhiều người thường nghĩ đó là việc dành cho hàng giám mục, linh mục và tu sĩ. Người khác lại cho rằng: muốn truyền giáo, phải có phương tiện vật chất, phương tiện càng nhiều thì việc truyền giáo càng hiệu quả.

Thật ra, đó là những quan niệm sai lầm bởi Chúa vạch ra cho chúng ta thấy tất cả mọi người đều mang sứ vụ này: “Anh em hãy ra đi” (Lc 10, 3). Khi sai 72 môn đệ của Ngài lên đường thi hành sứ vụ, Chúa cho thấy truyền giáo là việc của mọi người. Mười hai tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Nói cách khác, là tất cả mọi người giáo dân. Như thế, khi sai 72 môn đệ lên đường, Chúa muốn mọi người góp phần của mình, muốn mọi thành phần Dân Chúa tham gia vào sứ vụ cao cả này. Và lệnh truyền của Ngài thật rõ ràng, thật cấp thiết và thật thích hợp cho thời đại hôm nay, một thời đại mà chủ nghĩa tiêu dùng và lối sống hưởng thụ đang lan rộng trong suy nghĩ của nhiều người và đâm rễ trong từng ngõ ngách cuộc sống.

Chúa muốn mọi người góp phần của mình, muốn mọi thành phần Dân Chúa tham gia vào sứ vụ cao cả này. Vì thế, truyền giáo không phải là việc của riêng ai. Có cả trăm ngàn việc thiện đem lại niềm vui an bình cho cuộc sống, nên cũng có cả trăm ngàn cách để loan báo Tin Mừng. Bởi ai cũng có thể làm những việc hy sinh nhỏ để cầu nguyện cho những người chưa biết Chúa, ai cũng có khả năng nhận lãnh và cho đi, ai cũng có thể kiến tạo an bình khi sống hoà thuận với người trong nhà, và biết cư xử tử tế với người xung quanh. Cho nên ai cũng có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa.

Có lẽ hơn một lần chúng ta đã ưu tư và cầu nguyện rất nhiều trước nỗi thao thức của Chúa: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Lc 10, 2). Chúng ta cầu xin cho có nhiều linh mục tu sĩ, cho có nhiều tông đồ giáo dân. Nhưng trong số thợ gặt của Chúa, trong hàng ngũ các chứng nhân Tin Mừng – có hay không – sự hiện diện và góp phần của chính chúng ta?

Comments are closed.