Bài cảm nhận mục vụ tháng 10 – lớp Thần IV: Nét Đẹp Người Loan Báo Tin Mừng

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc

Bài Suy Tư Mục Vụ

 

NÉT ĐẸP NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG

Trong tông huấn Evangeli Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở đầu bằng việc diễn tả niềm vui, niềm vui của Tin Mừng cứu độ: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và trọn cuộc sống của những ai gặp Đức Giêsu. Những ai để cho Người cứu độ, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng, khỏi cô đơn. Niềm vui phát sinh và luôn tái sinh cùng với Đức Giêsu Kitô[1] (số 1). Quả thực, ơn cứu độ là một ân phúc mang lại niềm vui, bình an và hạnh phúc cho con người. Vì thế, người được sai đi loan báo ơn cứu độ cũng được mang trong mình niềm vui, niềm hân hoan và nhất là được mang lấy vẻ đẹp của người được Chúa chọn. Tiên tri Isaia cũng đã cảm nghiệm được điều đó khi thốt lên: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xion rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị”” (Is 52, 7). Người được sai đi mang trong mình nét đẹp của Tin Mừng.

Tin Mừng theo thánh Luca cho ta biết rằng chính Chúa Giêsu đã gọi và chọn những người cùng cộng tác với Người và các Tông Đồ trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng (x. Lc 10, 1-12). Cùng với việc sai đi, Chúa đã trao cho những kẻ Người chọn những hành trang cần thiết, những hành trang để làm nên nét đẹp của một sứ giả. Hành trang thứ nhất là sự nhân từ: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Sứ giả của Chúa sống “nhân từ” giữa những cảnh đời có khi nghiệt ngã, cay đắng và rất nguy hiểm. Sức mạnh nội tại không do bởi chính họ. Sức mạnh ấy chỉ có nhờ lòng cậy trông vào ơn Chúa. Bằng sức mạnh của lòng “nhân từ”, họ hiện diện giữa những hoàn cảnh nguy hiểm, bị chống đối. Lòng nhân từ có khả năng cảm hóa, mời gọi người khác quay về nẻo ngay, đường chính vì “sự nhân từ được xem như dấu chứng bản chất của Thiên Chúa, qua đó quyền năng tối cao của Người được biểu lộ[2]. Hành trang thứ hai là sự nghèo khó: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10, 4-5). Hành trang ấy làm nên nét đẹp của sự thanh thoát nơi người sứ giả. Họ không lệ thuộc vào các phương tiện trần thế, không bị lôi kéo bởi các dịch vụ, công nghệ và phương tiện thời đại. Đích nhắm của họ không phải là những thứ bảo đảm cho đời này, nhưng là Tin Mừng được loan báo. Họ ý thức được sự khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng nên chuyên tâm, nhiệt thành, không để mất giờ vào những thủ tục hình thức như việc chào hỏi dọc đường (x. Lc 10,4). Hành trang kế tiếp là niềm vui và bình an (x. Lc 10, 5). Hành trang này làm nên nét đẹp nội tâm nơi người loan báo Tin Mừng. Ở đời, ai cũng thích bình an và cuộc sống tràn ngập niềm vui. Bình an và niềm vui là món quà vô giá mà ai cũng cần. Sứ giả của Chúa phải là người có được một đời sống nội tâm gắn kết với nguồn vui và nguồn bình an đích thực là chính Chúa thì mới có thể trao ban món quà ấy cho người khác được. Khi có được nét đẹp nội tâm này, sứ giả của Chúa đi bất cứ nơi nào, vào bất cứu đâu cũng sẽ nhận được sự đón tiếp. Nét đẹp kế tiếp là sự chúc phúc (x. Lc 10, 9). Sứ giả của Chúa được nhận phúc lành từ chính Chúa. Họ được sai đi để đem phúc lành của Chúa đến cho những ai mở lòng đón nhận. Phúc lành của Chúa có sức mạnh hóa giải đau khổ, mang lại sự an ủi, xoa dịu những vết thương tâm hồn. Sứ giả của Chúa được trở nên khí cụ của lòng thương xót Chúa giữa mọi người. Nét đẹp cuối cùng là được thuộc trọn về Chúa. Vì thuộc về Chúa, sứ giả của Chúa làm được nhiều việc lớn lao (x. Lc 10, 17-19). Niềm vui lớn nhất của người được sai đi là “tên của anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10, 20). Người thuộc trọn về Chúa luôn lấy Chúa là quy chuẩn cho mọi suy tưởng, lời nói và hành động. Đó chính là một nét đẹp, nét đẹp bao trùm mọi nét đẹp. Nhờ gắn chặt đời mình vào trong Chúa, sứ giả của Chúa trở nên một nhân chứng sống động cho niềm vui của Tin Mừng, cho ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn dành cho tất cả mọi người.

