CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT VI-TN_C, 13-02-2022
֎
KHÔNG AI HẠNH PHÚC
MÀ LÚC NÀY KHÔNG CÔNG CHÍNH
Ba trong bốn bài đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là người gây dựng nên hạnh phúc cho chính mình, tùy thuộc lúc này chúng ta có đi theo con đường công chính, trung thành với “Con Người” và Tin Mừng của Ngài hay không.
Bài đọc I : Gr 17, 5-8
Lời tiên tri này của Giêrêmia có nhiều điểm tương đồng với Thánh vịnh 1, đến nỗi người ta nghĩ rằng rất có thể chính nó đã gợi hứng cho Thánh vịnh này. Nhà tiên tri được cho là đã truyền cảm hứng cho khoảng ba mươi thánh vịnh (trong đó có thánh vịnh 30 và các thánh vịnh Ai Ca). Giêrêmia khai triển hình ảnh ẩn dụ về cây “được trồng bên dòng nước” luôn xanh tươi (Tv 1, 3). Phép ẩn dụ nói về “người đặt đức tin của mình nơi Chúa”. Trái lại, ẩn dụ về “bụi cây trong hoang địa” mô tả “người đặt niềm tin vào người phàm”. Người trước được “chúc lành” ; còn người sau “bị nguyền rủa”.
Thánh vịnh 1
Lời đầu tiên của thánh vịnh là một lời chúc phúc : “Phúc thay người vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”. 150 thánh vịnh là bấy nhiêu con đường mà chúng ta cần đi để khám phá rõ hơn sự phong phú của “luật pháp của Chúa”. Nơi các thánh vịnh, ta gặp được rất nhiều trải nghiệm của con người, hạnh phúc hay bất hạnh. Những trải nghiệm hạnh phúc được thể hiện thành thánh vịnh tạ ơn và ngợi khen, còn những trải nghiệm về bất hạnh có thể được biến đổi bởi tình yêu của một Thiên Chúa, Đấng nghe thấy tiếng kêu của người nghèo và chữa lành những tâm hồn tan nát.
Bài đọc II : 1 Cr 15, 12.16-20
Phaolô không ở trong số những nhân chứng đầu tiên về sự phục sinh của Đức Kitô, nhưng trong Tân Ước, ông là người mô tả rõ nhất nội dung của sự phục sinh. Từ lá thư của Phaolô, chúng ta suy ra rằng một số Kitô hữu có thái độ thực tế giống như những người Sa-đu–sê, là những người chối bỏ khả năng “người chết sống lại”. Lời phản biện của Phaolô thật đanh thép : “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô cũng chẳng sống lại”. Phaolô không chịu bỏ ý kiến của mình : ở phần mở đầu và ở phần cuối của đoạn trích này, Phaolô tuyên bố lớn tiếng và mạnh mẽ sự kiện này là “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết” và rằng, nếu chúng ta thực sự tin vào Người, chúng ta không phải sợ chết, bởi vì “người đầu tiên sống lại” là bảo đảm cho sự sống lại của chúng ta.
Tin Mừng : Lc 6, 17.20-26
Bản tường thuật của Luca về các Mối phúc có một số khác biệt so với Matthêu. Trước tiên là ở bình diện con số : bốn Mối Phúc nơi Luca, so với chín nơi Matthêu. Người ta ngay lập tức nhận ra mối quan tâm xã hội của Luca: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, nghĩa là những người nghèo “thực sự” về mặt kinh tế. Cũng cần ghi nhận sự nhấn mạnh vào hiện tại: “Anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói” ; “Anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc”. Mối Phúc thứ tư đề cập đến sự thù hận và kỳ thị đối với các Kitô hữu thời đó. Cuối cùng, chúng ta ghi nhận phần đối chiếu Bốn Mối Phúc, nêu ra “sự bất hạnh” của những người giàu có, những người cười nhạo người khác và những lời khen ngợi bề ngoài dành cho các tín hữu.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