Ðời Sống Mới Trong Chúa Kitô – 02: Tội Lỗi Của Con Người Và Của Ta

TỘI LỖI CỦA CON NGƯỜI VÀ CỦA TA

“Mọi người đã phạm tội” (Rm 3,23)

 

       Ðề tài của bài suy niệm hôm nay chiếm cả phần đầu thư Rôma (1,18-3,20), được Phaolô tóm tắt bằng một xác quyết ở cuối phần: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa”. Phaolô không tiên vàn nhằm nói cho ta biết tội là gì, nhưng muốn cho ta thấy rằng tội lỗi tồn tại, “mọi người đều bị tội lỗi thống trị” (3,9). Mọi người, không trừ một ai.

       Tuy vậy, thực ra Thánh Tông Ðồ cũng cho ta biết ít nhiều tội là gì, và đây là điều chúng ta muốn lắng nghe và khai triển nhiều hơn. Chúng ta xác nhận rằng chỉ có mạc khải của Thiên Chúa mới giúp người ta biết thế nào là tội. Không một khoa luân lý hay triết học nào nói đúng về nó. Không một ai, tự mình, có thể nói tội là gì. Lý do là vì chính mình sống trong tội, nên những gì mình nói về tội thường chỉ là một cách làm giảm nhẹ tội lỗi. Bất quá chúng ta chỉ hiểu tội là xúc phạm tới mình hoặc xúc phạm tới người khác, nhưng không hiểu tội là chống lại Thiên Chúa. Chúng ta hiểu những vi phạm về quyền của con người, nhưng không hiểu những vi phạm về quyền của Thiên Chúa.

       Chỉ có mạc khải mới cho ta biết thế nào là tội. Ðức Giêsu còn xác định rỗ hơn: chỉ?#250;a Thánh Thần mới có thể chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi; chỉ Thần Khí mới là trạng sư bênh vực Thiên Chúa và Ðức Kitô trong phiên toà xử án thế gian. Vì vậy, chính Thiên Chúa phải nói cho ta về tội.

       Nếu thế giới hôm nay mất hay ít ý thức về tội, và không muốn nghe lời Giáo Hội khi Giáo Hội nói về tội, chắc hẳn một phần vì họ tưởng rằng Giáo Hội đứng về phía Thiên Chúa để cáo giác tội lỗi, tức coi mình như nguyên cáo, thay vì coi mình liên đới với bị cáo. Ðâu phải! Nếu vì nhiệm vụ do Thiên Chúa uỷ thác mà Giáo Hội phải cùng với Thần Khí bắt lỗi thế gian thì, thì với tư cách là một thực thể nhân loại, Giáo Hội biết mình cũng đứng về phía con người.

       Nếu chính Thiên Chúa phải nói cho chúng ta về tội, chúng ta không thể dửng dưng, không thể không nghe. Việc suy niệm của ta về tội lỗi sẽ đạt kết quả, nếu nó không những phá vỡ sự an ninh giả tạo của ta (do tưởng mình không có tội hay chỉ có lỗi qua quít, để rồi vẫn sống khơi khơi), mà còn khiến chúng ta phải khiếp sợ trước nguy cơ do tội lỗi gây ra, hoặc do khả năng phạm tội mang lại. Thái độ khiếp sợ này sẽ là bạn tốt giúp chúng ta chống lại tội lỗi.

       Trong bài suy niệm này, chúng ta gợi ra bốn điểm liên hệ đến bản chất của tội, thực trạng tội lỗi, hậu quả của tội và chính chúng ta là tội nhân.

