CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT IV – CHAY_B
14-3-2021
NHỮNG “ĐẤNG THIÊN SAI” MÀ NGƯỜI TA KHÔNG MONG ĐỢI…
Dân Do Thái trong Kinh Thánh có những kỳ vọng khác nhau về Đấng Mêsia: một vị vua, một nhà giải phóng chính trị, một nhà lãnh đạo tinh thần. Nhưng Thiên Chúa chọn một vị vua nước ngoài để giải phóng những người bị lưu đày và cho phép xây dựng lại Đền thờ. Và Đấng Mêsia là Chúa Giêsu thiết lập một vương quốc theo màu sắc của tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian.
Bài đọc I: 2 Sbn 36, 14-16. 19-23
Sự suy tàn của chế độ quân chủ được mô tả bằng những từ ngữ giống với chương cuối của sách tiên tri Giêrêmia, và nó bao gồm một câu trích dẫn từ nhà tiên tri đó (câu 21). Tình hình thật thảm hại: các tư tế thì bất trung, dân chúng không nghe lời các tiên tri và coi thường lời Chúa. Người Babylon đã đốt phá và san bằng Đền thờ và đưa những người sống sót đi lưu đầy đến Babylon để biến họ thành “nô lệ của nhà vua và các con cháu của vua”. Giêrêmia thông báo rằng cuộc lưu đày sẽ kéo dài 70 năm. Tác giả sách Biên Niên Sử xác nhận sự thật của lời tiên tri này, khi đề cập đến chỉ dụ của vua Ba Tư là Kyrô, vào năm 538 TCN, đã ra lệnh thả những người bị bắt và xây dựng lại Đền thờ. Như vậy, Thiên Chúa đã chọn một vị vua ngoại quốc, để đặt làm “Đấng Mêsia” của Chúa (Is 45, 1) và làm người giải phóng những người bị lưu đày.
Thánh vịnh 136 (137)
Hơn bất kỳ thánh vịnh nào khác, thánh vịnh 136 (137) này mô tả nỗi nhớ quê hương của những người Do Thái bị lưu đầy ở Babylon. Họ than khóc vì phải xa cách quê hương của mình và không muốn hát “bài hát nào của Sion” do những kẻ chiến thắng và cai ngục yêu cầu. Họ không còn tâm trí để hát các thánh vịnh ngày xưa đã từng đi theo các cuộc hành hương của họ lên Giêrusalem. Nhưng tất cả đã không bị mất đi, vì những người lưu đầy thề gắn bó với Giêrusalem và hy vọng có thể trở lại đó. Không có nỗi buồn nào lớn hơn đối với họ cho bằng việc phải xa cách thành thánh, và người ta đã có thể tưởng tượng được niềm vui sướng tột độ của họ khi trở lại đó và hát những bài ca “Sion” ở đó.
Bài đọc II: Ep 2, 4-10
Thư gửi tín hữu Êphêsô chứa đựng một thần học rất phong phú chuẩn bị cho người ta nghe diễn từ của Chúa Giêsu với Nicôđêmô (x. Tin Mừng). Thực ra, Thiên Chúa mà Phaolô loan báo cho người Êphêsô thật “giàu lòng thương xót”; trong Đức Kitô, Người biểu lộ “tình yêu cao cả Người đã yêu chúng ta” và Người ban cho chúng ta “sự giàu có chan chứa của ân sủng Người”. Không có gì “đáng tự hào” ngoài đức tin và các công việc phát xuất từ sự chan chứa tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa, Thánh Tông đồ nói với chúng ta như vậy. Ở đây, “tất cả đều là ân sủng”, nghĩa là “quà tặng của Thiên Chúa”.
Tin Mừng: Ga 3, 14-21
Sau cuộc đối thoại với Nicôđêmô về sự cần thiết phải “sinh ra từ trên cao”, nghĩa là “bởi nước và Thần Khí” để “thấy nước Thiên Chúa” (Ga 3, 3-5) , từ giờ trở đi chỉ có một mình Chúa Giêsu nói: nhưng thật là một diễn từ giàu tính giảng dạy biết bao ! Chúa Giêsu gợi lên sự Ngài được đưa lên cao, khi tự so sánh với “con rắn đồng” ngày xưa được Môisê treo lên để chữa lành cho dân Do Thái trong sa mạc. Nhưng việc Chúa Giêsu được đưa lên cao còn quan trọng hơn, vì việc được đưa lên ấy sẽ đem lại “sự sống đời đời” cho “bất cứ ai tin”. Và Chúa Giêsu cho thấy rõ cả nguồn gốc lẫn mục đích của việc Ngài đến thế gian. Việc đến này bắt nguồn từ tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho thế gian và đến là để “cứu” thế gian chứ không phải để “lên án” nó.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.