CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I-CHAY_B, 21-02-2021 VỊ THIÊN CHÚA CỦA CÁC GIAO ƯỚC.

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT I-CHAY_B, 21-02-2021

VỊ THIÊN CHÚA CỦA CÁC GIAO ƯỚC.

          Chủ đề giao ước là một trong các chủ đề chính xuyên suốt Kinh Thánh. Chúa Nhật này cho chúng ta biết về Giao ước đầu tiên được Thiên Chúa thiết lập với Nô-ê và tất cả các sinh vật.

Điệp khúc của Thánh vịnh tóm tắt đức tin và thực hành tôn giáo với những lời lẽ trung thành với giao ước. Và ở ngưỡng cửa của Giao Ước Mới, Chúa Giêsu rao giảng sự sám hối và đức tin vào Tin Mừng của Ngài.

Bài đọc I: St 9, 8-15

          Giao ước với Nô-ê và con cái ông, với con cháu của họ và với “tất cả mọi sinh vật”, được biểu trưng bằng chiếc cầu vồng, thực ra, đánh dấu sự đổi mới tất cả cuộc Sáng Tạo. Trong giao ước đầu tiên này, Thiên Chúa cam kết không còn gây ra một trận lụt hủy diệt trên trái đất nữa. Các giao ước sau này của Thiên Chúa sẽ được lập, đặc biệt là với Abraham và Môisê, đều có lợi cho dân Isarel. Nhưng những giao ước này sẽ phải được lập đi lập lại nhiều lần, thường xuyên khi dân chúng đi lạc khỏi đường lối của Chúa.

Thánh vịnh 24 (25)

          Thánh vịnh gia thoáng thấy mối quan hệ của mình với Thiên Chúa là “một giao ước”, trong đó người tin cầu khẩn Thiên Chúa dạy cho mình “đường lối của Ngài” và hướng dẫn mình bằng “chân lý của Ngài”. Mối quan hệ thân ái và cuộc sống với Thiên Chúa là một mối quan hệ năng động mở ra cho mọi điều có thể xảy ra. Kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa làm cho thánh vịnh gia thêm mạnh dạn năn nỉ để Thiên Chúa nhớ đến sự nhân ái và tình thương của Ngài “từ muôn thuở muôn đời”, và để, “trong lòng nhân hậu”, Ngài không “quên” tác giả. Khổ thơ thứ ba, ở ngôi thứ ba số ít, mang dáng vẻ của một lời tuyên xưng đức tin và được ngỏ với nhiều đối tượng hơn, đó là “những người tội lỗi” và “những người khiêm nhường”.

Bài đọc II:  1 Pr 3, 18-22

          Giọng điệu (sắc mầu) phép rửa của lá thư này được thể hiện rõ ràng. Ngay từ đầu, Phêrô nhấn mạnh kế hoạch cứu rỗi của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong đó Chúa Giêsu “người công chính”, “chịu đau khổ vì tội lỗi” của tất cả mọi người, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Vị Tông đồ đề cập rõ ràng đến Nô-ê, một người công chính, được cứu khỏi lụt hồng thủy cùng với bảy người khác. Sự cứu rỗi này không chỉ là hiệu quả của “sự kiên nhẫn của Thiên Chúa”, mà còn là một “hình bóng của phép rửa”, một nguồn mạch mới mẻ và vô tận của ơn cứu độ đã được Đức Kitô ban cho chúng ta. Có thể nói, phép rửa tội của Kitô giáo là một trận “đại hồng thủy của ơn cứu độ”.

Tin Mừng: Mc 1, 12-15

          Marcô cho chúng ta một cái nhìn rất cô đọng về việc Chúa Giêsu ở trong hoang địa. Chúa đối diện với những sự kiện rất mộc mạc: ngay sau khi chịu phép rửa, Chúa bị “đẩy vào hoang địa”, và trải qua “bốn mươi ngày ở đó, chịu Satan cám dỗ”. Không nói gì về bản chất của những cơn cám dỗ, cũng như về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Satan. Nhưng Chúa Giêsu không đơn độc: chính Thánh Thần đã đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa; ở đó, các thiên thần phục vụ Ngài, và như trong thời kỳ hồng phúc của cuộc Sáng Tạo, Chúa Giêsu đã “sống giữa các dã thú”, mà chúng không gây hại cho Ngài. Chúng ta không rõ bằng cách nào mà Chúa Giêsu biết tin Gioan bị bắt, Chúa coi đó là dấu hiệu để trở về Ga-li-lê và rao giảng “Tin Mừng của Thiên Chúa”. Dù ngắn gọn, lời công bố này vẫn đầy ý nghĩa: thời kỳ đã mãn, Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, phải sám hối và tin vào Tin Mừng.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.