CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật XXII Thường Niên B – Ngày 29/08/2021 – MỘT TÔN GIÁO CỦA TRÁI TIM

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXII-TN ~B, 29-8-2021

MỘT TÔN GIÁO CỦA TRÁI TIM

Bốn bài đọc hôm nay cùng giới thiệu một tôn giáo thân ái, được sinh động bởi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Như thánh Giacôbê nói, “thực hành tôn giáo” đẹp lòng Thiên Chúa là sự tiếp nhận Lời Chúa “cách dịu dàng, sâu lắng”, và đem Lời Chúa ra thực hành trong bác ái và công bình.

Bài đọc I : Đnl 4, 1-2. 6-8

Sách Đệ Nhị Luật (từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Luật thứ hai”), bao gồm một loạt bốn bài giảng được cho là của Mô-sê. Tuy nhiên, khi cuốn sách được viết, thì Mô-sê đã qua đời được 500 năm rồi ! Dù sao chăng nữa, người ta có thể nói, cuốn sách là một bài giáo lý, một việc đọc lại và hiện thực hóa những lời của Giao ước đã ký kết với Chúa tại Sinai: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe“. Giọng điệu của cuốn sách là giọng điệu của sự đổi mới, của lời khuyên hãy lắng nghe và thực hành “các điều răn của Chúa, Thiên Chúa của ngươi“. Các tác giả viết bài giảng này không nhìn Luật theo quan điểm pháp lý: thay vào đó, họ tôn kính Luật là “sự khôn ngoan”, “sự hiểu biết”, và là kinh nghiệm về một Thiên Chúa “ở gần”, lúc này !

Thánh vịnh 14 (15)

Sách Đệ Nhị Luật giới thiệu một tôn giáo của trái tim, hướng về tình yêu Thiên Chúa và người lân cận, nghèo khổ hay xa lạ. Thánh vịnh cũng chung đường hướng đó. Câu hỏi mở đầu phản ánh ước muốn chân thành được ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Câu trả lời cho câu hỏi này, cũng như đối với Sách Đệ Nhị Luật, là một sự khôn ngoan trong cuộc sống mà người ta cũng thấy có trong sách Châm ngôn : nói sự thật, giữ lời thề, tránh nói năng thái quá, không làm hại anh em mình hay người hàng xóm của mình, v.v. Đồng thời, thánh vịnh tỏ ra trung thành với sứ điệp của các tiên tri và đoán trước những lời của thánh Giacôbê về vấn đề “công bình” và lòng trắc ẩn đối với “người vô tội”.

Bài đọc II : Gc 1, 17-18. 21b – 22. 27

Những lời của thánh Giacôbê âm vang khéo léo, theo một cách mới, như những lời của Mô-sê trong bài đọc thứ nhất. Nếu thánh Giacôbê không nói về các điều răn, thì ngài nối kết với nhà tiên tri yêu cầu thính giả đón nhận Lời của “Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú” và nội tâm hóa Lời đó, rồi đem Lời đó ra thực hành. Chính nhờ lắng nghe Lời một cách thân ái, thậm chí nồng nhiệt, mà người Kitô hữu có thể “giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian“, và phát triển ý thức công bằng xã hội cho thành hiện thực bằng việc thăm hỏi những người thiếu thốn nhất trong xã hội : những cô nhi và những quả phụ.

Tin Mừng : Mc 7, 1-8. 14-15. 21-23

Chắc chắn những người Pharisiêu và kinh sư biết rõ Kinh Thánh. “Dựa vào truyền thống”, họ nhân rộng các thực hành liên quan đến việc rửa tay, rửa bát đĩa và ly chén cũng như sự tinh sạch của các thực phẩm. Làm ngược lại, họ dễ gây vấp phạm trước mặt các môn đệ của Chúa Giêsu, những người không tuân theo những thực hành như họ. Có thể nói, họ gắn bó với sách Lê-vi hơn là với sách Đệ Nhị Luật. Chúa Giêsu vội làm sáng tỏ mọi chuyện, bằng cách viện dẫn một bản văn của Isaia, trong đó Thiên Chúa tố cáo một tôn giáo “bằng môi miệng” chứ không phải “bằng tấm lòng” ; một tôn giáo bắt nguồn từ “truyền thống của loài người” hơn là từ “mệnh lệnh của Thiên Chúa“. Đối với Chúa Giêsu, sự trong sạch của tâm hồn mới là điều quan trọng. Như Ngài đã nói trong bài giảng Tám Mối Phúc : “Phúc cho những ai có lòng trong sạch” !

 

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.