Bài Cảm Nhận Mục Vụ Di Dân Ngày Chúa Nhật Tháng 11: Lớp Thần Học I – Khóa XIV

BÀI CẢM NHẬN MỤC VỤ DI DÂN NGÀY CHÚA NHẬT THÁNG 11

LỚP THẦN HỌC I – KHÓA XIV

Martinô Đặng Nguyễn Ngọc Hà

Trở lại Đại Chủng Viện sau hành trình năm thử, bên cạnh việc tu học, anh em lớp Thần Học I – khóa XIV được sai đến với những người di dân trong ngày mục vụ Chúa nhật. Sau những ngày mục vụ đầy ý nghĩa, anh em có một buổi họp mặt thân tình mỗi tháng để cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm, thuận lợi, khó khăn của việc đi mục vụ cùng những câu chuyện cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn, ưu tư, lo lắng của người di dân. Qua buổi chia sẻ này, anh em được học hỏi thêm nhiều điều và có thêm những góc nhìn mới cho hoạt động tông đồ của mình.

Đầu tiên, một anh em chia sẻ rằng đi thăm anh chị em di dân giúp tôi ý thức mình cũng là di dân. Thật vậy, đa phần những anh em trong nhóm đều là những gia đình di cư từ miền Bắc và miền Trung vào những năm 1954, 1986, và sau này là năm 1991. Với những tâm tư ấy, anh em đã đặt mình vào hoàn cảnh của những anh chị em di dân với sự đồng cảm và sẻ chia.

Tiếp đến, anh em cũng có được nhiều niềm vui và thuận lợi khi đi mục vụ. Khi đến giáo xứ, anh em được cha xứ tiếp đón và những chia sẻ thao thức về công việc mục vụ trong giáo xứ, cách riêng đối với việc mục vụ cho người di dân. Đó là những chất liệu quý báu để anh em có thể hiểu hơn về hoàn cảnh và thực trạng của người di dân trong vùng này, từ đó có một hướng tiếp cận, gặp gỡ, trò chuyện sao cho phù hợp và mang lại nhiều ích lợi. Bên cạnh đó, anh em được sự tháp tùng của những ông trùm, các đoàn thể như Tác viên Tin mừng, Legio Marie, … Họ là những người nhiệt thành trong công việc nhà Chúa, cùng những kinh nghiệm nhiều năm đến với lương dân, di dân. Họ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho anh em trong cách tiếp cận, trò chuyện, an ủi cũng như đưa ra những lời khuyên hữu ích cho những người đang gặp khó khăn.

Khi đến với những người di dân, anh em cảm nhận được những khó khăn, đau khổ mà họ đang gặp phải. Một anh em chia sẻ câu chuyện khi đến thăm một gia đình di dân gốc Khmer: Trước đại dịch Covid – 19, gia đình gồm 5 người đi làm nên đời sống tương đối ổn định. Tuy nhiên, những biến cố không may đã xảy đến với gia đình khi người thì bị tai nạn, người thì phải phẫu thuật do bệnh nan y, điều đó làm cho kinh tế của gia đình trở nên suy sụp. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, người mẹ đã phải đi vay “nóng” với lãi suất cao, tính tới40 thời điểm hiện tại, số nợ ấy đã lên hơn 100 triệu đồng. Không những thế, gia đình còn luôn bị những tên xã hội đen đến đập phá và đe dọa. Người phụ nữ ấy giờ đây chỉ biết cầu xin cho thêm thời gian để trả nợ dần dần chứ không còn cách nào khác. Trước khi ra về, anh em hiệp thông đức tin khi mời chị hiệp ý đọc kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho gia đình, mong cho gia đình chị sớm vượt qua những khó khăn và trở lại cuộc sống bình an.

Một anh em khác chia sẻ về một gia đình lương dân quê ở Cà Mau có người chồng không may đột ngột qua đời. Do hoàn cảnh khó khăn, người vợ đã phải xin quyên góp để có một cỗ quan tài và đưa chồng mình về an táng tại quê nhà. Tuy nhiên, số tiền lúc ấy chỉ đủ để thuê một chiếc xe ba gác để đưa thi hài về nhà. Chị đã tìm gặp Cha xứ để xin trợ giúp thêm, và Cha đã nhờ được xe của một dịch vụ mai táng để đưa chồng chị về nơi an nghỉ. Đây cũng là một hành động nhân văn của bác ái để anh em có thêm những kinh nghiệm trong công việc mục vụ.

Qua những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh của những người di dân, anh em học hỏi thêm được nhiều điều trong việc mục vụ di dân. Bên cạnh đó, anh em chủng sinh có thêm những cảm nghiệm riêng của mình về phận người, từ đó góp nhặt cho mình thêm những kinh nghiệm sống, cùng những, thao thức với sứ vụ của người tông đồ ngõ hầu trở thành người mục tử với lòng nhân hậu và sẵn sàng đi đến với những những người nghèo khổ, bất hạnh cần được giúp đỡ, sẻ chia trong sứ vụ tương lai.

Comments are closed.