1. Bản chất của tội: không nhìn nhận Thiên Chúa

       * Phaolô bày tỏ quan điểm của Thiên Chúa về tội như thế này: “Từ trời, Thiên Chúa mạc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy bất chính mà giam hãm chân lý . Tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người . Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết” (Rm 1,18-23)

       Theo đoạn văn trên, tội cơ bản chính là sự vô đạo. Nó làm cho Thiên Chúa phải nổi cơn thịnh nộ. Vô đạo hệ tại ở chỗ nào? Thì Phaolô cho biết ngay: ở chỗ người ta không tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa. Nói khác đi, ở chỗ không công nhận Ngài là Thiên Chúa, không dành cho Ngài một sự kính trọng phải có đối với một Thiên Chúa. Hoặc theo một nghĩa khác: chẳng cần biết đến Thiên Chúa. Biết Ngài có đấy, nhưng sống và hành động như không có Ngài.

       Trong Cựu Ước, chúng ta thấy Mosê đã nói với dân chúng: “Anh em phải biết rằng Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa” (Ðnl 7,9). Tác giả Thánh Vịnh cũng lặp lại lời trên: “Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Ðế, chính Người dựng nên ta, ta là dân Người” (Tv 99/100,3). Vậy xét từ nguyên uỷ, tội là không muốn nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa. Tội là cố xoá bỏ sự khác biệt vô biên giữa con người và Thiên Chúa, và do kiêu căng mà làm như vậy. Như thế, tội tấn công vào chính cội rễ mọi sự, bóp nghẹt chân lý và, nói như Phaolô, lấy bất chính giam hãm chân lý. Tội là một cái gì u ám và kinh khủng hơn điều người ta có thể nói hay mường tượng về nó.

       Hình thức cụ thể của sự khước từ? Thiên Chúa là thờ ngẫu tượng. Người ta tôn thờ tạo vật thay vì tôn thờ Thiên Chúa. Con người tự tạo cho mình một Thiên Chúa, như Israel xưa đã đúc bò vàng để thờ thay cho Thiên Chúa, Ðấng mà họ cảm thấy xa cách, không giúp họ thực sự và hữu hiệu. Họ để cho Thiên Chúa giả quyết định về Thiên Chúa thật. Vai trò bây giờ đảo lộn: Lẽ ra Thiên Chúa là thợ gốm, con người là chiếc bình, thì giờ đây con người trở thành thợ gốm, Thiên Chúa thành chiếc bình do con người nhào nặn theo sở thích của mình (Rm 9,20tt).

       * Con người khước từ Thiên Chúa thì đời sống luân lý sẽ ra sao? Nói chung là phong hoá suy đồi, một sự mất mát đưa nhân loại tới chỗ huỷ diệt mà họ không nhận thấy. Phaolô kể ra những thói hư tật xấu của xã hội ngoại giáo đương thời như sau: đồng tính kuyến ái, bất công, độc ác, ham hố, ghen tương, lừa đảo, nói xấu, khoe khoang, kiêu căng, nổi loạn chống lại cha mẹ . Toàn những tội nghe mà phát ớn. Bản liệt kê này cũng đã được các nhà luân lý ngoại giáo đề cập, nhưng bức tranh toàn bộ chính là bức tranh về sự vô đạo theo Kinh Thánh.

       Có một điều mà thoạt nghe chúng ta có thể ngạc nhiên: Phaolô coi hiện tượng suy đồi trên đây là hệ quả của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thánh Tông Ðồ nhấn mạnh như vậy đến ba lần: “Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế . để mặc họ buông theo dục tình đồi bại . để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng.” (Rm 1,24.26.28). Thiên Chúa mà lại nhẫn tâm như vậy sao? để mặc như vậy sao? Chắc chắn Ngài không muốn điề?273;ó, nhưng Ngài cho phép xẩy ra như thế, để con người hiểu rằng từ chối Thiên Chúa tất sẽ đưa đến hậu quả đó. Có thể nói Thiên Chúa bị “bắt buộc” để mặc con người cho chính họ, không bảo lãnh cho sự bất chính của họ, và để họ từ bỏ con đường xấu xa mà trở về.

