CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT III-TN_C, 23-01-2022
֎
BUỔI PHỤNG VỤ LỜI CHÚA ĐẶC BIỆT
Phụng vụ Lời Chúa do tư tế Esdra chủ sự cho thấy tầm quan trọng của việc nghe và hiểu Kinh thánh. Và Chúa Giêsu kết thúc việc Ngài đọc Kinh Thánh trong hội đường Nazareth bằng cách nhấn mạnh đến tính thời sự của lời Chúa.
Bài đọc I : Nê-hê-mi 8, 2-4a. 5-6. 8-10
Nê-hê-mi cho chúng ta một cái nhìn bao quát rất rõ về tiến trình của một buổi Phụng vụ Lời Chúa sau Cuộc Lưu đày, có lẽ là trong hội đường. Cuộc họp, vốn là chuyện gia đình, có tầm quan trọng hiếm thấy, vì tư tế Esdra đọc Lời Chúa “từ sáng sớm cho đến trưa” trong cuộc họp ! Từ trên cao của bục giảng, Esdra mở cuốn sách và “chúc tụng Chúa”, và đám đông đứng giơ tay đáp lại nhiệt tình: “A-men! A-men! ” Bấy giờ cuốn sách (cuộn sách) được viết bằng tiếng Do Thái, trong khi từ lúc này dân chúng đang nói tiếng Aram. Do đó, chính Esdra và những thầy Lê-vi đã bắt tay vào việc dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng Aram và đưa ra những “giải thích”. Dân chúng cảm động rơi nước mắt, Esdra mời họ mở tiệc mừng và hân hoan vui vẻ, “vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta”.
Thánh vịnh 18a
Thánh vịnh 18a ca tụng vinh quang của Thiên Chúa hiển hiện trên cõi trời, mà không một lời nào được nói ra và cũng không một tiếng nói nào được nghe thấy. Duy việc chiêm ngưỡng công trình của Tạo hóa chỉ có thể gợi lên sự ngạc nhiên và lòng biết ơn. Về phần mình, thánh vịnh 18a là một sự tôn kính dành cho Torah (Luật của Chúa), giúp tinh luyện cái nhìn về mọi thứ, và (tôn kính) “giới luật của Chúa” là “ngay thẳng”, “làm hoan hỉ cõi lòng”. Thiên Chúa “soi sáng” cái nhìn của người tin Chúa (câu 12) và gìn giữ người ấy khỏi mọi kiêu ngạo để người ấy vẹn toàn, không vương trọng tội (câu 14).
Bài đọc II : 1 Cr 12, 12-30
Ngôn ngữ của Phaolô đôi khi có thể kiểu cách hoặc phức tạp. Nhưng cũng rất sư phạm, như ở đây nơi Giáo Hội và các thành viên của Giáo Hội được so sánh với thân thể con người. Thân thể này có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có một tiện ích cụ thể và “tất cả chỉ tạo thành một thân thể”. Cũng vậy, Phaolô nói, về “thân thể của Đức Kitô”, trong đó “người Do Thái hay người ngoại giáo, người nô lệ hoặc người tự do” đều được quy tụ “trong một Thánh Thần”. Tất cả các bộ phận của thân thể này phải “quan tâm đến nhau”. Tất nhiên, có một thứ bậc trong các vai trò và các ân sủng, nhưng không ai được tự cho là mình cao trọng hơn, hoặc trái lại, vô dụng: “mỗi người về [phần] mình” là một chi thể trong thân thể của Đức Kitô.
Tin Mừng : Lc 1, 1-4 ; 4, 14-21
Luca dựa vào “những người đã được chứng kiến ngay từ đầu” và “đã phục vụ Lời Chúa” để viết Phúc Âm của mình, vì Luca chưa từng là tông đồ của Chúa Giêsu. Lời tường thuật của Luca về sự hiện diện lần đầu của Chúa Giêsu hoàn toàn phù hợp với phần tiếp theo của bài đọc thứ nhất. Chúa Giêsu là Esdra mới ngay trong chuyến viếng thăm lần đầu tiên đến hội đường ở Nazareth, khi Ngài được người ta trao cho cuốn sách tiên tri Isai, để đọc trong cuộc họp. Chúa Giêsu có thể đã cố tình mở cuốn sách đến đoạn rất hay của Isaia (Is 61,1-2), được coi là chính nguồn cảm hứng cho sứ vụ của Ngài: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe…” Chưa bao giờ một bài giảng ngắn gọn lại có nhiều tác động và đi thẳng vào vấn đề đến thế.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.