Nét đẹp của người loan báo Tin Mừng luôn “hợp thời”. Nét đẹp ấy đang rất cần có trong xã hội ngày hôm nay. Một xã hội đang chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, duy vật chất, tham lam và vô cảm… Đó là một xã hội mà theo Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định là “cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất đang dần nhạt phai, và ước mơ làm việc với nhau vì công lý và hòa bình dường như là một điều viễn vông lỗi thời. Thay vào đó, điều đang thống trị là sự thờ ơ vô cảm mang tính toàn cầu, phát sinh từ sự vỡ mộng sâu xa được che dấu phía sau một ảo tưởng bị lừa dối: tự cho rằng chúng ta là toàn năng, trong khi không nhận ra rằng tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền[3]. Thế giới đang gặp những nguy cơ. Đức Thánh Cha Phanxicô thấy rằng: “Nguy hiểm lớn nhất là một thứ chủ nghĩa cá nhân buồn thảm, đến từ tâm hồn tự mãn và tham vọng, do việc tìm kiếm một cách bệnh hoạn các thỏa mãn hời hợt, từ một lương tâm cô độc. Khi đời sống nội tâm tự khép kín trên những hứng thú riêng tư, sẽ không còn chỗ cho kẻ khác, người nghèo không tìm được lối vào; người ta không còn nghe được tiếng Chúa; không còn hưởng niềm vui êm ái từ tình yêu của Người, không còn hứng thú làm việc thiện[4]

Trước những thách đố của thời đại, quả thực, sứ giả của Tin Mừng hiện diện giữa thế giới như chiên con đang bị vây bủa bởi “cơn khát máu” của bầy sói với rất nhiều nguy cơ: bị “bủa vây” bởi chủ nghĩa thực dụng, duy tiêu thụ; bị căng thẳng khi phải đối diện và nghe những “tiếng thét gào” của những con người đau khổ, thất vọng vì bị chà đạp nhân phẩm; bị “thất nghiệp” vì không còn mấy ai tha thiết với ơn phúc của Thiên Chúa vì cảm thấy quá đầy đủ tiện nghi; và rất dễ bị “xâu xé”,  “giằng co” nội tâm khi giữa những thách đố của thời đại, sứ giả không những khó tìm thấy được lối đi để Tin Mừng được loan báo mà còn dễ bị cám dỗ “xuôi chiều” dòng chảy của thế tục. Đối diện với những thực tại của xã hội hôm nay, sứ giả của Chúa không bi quan chán nản nhưng càng được mời gọi xác tín vào Chúa, xác tín vào lời Người: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). 

Nét đẹp của người loan báo Tin Mừng chỉ tồn tại và sinh hoa trái khi được gắn kết với sứ vụ trong Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, sứ giả tìm được niềm vui và sức mạnh nội tâm đích thực. Chính sức mạnh ấy là nguồn biến đổi tâm hồn những con người mà các sứ giả được sai đến để gặp gỡ vì “Niềm vui từ Tin Mừng tràn ngập đời sống cộng đoàn các môn đệ là một niềm vui truyền giáo. Bảy mươi người môn đệ đều có kinh nghiệm này, những con người trở về sau sứ vụ thật vui vẻ (x. Lc 10, 17)”[5].

Tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi trở nên người mang nét đẹp của Tin Mừng, trở nên sứ giả của Tin Mừng, vì đó là sứ vụ của mọi Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Sứ vụ giữa lòng dân chúng không phải là một phần của đời tôi cũng không phải là một thứ trang sức mà tôi có thể quẳng đi, cũng không phải là một thứ gì phụ thuộc cũng như một thời đoạn trong đời tôi. Nó là một điều gì mà tôi không thể rứt ra khỏi đời sống của tôi được, nếu tôi không muốn tự hại mình. Tôi là một nhà truyền giáo trên trái đất này, và vì thế tôi đang hiện diện trong thế giới này. Tôi phải biết rằng tôi đã được đốt cháy do sứ vụ này để soi sáng, để chúc lành, để làm cho sống động, để nâng đỡ, để chữa lành, để giải thoát[6]. Giữa những thách đố của thời đại, Giáo Hội đã có rất nhiều chứng nhân mang nét đẹp Tin Mừng. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã dùng nét đẹp của Tin Mừng để cảm hóa những kẻ bắt bớ và ngược đãi ngài trong thời gian bị biệt giam. Ngài viết: “Con nghĩ rằng con không có gì để hy sinh cho Chúa, nhưng Chúa thấy con bỏ qua nhiều dịp: tươi cười với một người nói móc họng con; thinh lặng trước một vu cáo bất công; yêu thương một người bạn phản bội; không nói lời chua cay trả đũa. Mỗi giây phút đều có dịp hy sinh. Con đừng nghĩ: dấn thân là lao mình vào những hoạt động hăng say náo nhiệt. Con hãy hiểu ý nghĩa dấn thân sâu xa hơn: “Theo gương Chúa, yêu thương đến mức độ quên mình vì người khác, hiến mình hoàn toàn nhưng không, để hiệp nhất với kẻ khác hầu họ được phong phú và công việc Chúa nơi họ được thành công” (Đường Hy Vọng, số 153, 605). Têrêsa Calcutta[7](1910 – 1997) là một người đã để lại nhiều hình ảnh đẹp trong con tim của hàng triệu tâm hồn. Đặc biệt trong lòng của rất nhiều người nghèo Ấn Độ, mẹ là một hình tượng đẹp của những giá trị nhân văn, nhất là lòng thương người. Mẹ không chọn cái đẹp của thân xác nhưng mẹ đẹp trong nhân cách, tựa như một loài hoa, loài hoa có màu sắc dịu dàng, tỏa hương thơm ngát, mang đến “mùa xuân” cho nhiều người. Nét đẹp tông đồ nơi mẹ đã được cả thế giới công nhận khi trao cho mẹ giải Nobel về hòa bình vào ngày 17 tháng 10 năm 1979. Đức cha Gioan Cassaigne[8](1895 – 1972), một tông đồ người cùi[9]. Vốn dĩ, Đức cha là một người Pháp, thuộc hội thừa sai Paris, nhưng chấp nhận theo bước chân của Thầy Giêsu chí thánh đến làm chứng nhân tình yêu tại làng cùi Di Linh, thuộc địa phận Đà Lạt. Đức cha đến với người cùi, ở với người cùi, chịu cùi và chết trên đất cùi. Bằng niềm vui và nét đẹp của Tin Mừng trong tâm hồn, Đức Cha đã thắp lên ngọn lửa tình yêu và lòng thương xót vốn đã bị dập tắt trong lòng những người cùi bởi sự thờ ơ, hắt hủi của con người và xã hội. Đức Hồng Y Phanxiccô Xaviê, mẹ Têrêsa Calcutta và Đức Cha Gioan Cassaigne….   và nhiều chứng nhân khác nữa là những chứng nhân sống động về Tin Mừng Đức Giêsu Kitô giữa thời đại. Các ngài đã chọn nét đẹp của Tin Mừng để sống sứ vụ của mình. Các ngài tin vào Đấng mà các ngài yêu mến và xác tín vào lời Chúa: “đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc” (Mt 6,25). Và các vị đã trở nên “người phục vụ anh em” (Mt 20,26) như Đấng mà mình hằng luôn tin tưởng đã đến “để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). 

Chiêm ngắm mẫu gương sống của các tiền nhân, mỗi Kitô hữu được mời gọi bắt chước các ngài, bước theo Thầy Chí Thánh bằng việc trở nên “người thân cận” của người khác. Như Đức Giêsu đã mời gọi người thông luật sau khi kể cho ông nghe dụ ngôn người Samari nhân hậu (x. Lc 10, 29-37): “Ông hãy đi và làm như vậy” (Lc 10, 37). Chúng ta cũng được mời gọi sống nét đẹp của người loan báo Tin Mừng bằng đời sống yêu thương. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với chúng ta: “Tình yêu đối với người khác là một sức mạnh tinh thần cho phép chúng ta gặp gỡ trọn vẹn với Thiên Chúa, về điểm này thì ai không yêu anh em mình sẽ “đi trong bóng tối” (1Ga 2, 11), “Ở trong sự chết” (1Ga 3, 14) và “không biết Người” (1Ga 4, 8). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói rằng: “nhắm mắt lại trước người thân cận của mình là trở thành đui mù trước Thiên Chúa” và tình yêu là nguồn ánh sáng duy nhất luôn “chiếu soi một thế giới đang chìm trong bóng tối; ánh sáng này ban cho chúng ta sự can đảm để sống và hoạt động””[10].

Tháng Mân Côi năm 2022

Tổ 2 – Khóa XI

Lớp Thần Học IV

 

[1] ĐTC. PHANXICÔ, Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng, Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, dg., nxb. Tôn Giáo, tp. HCM., 2014, số 1.

[2] Nt., số 37.

[3] ĐTC. PHANXICÔ, Fratelli Tututti – Tất Cả Anh Em, Giuse Phạm Văn Phi, O. Cist, dg., nxb. Tôn Giáo, tp. HCM., 2020, số 30.

[4] ĐTC. PHANXICÔ, Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng, Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, dg., nxb. Tôn Giáo, tp. HCM., 2014, số 2

[5] Nt., số 21.

[6] Nt., số 273.

[7] X. MOTHER TERESA, Tâm Hồn Ngậm Tràn Niềm Vui, José Luis Gonzales Balado biên soạn, Lm. Philipphê Trần Công Thuận biên dịch, nxb. Tôn Giáo, tp.HCM., 2015.

[8] X. Lm. PHÙNG THANH QUANG, Lạc Quan Trên Miền Thượng.

[9] Người mắc bệnh phong cùi, một chứng bệnh lây nhiễm, lỡ loét, rụng rời cơ phận và nguy hiểm thời đó. Xem thêm: http://tinchiase.com/benh-phong-cui-la-gi

[10] ĐTC. PHANXICÔ, Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng, Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, dg., nxb. Tôn Giáo, tp. HCM., 2014, số 272.

Comments are closed.