2. Thực trạng tội lỗi: sự vô đạo đang hoành hành

       Phaolô tố giác tội của xã hội ngoại giáo thời ngài, tức tội vô đạo, thể hiện trong việc thờ ngẫu tượng, đưa đến kết quả là luân lý suy đồi. Ngày nay, nếu muốn theo gương ngài và suy niệm thật sự bài học quý giá của ngài, chúng ta không chỉ dừng lại ở chỗ tố giác việc thờ ngẫu tượng của xã hội ngoại giáo thời ấy. Xã hội đó thuộc về lịch sử rồi, tố giác thêm cũng không ăn thua. Chúng ta còn phải làm điều như ngài đã làm, là nhìn vào xã hội chúng ta đang sống hôm nay, để thấy được những hình thức vô đạo trong đó. Phaolô đã lột mặt nạ của dân ngoại, cho thấy đàng sau tất cả sự tự hào, sự cao quý, lý tưởng đạo đức, thực ra lại ẩn giấu một thái độ tự vinh vang, vô đạo và giả dối. Giờ đây, chúng ta phải dựa vào lời Chúa, và sẽ thấy lời Chúa lột mặt nạ của thế giới hôm nay, cũng như của chúng ta, như thế nào.

       Phaolô đã nhận thấy cội rễ của tội là do không tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa. Vô đạo là ở đó. Người ta không nhận Thiên Chúa là Ðấng Tạo Thành, và không coi mình là tạo vật. Thời nay cũng thế thôi. Không thiếu những người có ý nghĩ hay thái độ trên đây. Hơn nữa, người ta còn khước từ một cách có ý thức,? công khai, khác với thời Phaolô, và có lẽ chưa thời nào như vậy. Trong thư thứ hai gửi tín hữu Thessalonica, Phaolô bảo “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2Tx 2,7). Nhưng sự gian ác không chỉ hoành hành thời Phaolô, mà thực sự đang hoành hành thời nay. Nó không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, sờ sờ trước mắt mọi người.

       * Ngày nay, người ta hay nói về tội chống lại con người. Nhưng chúng ta vẫn phải nhấn mạnh về tội chống lại Thiên Chúa, tức tội vô đạo. Vì sao? Tội xúc phạm tới con người thì dễ nhận ra, dễ tố giác, bởi xã hội có luật có lệ, đụng tới con người trong xã hội là đụng tới những luật lệ đó. Trong khi ấy, tội xúc phạm tới Thiên Chúa là cội rễ của nó, lại không được nhận ra, hoặc bị đánh giá thấp.

       Tuy nhiên, chúng ta nhấn mạnh tội chống lại Thiên Chúa vì còn có lý do sâu xa hơn. Lý do đó là như thế này: Khi bàn về tội chống lại con người mà không dựa vào lời Chúa, người ta có nguy cơ đánh mất ngay cả ý thức về tội. Tội không còn phải là điều dữ trước mặt Thiên Chúa (Tv 50,6), mà chỉ còn là điều dữ trước mắt con người.

       Từ đó, con người muốn tự mình định nghĩa thế nào là tội, điều nào tốt, điều nào xấu, muốn vạch ra cho mình một thứ đạo đức riêng không mắc mớ gì với Thiên Chúa hết. Vô đạo đấy! Thậm chí người ta khoác cho tội một định nghĩa hoàn toàn có mầu sắc vị kỷ. Có tội chống lại con người, xúc phạm tới con người, không sai, nhưng đây không phải là con người khách quan, mà là con người trong tôi, với nếp sống riêng của tôi hay của giai cấp tôi, thói quen riêng của tôi, ý nghĩ riêng của tôi, hoàn cảnh và lý do riêng của tôi. Ai xúc phạm tới con người trong tôi hay trong giai cấp tôi, người đó phạm tội chống lại con người. Còn tôi, hầu như không bao giờ phạm tội chống lại ai, vì những điều tôi làm cho người khác đều hợp với con người trong tôi. Ðâu tội lỗi gì!

