Trong chương V của “Tông huấn Ðức Kitô đang sống” Ðức Thánh cha Phanxicô đã mở ra các nẻo đường của người trẻ. Một trong những nẻo đường ấy Ðức Thánh cha gọi tên là “thời của những giấc mơ và quyết định.” Hình ảnh này khiến chúng ta nhớ có lần Ðức Thánh cha đã suy tư về gương của thánh Giuse: Ngài gọi thánh Giuse là “một con người của những giấc mơ;” Ngài khám phá khả năng mơ của thánh Giuse và nói rằng thánh Giuse là một người thực tế, nhưng lại để cho tâm hồn mình mở ra như “một người của giấc mơ.” Về điều này, Ðức Thánh cha Phanxicô đã minh họa thêm bằng bức tượng thánh Giuse nằm ngủ mà ngài đặt trên bàn làm việc của ngài. Câu chuyện giấc mơ và bức tượng thánh Giuse nằm ngủ đều có nền tảng Kinh Thánh liên quan đến cuộc đời thánh Giuse. Bởi hầu hết những lần Chúa nói với thánh Giuse đều thông qua giấc ngủ.
Chúng ta có thể hiểu thêm về hạnh thánh Giuse qua ba lần thánh Matthêu kể về các giấc mơ của thánh Giuse trong Tin Mừng của mình:
Ở chương 1,20 ngài viết: “Này ông Giuse, con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.”
Ở chương 2,13 ngài lại viết: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”
Ở chương 2,20 ngài còn viết: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.”
Quả thật, cuộc đời và những giấc mơ của thánh Giuse có một mối liên hệ đặc biệt. Thánh Bênađinô Xiêna đã nói: Thánh Giuse được ban tặng đặc ân thật lớn lao là chăm sóc Chúa Giêsu – Con Một Thiên Chúa và Ðức Maria – Mẹ yêu dấu của Người. Về phương diện trần thế, ngài là cha nuôi của Chúa Giêsu và là vị hôn phu của Ðức Maria. Về phương diện thiêng liêng, ngài là đấng tuân giữ lời Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn thánh Giuse thực hiện, thánh nhân liền thi hành ngay dù cho công việc ấy có khó khăn thế nào.[1]
Những giấc mơ là một nơi đặc biệt để tìm kiếm sự thật, vì ở đó chúng ta không thể nói về bản thân chúng ta trước sự thật. Chúng đến, và Thiên Chúa nói qua những giấc mơ. “Những giấc mơ tốt nhất của chúng ta chỉ đạt được qua hy vọng, kiên nhẫn và cam kết, chứ không vội vã. Ðồng thời, chúng ta không nên do dự, ngại nắm bắt cơ hội hoặc sợ phạm sai lầm. Tránh sự tê liệt của người sống mà như đã chết, những người không có sự sống vì họ sợ mạo hiểm, sợ phạm sai lầm hoặc sợ phải kiên trì trong các cam kết của mình.”[2]
Thiên Chúa chọn thánh Giuse thực hiện giấc mơ của Người. Thiên Chúa đã gieo hy vọng, Người kiên nhẫn và bày tỏ cam kết. Thánh Giuse đáp trả những lời Chúa nói qua giấc mơ cũng trong hy vọng, kiên nhẫn và cam kết. Thánh Giuse không để mình mất khả năng mơ. Còn mơ là còn gặp Thiên Chúa, còn mơ là còn mở ra tương lai bằng niềm tin với những mạo hiểm, bất chấp những khó khăn có thể xuất hiện. Còn mơ là còn có hoa trái sinh ra ở trong tương lai. Không một giấc mơ nào đã để thánh Giuse “ngủ quên,” sau những giấc mơ là sự đánh thức, là hành động tức khắc: có thể ngay “trong đêm,” có thể ngay trước những “rào cản và luật phép xã hội” mang đến những khó khăn bất định…
Tuy nhiên, thực hiện giấc mơ là sống trong hiện tại. Ðức Thánh cha Phanxicô đã nói với người trẻ: “Dù được lôi kéo hướng về tương lai và các hứa hẹn của nó, người trẻ cũng có khát khao mạnh mẽ muốn trải nghiệm thời điểm hiện tại, tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc sống mang lại.”[3] “Trái ngược với những gì nhiều người vốn nghĩ, Chúa không muốn dập tắt những ham muốn có một cuộc sống trọn vẹn này.”[4] Thánh Giuse đã mơ và rồi ngài đã sống trong hiện tại một cách tròn đầy theo Thánh Ý Chúa.
Ước gì các bạn trẻ cũng mở đời mình ra trước những giấc mơ có dự phóng táo bạo và sáng tạo, đồng thời lại khuôn ép mình trong sự tín thác cậy trông. Ước gì những trải nghiệm hiện tại của các bạn trẻ cũng là những trải nghiệm thật mà bạn trẻ Giuse ngày xưa đã kinh qua. Nhưng, trong tất cả những trải nghiệm ươm đầy những khó khăn, thánh Giuse đã thành mẫu gương tuyệt vời cho việc thực thi các giấc mơ bằng các quyết định tuân theo thánh ý Chúa.
