CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA LỄ HIỂN LINH

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA LỄ HIỂN LINH

03-01-2021

BELEM hay “SỰ HẠ MÌNH CỦA THIÊN CHÚA”

          Giêrusalem là thành thánh tiêu biểu nhất trong Kinh Thánh, và các tiên tri cũng như các Tác giả Thánh vịnh đều không ngừng ca ngợi thành phố này, nơi được vua Đavít đặt làm thủ đô của mình. Vĩ đại và quan trọng thay, thành thánh này, vì chính tại ngôi làng nhỏ bé Belem mà Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ thế gian, đã được sinh ra.

Bài đọc I: Is 60, 1-6

          Sau bao nhiêu năm thử thách, trong đó có cuộc Lưu đày ở Ba-by-lon, Giê-ru-sa-lem giờ đây nhận được ơn gọi trở nên thành phố ánh sáng: “Đứng lên, bừng sáng lên! Hỡi Giê-ru-sa-lem!” Những từ “vinh quang, ánh sáng, trong sáng, rạng rỡ” thực sự mô tả sự tái sinh, thậm chí sự phục sinh của thành thánh. Có một sự hiển linh thực sự của Thiên Chúa (nghĩa là một sự hiển lộ) ở đây: “Ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi”. Sự xấu hổ và sỉ nhục bao trùm lên Giê-ru-sa-lem đã qua đi, và Giê-ru-sa-lem lấy lại vị thế là một thành phố thánh, không chỉ trong mắt dân Israel, mà còn trong mắt của các dân tộc và quốc gia xa xôi đang tuốn về hành hương với lễ vật mang theo.

Thánh vịnh 71

          Một lần nữa, thánh vịnh cho thấy có nhiều mối liên hệ với sách Isaia. Việc ám chỉ đến Sheba và lễ rước vua mang theo tặng phẩm (câu thứ 3) không phải là ngẫu nhiên. Thánh vịnh này đóng một vai trò đặc biệt trong cuốn sách thánh vịnh, vì nó kết thúc bằng những từ “A-men. Amen. Kết thúc lời cầu nguyện của Đavít, con của Giêsê”. Dù sao chăng nữa, sau này vẫn có những thánh vịnh khác của Đavít. Nhưng thánh vịnh 71 này tượng trưng cho một tột đỉnh: nó dễ dàng thích hợp với một đám cưới hoàng gia hoặc một buổi đăng quang của nhà vua. Tóm lại, thánh vịnh 71 này mô tả một vị vua, chắc chắn thuộc dòng dõi Đavít, và là hình ảnh hoàn hảo của Đấng Thiên Sai “sẽ giải cứu những người nghèo, những kẻ bất hạnh […] yếu đuối”.

Bài đọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6

          Phaolô là tác giả Tân Ước sử dụng từ “mầu nhiệm” thường xuyên nhất (hai mươi lần, so với một lần trong Marcô, Matthêu và Luca). Nhưng đối với Phaolô, “mầu nhiệm” không ám chỉ điều lờ mờ hay bí mật, mà là điều gì đó từ đây được mạc khải và hiển lộ. Các Tông đồ và Tiên tri của Tân Ước thông chuyển một sứ điệp rõ ràng: họ “loan báo Tin Mừng” cho “các dân tộc” được tham dự vào “cùng một di sản, cùng một thân thể, được chia sẻ cùng một lời hứa, trong Đức Kitô Giêsu”.

Tin Mừng: Mt 2, 1-12

Các đạo sĩ “đến từ phương Đông” và những tặng vật của họ tương ứng với đoàn người theo rước mà Isaia và tác giả thánh vịnh đã đề cập. Dù người ta không nói rằng các đạo sĩ là vua, thì vấn đề vẫn là vương quyền. Matthêu đặt sự kiện này “vào thời vua Hêrôđê Đại đế”, người có tên xuất hiện bốn lần trong bản tường thuật. Không phải không có chuyện mỉa mai, chính những người nước ngoài từ xa đến hỏi xem “vua dân Do Thái mới sinh ở đâu”. Hêrôđê và các cố vấn của ông, mặc dù biết lời tiên tri về Vua mục tử phải sinh ra ở Belem, vẫn không hề chịu lên đường đến thờ phượng Chúa. Chính ánh sáng của trái tim và của đức tin đã hướng dẫn các đạo sĩ, để họ trở thành những người đầu tiên thờ phượng Hài nhi mà họ gặp thấy ở Belem “cùng với Mẹ Maria, mẹ của Hài nhi”.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.