CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXX-TN_B, 24-10-2021
GIEO TRONG NƯỚC MẮT …
Giêrêmia không bị đày sang Babylon, nhưng ông đã chia sẻ nỗi đau khổ của những người thân thuộc của mình, những người phải đi đày. Ông cũng biết nói ra những lời tiên tri hy vọng ở giữa một thành Giêrusalem bị tàn phá. Thánh vịnh 125 (126) và tiếng kêu của anh mù Bartimê xác nhận rằng : niềm hy vọng của người công chính sẽ không bao giờ phải thất vọng.
Bài đọc I : Gr 31, 7-9
Trong lời tiên tri hân hoan vui mừng này, tin mừng thốt ra từ chính miệng Thiên Chúa và liên quan đến việc những người lưu đày trở về “từ đất phương Bắc”, nghĩa là từ Babylon. Thiên Chúa “cứu dân Ngài” và “quy tụ họ lại từ tận cùng cõi đất”. Dân Chúa ở đây mang nhiều tên: “Gia-cóp”, “số còn sót lại của Israel”, “dân đứng đầu chư dân”, “Israel”, và “Ép-ra-im … con trưởng của Ta”. Những người này đặc biệt bao gồm “người mù, người què, người mang thai, người ở cữ”. Tuy nhiên, cuộc trở về không phải là không có đau thương hay gian khổ, vì cuộc hành trình của những người lưu đày đã được thực hiện “trong nước mắt và những lời van xin”. Nhưng Thiên Chúa hướng dẫn họ “đến các dòng nước” và vạch cho họ “một con đường thẳng băng”. Niềm vui lớn nhất của dân chúng là được nghe Thiên Chúa tỏ mình ra là “người Cha đối với dân Israel”.
Thánh vịnh 125 (126)
Thánh vịnh lên đền này hoàn toàn ăn khớp với lời tiên tri của sách Giêrêmia. Bây giờ đến lượt dân chúng nói ra niềm vui và hạnh phúc của mình trước những “kỳ công” do Chúa thực hiện. Giấc mơ giải phóng cuối cùng đã trở thành hiện thực và những người lưu đày đang trào tràn những tiếng “cười”, “tiếng reo vui” và “khúc nhạc mừng”. Niềm vui sướng tột độ của những tù nhân được trở về Israel không loại trừ sự tưởng nhớ đến những giọt nước mắt đã rơi cũng như sự khẩn cầu thay cho những người còn bị giam cầm ở Babylon. Giờ đây, Israel biết bằng kinh nghiệm rằng “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”.
Bài đọc II : Dt 5, 1-6
Vị thượng tế có đặc quyền vào Nơi Cực Thánh của Đền Thờ mỗi năm một lần và cũng là người chủ tọa các buổi họp của Thượng Hội Đồng. Nếu tác giả nhắc lại rằng “thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm”, thì không phải là ông coi thường vai trò của vị thượng tế. Trái lại, ông nhận ra rằng thân phận con người của vị thượng tế khiến ông này có khả năng “cảm thông” và “đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa”. Nếu một thượng tế được chọn trong số người phàm mà còn làm được như thế, thì phương chi là vị nhận được từ Thiên Chúa tước hiệu “Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”, còn mãi mãi làm được hơn thế để liên kết loài người với Thiên Chúa.
Tin Mừng : Marc 10, 46b-52
Anh mù Bartimê bị thử thách gấp đôi : trước hết bởi sự mù lòa của anh, nhưng cũng bởi hoàn cảnh nghèo khó buộc anh ta phải đi ăn xin. May mắn thay, anh ta không bị mất thính giác hoặc khả năng nói của mình. Ngay khi biết được sự hiện diện của Chúa Giêsu, anh đã cất lên tiếng kêu từ tận đáy lòng, đó là một lời tuyên xưng đức tin đích thực: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi”. Nhưng anh mù vẫn chưa hết đau khổ vì đám đông muốn bắt anh câm miệng. Mặc kệ, anh mù vẫn kêu cầu “Con vua Đa-vít”. Chúa Giêsu đã không vô cảm trước tiếng kêu kép này và gọi người mù đến với mình. Chúa lên tiếng và tỏ ra sẵn sàng làm bất cứ điều gì được người mù yêu cầu. Yêu cầu của anh mù tất nhiên là muốn được sáng mắt ; yêu cầu đó được Chúa Giêsu chấp nhận, Chúa là Đấng đã nhìn thấy trong tiếng kêu của người mù một biểu hiện của đức tin. Anh mù lấy lại được thị lực và bây giờ trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