       Một luân lý gạt Thiên Chúa ra ngoài thường cũng chỉ là thứ luân lý của ngoại giáo ngày xưa. Với thứ luân lý này, người ta có thể đi đến chỗ biện minh cho việc huỷ hoại cuộc sống vô tội, chẳng hạn việc phá thai, với ý nghĩ như: nó chưa là con người như tôi, có nó chỉ thêm rầy rà cho tôi, cho xã hội .

       Chúng ta nhắc lại rằng tội là tội khi có liên hệ với Thiên Chúa. Tội gọi là chống lại con người cũng vì Thiên Chúa có liên hệ trong đó, vì tội đó cũng chống lại Ngài.

       Cho nên, cũng như Phaolô, không những chúng ta nhìn vào sự vô đạo ở chung quanh, mà còn phải thực hiện nhiệm vụ, mà lời Chúa trao phó cho ta, là tố giác sự vô đạo ấy. Tố giác với mục tiêu rõ rệt: giúp ta ý thức rằng, quanh ta, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Vương quốc Thiên Chúa và vương quốc Satan, vẫn đang hoành hành, đang tiếp diễn. Không thể giữ thái độ trung lập.

3. Hậu quả của tội: sự chết

Bây giờ, chúng ta hãy nhìn đến hậu quả của sự vô đạo.

* Trong sách ngôn sứ Giêrêmia, chúng ta đọc được những lời này: “Ai lìa bỏ Thiên Chúa, sẽ phải xấu hổ” (Gr 17,13). Xấu hổ hiểu theo nghĩa xấu nhất. Nhưng vì sao phải xấu hổ? Vì bỏ Thiên Chúa sẽ đưa tới chỗ hỗn loạn, lầm lạc, cho tới tận bên trong con người của mình. Còn Ðức Giêsu thì nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó” (Mt 16,25). Những kiểu nói “mất”, “lầm lạc” thường được Kinh Thánh sử dụng khi nói về tội: con chiên lạc, đồng bạc bị mất, đứa con lạc đường. Chính từ hy lạp (hamartia) dùng để dịch khái niệm Kinh Thánh về tội cũng chứa đựng ý tưởng lầm lạc, thất bại. Vậy tội là mất, là thất bại, một sự thất bại tận căn, triệt để.

       Một người có thể thất bại dưới nhiều hình thức: thất bại trong vai trò làm cha mẹ, thất bại trong cuộc đời linh mục, thất bại trong công ăn việc làm . Nhưng đây chỉ là những thất bại tương đối, có thể làm lại được. Thua keo này bầy keo khác. Một người có thể gặp mọi thất bại trong cuộc đời, đồng thời vẫn có thể là một người đáng kính, thậm chí là một vị thánh nữa.

       Nhưng đối với tội thì khác. Tội là sự thất bại của con người trong thực tại cơ bản của con người, tức? trong cái mà con người “là”, chứ không phải trong cái mà con người “làm”. Thử nghĩ đến trường hợp Giuđa. Chúng ta nhớ lại lời Ðức Giêsu nói về Giuđa: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24). Lời lên án quả là nặng, và chỉ áp dụng cho trường hợp độc nhất này. Nặng, không phải vì Giuđa phản bội Thầy, xúc phạm đến chính Chúa nên Chúa mới nói thế. Phêrô không phản bội Thầy khi chối Thầy ba lần đó sao? Nhưng nặng, vì con người của Giuđa là con người phản bội và anh ta không nhận ra, hoặc cố ý không nhận ra, con người thật của mình, nên không hối cải. Ngược lại với Phêrô: Phêrô làm hành vi bội phản, nhưng không phải là con người phản bội.

