LECTIO DIVINA – Chúa Nhật XXIV-TN ~B, 12-9-2021- “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Đấng Kitô, Người Tôi Tớ đau khổ”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

Chúa Nhật XXIV-TN ~B, 12-9-2021

Mc 8, 27-35

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Đấng Kitô, Người Tôi Tớ đau khổ”

1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

Thầy là Đấng Kitô… Con Người phải chịu đau khổ nhiều”

Đoạn Tin Mừng hôm nay (Mc 8, 27-35) chứa đựng một câu hỏi dẫn vào trọng tâm của Kitô giáo và đức tin Kitô. Câu hỏi được Chúa Giêsu đặt ra khi Ngài hành trình với các môn đệ của mình đến “các làng của Xêsarê Philípphê”. Các môn đệ, vào thời điểm này, đã ở với Chúa Giêsu được một thời gian và đã thấy Ngài làm những việc oai hùng, nhưng vẫn còn một đám mây mầu nhiệm xung quanh danh tính của Chúa Giêsu. Vì vậy, Chúa hỏi hai câu hỏi quan trọng. Câu thứ nhất là “Người ta nói Thầy là ai ?” Các môn đệ trả lời Chúa: “Có người nói Thầy là Gioan Tẩy giả ; người khác nói Thầy là Êlia ; và người khác nữa nói Thầy là một trong các tiên tri”. Thế rồi, Chúa Giêsu hỏi câu hỏi thứ hai lên đến tột đỉnh : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”.

Phêrô… rất táo bạo… rất nhanh chóng trả lời… rất mong muốn nói ra suy nghĩ và con tim của mình. Phêrô trả lời : “Thầy là Đấng Kitô”. Chúng ta có thể nói điều này từ trái tim của chúng ta với vị giáo hoàng đầu tiên của chúng ta không ? Chúng ta có thể nói rõ điều đó với toàn thể con người của chúng ta không ? Chúng ta có thể thành thật với đức tin này không ? Vâng, để nói rõ điều đó với toàn thể con người của chúng ta, trước tiên chúng ta phải biết điều đó có nghĩa là gì.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa của con, Ngài là ai ?

Để hiểu ‘là Đấng Kitô’ nghĩa là gì, chúng ta hãy xem những lời tiếp theo của Chúa. Trước tiên, Chúa cảnh báo các môn đệ của Ngài “đừng nói cho ai biết về Ngài”. Sau đó, Ngài tiếp tục báo trước cuộc khổ nạn của Ngài và sự cần thiết của Thập giá. Đấng Mêsia-Kitô là Đấng CỨU THẾ và Ngài có một sứ mệnh phải hoàn thành. Việc loan báo điều đó cho thế giới phải đến sau khi Ngài chết và sống lại. Sứ mệnh của Ngài là trở thành lễ hy sinh để tha thứ tội lỗi nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá. Đấng Cứu Thế là người “cứu chúng ta khỏi lửa hỏa ngục” và cho phép chúng ta vào Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa của con, Ngài là ai ?

Ở đây, chúng ta gặp sự khác biệt giữa ý tưởng của Phêrô và ý tưởng của Thiên Chúa về Đấng Mêsia. Phêrô đúng khi nói rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, nhưng ý tưởng của ông về điều đó hàm chứa ý nghĩa phải thay đổi. Phêrô đang tìm kiếm một Đấng Mêsia trần gian được tôn vinh. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu phải quở trách Simon Phêrô. Con đường của Satan là vinh quang trần gian và né tránh thập giá. Chúa Giêsu phải cho thế gian thấy rằng trở thành môn đệ của Ngài không phải là trốn tránh hay từ chối thập giá mà là chấp nhận, đối mặt và đón nhận thập giá như là phương tiện để được cứu độ. Chúa Giêsu nói : “Nước tôi không thuộc về thế gian này“. Chúng ta, cùng với Simon Phêrô, phải nhớ rằng chúng ta đang sống lưu đầy và chúng ta được kêu gọi trở thành nhân chứng của vương quốc đang đến.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa của con, Ngài là ai?

Vì vậy, trong hành trình đức tin của chúng ta, Chúa Giêsu sẽ hỏi chúng ta, “Người ta nói Thầy là ai?” Chúng ta có thể trả lời, “Chúa được coi là một tiên tri hùng mạnh trong Hồi giáo và Do Thái giáo. Những người khác nói, “Chúa là một trong nhiều người sáng lập một tôn giáo với những lời dạy tốt đẹp …” Sau đó Ngài sẽ hỏi, “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”

Và chúng ta sẽ nói…

2. MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)

Tôi có trung thành với mệnh lệnh của Thiên Chúa và dựa vào Ngài để có sức mạnh và được chứng nhận không ?

Phải chăng tôi đã từng cố gắng phủ nhận, chống lại hoặc đẩy lùi những thử thách và đau khổ khác nhau xảy đến trên đường đời của tôi ?

Phải chăng tôi đã từng để mình bị chôn vùi cách tuyệt vọng trong những đau đớn và khổ sở ?

Tôi có nhìn lên Chúa Kitô như sự thể hiện bài ca về Người Tôi Tớ Đau Khổ không ?

Làm thế nào để cuộc sống của Đấng Kitô, Người Tôi Tớ Đau khổ-Đấng Mêsia, chạm đến tôi và ban sức mạnh cho tôi ?

Tôi có tin rằng Thiên Chúa đến trợ giúp Người Tôi Tớ Đau Khổ của Ngài, người chịu đau khổ trong việc phụng sự Thiên Chúa và vì vinh quang của Thiên Chúa không ?

3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, Chúa là Thầy của chúng con. Chúa cho chúng con thấy sự sâu xa của đau khổ của con người và sự hoàn toàn phục tùng ý muốn của Chúa Cha. Chúa là sự trợ giúp và sức mạnh của chúng con. Cùng với Chúa, chúng con nếm trải những đắng cay của đau khổ và những cặn bã của nỗi đau con người. Xin dạy chúng con cách chịu đựng và đón nhận thập giá mang lại sự sống. Xin ban cho chúng con sức mạnh để vác thập giá hàng ngày của chúng con và theo Chúa trên đường lên Núi Canvê. Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã biến đổi đau khổ của chúng con thành ân sủng cứu độ, vì vinh quang của Thiên Chúa và thiện ích của linh hồn chúng con. Chúng con yêu mến và tôn vinh Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

Con Người phải chịu đau khổ nhiều”

5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

Tôi cầu nguyện cho những ai đang ưu phiền và ngập tràn trong những đớn đau, sầu khổ.

Tôi dâng những đau khổ của tôi để kết hợp với Chúa Kitô như một hy lễ có tính tư tế.

Tôi cố gắng giúp mọi người sống qua nỗi đau và sự cô đơn của họ, giúp họ kết hiệp hy sinh của mình với hy sinh của Chúa Kitô, và giúp đón nhận mầu nhiệm thập giá với lòng can đảm và tin cậy.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.