Kính xin thánh Giuse phù trợ mỗi người chúng con, để chúng con cũng ý thức rèn luyện mình, nuôi dưỡng các ước mơ làm đẹp lòng Chúa và đi đến những quyết định thánh thiện như ngài. Amen
Nói về thánh Giuse hầu như các tín hữu đều biết về ngài dưới tước hiệu Ðấng Công chính. Xét theo khía cạnh nhân bản thì công chính là một đức tính rất cần thiết bao gồm công bằng, công minh, chính trực, thật thà và ngay thẳng. Xét theo khía cạnh đạo lý thì sự công chính còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn và cần thiết hơn gấp bội. Thánh Giuse là mẫu gương tuyệt vời về sự công chính cả về khía cạnh nhân bản lẫn khía cạnh đạo lý. Vì thế, mỗi người chúng ta đặc biệt là những người trẻ cần chiêm ngắm, học hỏi và rèn luyện theo gương ngài để trở nên người công chính với trọn vẹn ý nghĩa của nó.
Tuân giữ và thi hành ý Chúa là một tiêu chí cho thấy sự công chính của người gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Thánh Giuse đã mau mắn tuân hành ý Chúa vì thế ngài đích thực là người công chính. Hơn nữa, ngài công chính bởi ngài đã tôn trọng điều mà Thiên Chúa thực hiện nơi mẹ Maria – hôn thê của ngài. Ngài công chính vì ngài không muốn tiết lộ điều đã xảy ra với Ðức Maria mà Thiên Chúa đã muốn ngài cộng tác thi hành trong thinh lặng tín thác; ngài âm thầm kính trọng mầu nhiệm siêu việt mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi Ðức Maria; ngài để cho Thiên Chúa công bố và thực hiện, phần ngài – ngài vâng phục và mau mắn làm cho công trình ấy được thực hiện.
Thánh Giuse còn được coi là công chính, vì lương tâm ngài luôn trong sáng để nghe được tiếng Chúa trong mộng và nhìn được sự việc khi tỉnh. Thánh Giuse được coi là công chính vì khi tìm được thánh ý Chúa, ngài mau mắn thi hành, không chần chừ. Thánh Giuse được coi là công chính vì ngài đã nhận ra được ơn Thánh Thần đang ngự trị, triển nở và đang hoạt động trong người bạn đời của mình, cũng như trong chính tâm hồn mình khi ngài đi tìm ý Chúa. Thánh Giuse được coi là công chính vì ngài đã nhận ra chân lý cứu độ của Thiên Chúa đang bắt đầu thực hiện cách cụ thể trên cuộc đời của ngài. Chính vì thế, Kinh Tiền tụng ngày lễ thánh Giuse đã ca ngợi ngài rằng: đây là “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Thiên Chúa đặt lên coi sóc gia đình Người.”
Quả vậy, Thiên Chúa đã có cách của ngài cho những người công chính. Chúa đã luôn luôn lên tiếng nơi cõi lòng thâm sâu của họ; phần họ thì luôn nghe được tiếng Người. Người công chính luôn mau mắn thi hành ý Chúa muốn, không một chút hoài nghi, không cần một lời giải thích. Người công chính luôn sống trong suốt để ánh sáng và sự sống của Chúa đi ngang qua đời mình. Người công chính luôn thực thi đường lối của Thiên Chúa, cho dù đường lối ấy có khác lạ, bất thường, nhiều mạo hiểm và đòi hỏi hy sinh suốt đời.
Trong cái nhìn của Thiên Chúa, công chính là không ngại trách nhiệm, trách nhiệm chu toàn điều Chúa muốn trên cuộc đời mình và cuộc đời những con người Chúa đặt để sống xung quanh mình. Trong cái nhìn của Thiên Chúa, công chính là nhìn nhận các sự việc, suy cho sâu, hiểu cho thấu để nhận biết đó là “ứng nghiệm các điều Lời Chúa đã phán” và thi hành ngay trong từng biến cố, từng phút giây. Ðức Thánh cha Phanxicô đã nói: “Dù được lôi kéo hướng về tương lai và các hứa hẹn của nó, người trẻ cũng có khát khao mạnh mẽ muốn trải nghiệm thời điểm hiện tại, tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc sống mang lại.”[5] “Trái ngược với những gì nhiều người vốn nghĩ, Chúa không muốn dập tắt những ham muốn có một cuộc sống trọn vẹn này.”[6]
Ước gì các bạn trẻ cũng mở đời mình ra trước những dự phóng táo bạo và sáng tạo, nhưng lại khuôn ép mình theo đường nẻo công chính. Ước gì những trải nghiệm hiện tại của các bạn trẻ cũng là những trải nghiệm thật mà bạn trẻ Giuse ngày xưa đã kinh qua. Nhưng, trong tất cả những trải nghiệm ươm đầy những khó khăn thánh Giuse đã thành mẫu gương tuyệt vời cho sự công chính. Kính xin thánh Giuse phù trợ mỗi người chúng con, để chúng con cũng ý thức rèn luyện sự công chính đẹp lòng Chúa như ngài. Amen
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P
(02/03/2020)
(https://vntaiwan.catholic.org.tw/cohoa/cohoa96.htm)
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] “Bài giảng của thánh Bênađinô Xiêna,” linh mục, BÐKS bài đọc 2, ngày 19/3.
[2] ÐTC Phanxicô “Tông huấn Ðức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 143.
[3] ÐTC Phanxicô “Tông huấn Ðức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 144.
[4] ÐTC Phanxicô “Tông huấn Ðức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 145.
[5] ÐTC Phanxicô “Tông huấn Ðức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 144.
[6] ÐTC Phanxicô “Tông huấn Ðức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 145.