       Con người phạm tội, xúc phạm đến Thiên Chúa, đồng thời còn gây phương hại và làm nhơ bẩn chính mình nữa, như lời Chúa nói qua miệng Giêrêmia: “Có phải chúng xúc phạm đến Ta, hay là xúc phạm đến chính mình, làm cho mặt mình phải xấu hổ? (Gr 7,19). Không tôn vinh Thiên Chúa thì cũng bị lấy mất vinh quang Thiên Chúa. Dĩ nhiên, tội cũng làm phiền lòng Thiên Chúa, làm tổn thương Ngài trong tình yêu của Ngài, làm cho Ngài mất người Ngài yêu.

       Tuy nhiên, hậu quả quan trọng nhất của tội trong cuộc đời ta, ta phải gọi đích danh nó, cứ nói thẳng nó ra: đó là sự chết. Phaolô quả quyết rằng: “lương bổng mà tội lỗi trả cho ta, là sự chết” (Rm 6,23). Cái giá phải trả là sự chết. Tội đưa đến cái chết. Cái chết này không phải như một sự kiện, vì sự kiện chết chỉ xẩy ra một lúc nào thôi, cho bằng như một tình trạng, một thứ bệnh chết dở, một tình huống chết kinh niên, một sự hấp hối kéo dài. Chính từ đó mà phát sinh án phạt và hình khổ của địa ngục. Hình khổ đời đời của địa ngục không tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, vì Ngài là Ðấng thương xót và tha thứ, nhưng tuỳ thuộc vào con người, vì con người không muốn được thương xót và tha thứ, do muốn mình không lệ thuộc Thiên Chúa.

4. Tội của ta: “Kẻ đó chính là bạn”

       Cho tới lúc này, dường như chúng ta đang làm quan toà tố cáo tội thế gian. Nhưng còn tội nơi chúng ta thì sao? Như đã lột mặt nạ tội lỗi của thế gian, ta cũng phải lột mặt nạ tội lỗi của ta.

       * Hãy khởi đầu bằng một câu truyện trong sách Samuel. Lúc bấy giờ Ðavít phạm tội ngoại tình với Betsabê. Ðể giấu tội, vua đã gián tiếp giết chồng của nàng là tướng Uria, để lấy nàng làm vợ. Việc cưới Betsabê còn được coi như một việc làm quảng đại của nhà vua đối với một chiến sĩ chết trên trận tiền vì mình. Tội này chồng chất lên tội kia. Nhưng rồi Thiên Chúa đã sai Nathan đến, kể cho nhà vua câu truyện về một người giầu có tàn ác với một người nghèo. Cuối cùng, Nathan chỉ vào mặt nhà vua mà nói: “Kẻ đó chính là ngài” (2Sm 2,1tt).

       Phaolô cũng làm như vậy đối với ta. Sau khi cho thấy sự ghê tởm trước tình trạng vô đạo của thế gian, Phaolô như quay lại phía ta mà nói: Người đó chính là bạn. Thánh Tông Ðồ viết: “Dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể bào chữa được khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2,1tt). Phaolô dùng lại kiểu nói “không thể bào chữa” đã áp dụng cho dân ngoại ở trên. Ý ngài muốn nói là: Khi ta xét đoán người khác, thì ta kết án chính mình, vì ta cũng có lỗi. Ta đã ghê tởm đối với tội lỗi, thì hãy ghê tởm như thế đối với chính ta.

       Trong cả chương II của thư Rôma, Phaolô đang nói về người Do Thái, là những người đang lên án tội lỗi của dân ngoại. Những người Do Thái này thuộc loại đạo đức và có lòng tin, có những nguyên tắc luân lý dựa vào mạc khải, đang lên tiếng xét xử thế gian. Và khi xét xử như thế thì cảm thấy mình được an toàn, vì cho mình là không sống như thế gian. Theo nghĩa này, người Do Thái cũng chính là mỗi người chúng ta. Origène từng nói: Những người mà Phaolô nhắm đến là các Giám mục, Linh mục, Phó tế, tức những thầy dạy và chỉ đạo. Nhưng có thể nói một cách chung chung rằng Phaolô muốn tố giác ảo tưởng của những người đạo đức, nghĩ rằng mình tránh được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, mình được đặc ân của Thiên Chúa, mình đứng về phía Thiên Chúa, chỉ vì mình biết phân biệt điều tốt điều xấu, biết lề luật, và biết áp dụng luật cho người khác khi có dịp, để rồi có thể lên tiếng xét đoán người khác.

