LECTIO DIVINA
Thứ Tư Tuần XXX-TN, 26-10-2022
Lc 13, 22–30
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài kêu mời chúng ta đi vào qua Cửa Hẹp”
“Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”
Bài đọc Tin Mừng hôm nay (Lc 13, 22-30) tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa phong phú của cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa. Chúa Giêsu đang trên đường đến Giêrusalem để trải qua cái chết dẫn đến vinh quang. Trong bối cảnh của cuộc hành trình vượt qua này, có người hỏi: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?” Chúa Giêsu, thay vì trả lời trực tiếp người ấy, đã thúc đẩy anh ta bằng một thách thức: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Cánh cửa hẹp mở ra cho tất cả mọi người, nhưng chỉ dành cho những ai tìm kiếm nó. Thật vậy, ân huệ cứu độ không phải là một đặc quyền dễ dãi. Nó phải được đón nhận một cách tự nguyện và đầy đủ. Chúng ta cần phải lựa chọn vương quốc.
Học giả Kinh Thánh, Samuel Oyin Abogunrin giải thích rằng thuật ngữ “chiến đấu” (trong tiếng Hy Lạp là agonizesthe) là từ ngữ phát sinh ra từ “thống khổ” (agony) trong tiếng Anh. Theo ông: “Cuộc chiến đấu để vào qua cửa hẹp phải được thúc đẩy và tập trung cách phi thường như được mô tả là sự thống khổ bao gồm toàn bộ con người: thể xác, linh hồn và tinh thần. Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu hàng ngày để vươn lên đến một bình diện tâm linh cao hơn. Thật sai lầm khi ngồi lại và thư giãn sau khi chúng ta đã có một cam kết cá nhân với Đức Kitô. Chúng ta không thể trì trệ trong lòng trung thành với nước Thiên Chúa ; nếu chúng ta không tiến lên, chúng ta sẽ bị lùi lại”.
Lạy Cha mến yêu, Đức Giêsu Kitô, Con của Cha mời gọi chúng con đi vào qua cửa hẹp để đến với sự cứu độ. Xin giúp chúng con tham dự vào sự hy sinh vượt qua của Ngài và bữa tiệc trong nước của Cha. Xin cho chúng con cảm nghiệm “ân huệ kỳ diệu” của Cha, và xin giúp chúng con một lòng một dạ đáp lại ân huệ đó. Cha hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”
Tôi kết hợp sự hy sinh hàng ngày của tôi với sự hy sinh của Đức Kitô, và làm cho sự hy sinh đó trở thành phương tiện để chia sẻ trong bữa tiệc của nước Thiên Chúa.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.