       Thái độ này giống như một người con, thấy cha mẹ trách mắng đứa em phạm lỗi, cũng hùa vào trách mắng đứa em này, tưởng rằng làm thế là lấy lòng cha mẹ, được thiện cảm của cha mẹ, để cha mẹ sẽ không trách mắng mình về những lỗi tương tự. Thế nhưng, cha mẹ chờ ở người con đó một điều khác, muốn cho nó, khi thấy em mình được sửa lỗi và cha mẹ còn đang nhân từ kiên nhẫn với mình, thì liệu mà hối lỗi và cải thiện.

       Phaolô viết: “Hay là bạn coi thường lòng Chúa vô cùng nhân hậu, khoan dung, đại lượng, mà không nhận ra rằng Thiên Chúa nhân hậu như thế là để thúc giục bạn hối cải sao? Thế nhưng bạn lòng chai dạ đá không chịu hối cải, và như vậy bạn càng làm cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chồng chất trên đầu bạn, trong ngày Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và biểu lộ phán quyết công minh” (Rm 2,4-5).

       Lời của thánh Tông Ðồ phải làm cho ta giật mình. Ðó cũng là lời nói với chúng ta hôm nay. Cứ suy đi nghĩ lại mà coi. Ta thấy điều ta lên án người khác lắm khi cũng chính là điều ta lỗi phạm. Ðể rồi, nếu không muốn cứng lòng, ta phải nói như Ðavít: “Tôi thật đắc tội” (2Sm 12,13).

       * Nhưng đâu là nét đặc thù mà Phaolô muốn tố giác nơi những người gọi là “đạo đức” ấy? Phaolô nói rằng những người này cũng làm như thế, tức là làm chính những điều họ xét đoán nơi người khác. Những điều nào vậy? Phải chăng giống y như điều dân ngoại đã làm? Ðúng thế. Nhất là, xét tự bản chất, những điều đó lại chính là sự vô đạo và thờ ngẫu tượng. Trong thế giới hôm nay, có chán vạn hình thức thờ ngẫu tượng, có thể nhận thấy nơi bất cứ ai, bất cứ chỗ nào. Nếu thờ ngẫu tượng là tôn thờ sản phẩm do tay mình làm ra (Is 2,8; Hs 14,4), nếu thờ ngẫu tượng là đặt tạo vật vào chỗ của Thiên Chúa, thì tôi là người thờ ngẫu tượng, khi tôi đặt tạo vật – tạo vật của tôi, công trình do tay tôi – vào chỗ của Thiên Chúa. Tạo vật của tôi có thể là đứa con của tôi, có thể là con người tôi yêu thương, có thể là một công trình tôi đang thực hiện, có thể là một nhà trẻ tôi đang điều khiển .

Nhưng trên hết, có một thần tượng tuyệt vời là chính con người tôi. Nền tảng của mỗi một sự tôn thờ ngẫu tượng là tôn thờ chính mình, là sự yêu mình, coi mình là trung tâm, là nhất, hy sinh mọi sự khác cho nó. Bản chất của mọi cái đó là sự vô đạo, là không tôn vinh Thiên Chúa để tôn dương mình, chỉ có thế và luôn như thế, sử dụng ngay cả điều phải dành cho Thiên Chúa để phục vụ mình.

       Có những người viện lẽ bảo vệ nhân quyền, nhưng thực ra là bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Cũng vậy, có những người viện lẽ bảo vệ quyền của Thiên Chúa hoặc của Giáo Hội, mà thực ra là bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Vì vậy mà ngày hôm nay, lời tố giác của Phaolô vẫn còn rất phù hợp: “Chính vì các ngươi mà Danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân” (Rm 2,24). Tội mà Phaolô tố giác nơi người Do Thái trong cả thư Rôma, chính là tội đó: tội tìm kiếm sự công chính riêng của mình, vinh vang riêng của mình, và tìm kiếm ngay trong việc giữ luật Thiên Chúa.

       * Khi suy nghĩ lại, có lẽ giờ đây tôi phải chấp nhận sự thật này, đó là: cho tới lúc này, tôi đã sống cho mình quá nhiều, tôi đã sống vô đạo, tuy cách thức và mức độ có thể khác với những gì nói trong thư Rôma. Chúa Thánh Thần đã bắt lỗi tôi về tội. Vậy phải làm gì? Không gì hơn là bắt đầu bằng sự hoán cải.

       Chúng ta hãy lấy Thánh Vịnh 130, hãy xướng lên bài ca “Từ vực sâu, con kêu lên Ngài, lạy Chúa”. Bài này không phải được viết cho người chết đâu (như thường thấy? hát trong Nghi Thức An Táng), nhưng là cho người còn sống. Vực sâu ở đây không phải là luyện ngục, nhưng là vực sâu của tội lỗi. “Nếu Chúa chấp tội, nào ai đứng vững được?”

       Liên hệ đến chuyện này, chúng ta nhớ một lời trong thư thánh Phêrô cho biết Ðức Kitô “đã đến giảng cho các vong linh bị giam cầm” (1Pr 3,19). Quả thực, theo giáo lý của Giáo Hội, Chúa Giêsu sau khi chết, có “xuống ngục tổ tông yên ủi các thánh”, như chúng ta đọc trong Kinh Cầu Chịu Nạn. Lời của thánh Phêrô được một Giáo Phụ diễn giảng như sau: Khi bạn nghe nói Ðức Kitô xuống ngục tổ tông để giải thoát các linh hồn bị giam cầm trong đó, bạn đừng nghĩ là việc đó quá xa với những việc đang thực hiện. Hãy tin tôi đi, trái tim là một nhà mồ (Macariô người Ai Cập).

       Về đường thiêng liêng, trái tim đúng là một nhà mồ. Tâm hồn tội lỗi không khác gì vực sâu. Chúng ta đang là những người bị giam cầm trong ngục chờ Chúa đến. Từ chốn ngục tù sâu thẳm của “cái tôi”, nơi chúng ta đang bị giam giữ, hãy cất tiếng kêu van Chúa. Thánh Vịnh nói trên tràn đầy niềm cậy trông và phó thác: “Hồn tôi mong chờ Chúa hơn lính canh mong đợi hừng đông . Chính Người sẽ cứu chuộc Israel cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn”. Chúng ta biết chắc Thiên Chúa sẽ giúp đỡ, thuyên chữa tội ta, vì Ngài yêu ta.

       Như vậy, lời của Phaolô (“Mọi người đều phạm tội.”) có làm ta giật mình đi nữa, cuối cùng ta vẫn cảm thấy thanh thản và tin tưởng mà ca lên: “Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ”.

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

([email protected])

Loạt bài suy niệm trên lấy ý trong:

Cantalamessa, La vie dans la seigneurie du Christ, Les éditions du Cerf, 1990.

Tác giả dựa vào thư Rôma, đề nghị một cuộc hành trình tái phúc âm hoá và canh tân đời sống đức tin, dành cho mọi kitô hữu. Làm sao cho mỗi người, nhờ những ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội, được thư Rôma khơi lại, cuối cùng trở thành một tạo vật mới, không còn sống cho mình, nhưng là sống cho Chúa.

Comments are closed.