Thánh Anrê: Vị Tông Đồ Được Gọi Đầu Tiên

Điều đầu tiên làm cho người ta chú ý về Thánh Anrê là tên gọi của ngài, ở chỗ, tên của ngài không phải là tiếng Do Thái mà là tiếng Hy Lạp, dấu hiệu cho thấy một tính cách cởi mở về văn hóa nào đó của gia đình ngài. Chính chúng ta cũng thấy được ở Galilêa là nơi tiếng Hy Lạp và văn hóa Hy Lạp khá thông dụng.

Trong các danh sách về Nhóm Mười Hai thì Anrê được liệt kê thứ hai ở Phúc Âm Thánh Mathêu (10,1-4) và ở Phúc Âm Thánh Luca (6,13-16), hay thứ bốn ở Thánh Marcô (3,13-18) và ở Sách Tông Vụ (1,13-14). Dù sao chăng nữa thì ngài chắc chắn là ngài có một uy tín lớn trong các cộng đồng Kitô Giáo sơ khai.

Mối liên hệ về máu mủ giữa Thánh Phêrô và Anrê, cũng như việc Chúa Giêsu gọi chung cả hai vị, đều là những gì được minh nhiên trình thuật trong các Phúc Âm. Người ta đọc thấy rằng: ‘Khi bước đi bên bờ Biển Galilêa, thì Người thấy hai anh em, Simon cũng được là Phêrô và Anrê là người anh em của ngài, cả hai đang thả lưới xuống biển; vì họ là những tay đánh cá. Người đã nói với họ rằng: ‘Hãy theo Thày, và tôi sẽ làm cho các người thành những tay đánh cá người ta’ (Mt 4,18-19; Mc 1,16-17).

Theo Phúc Âm thứ tư, chúng ta biết được một chi tiết quan trọng khác, đó là, mới đầu, Anrê là một người môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả; và điều này cho chúng ta thấy rằng ngài là một con người tìm kiếm, một con người đã chia sẻ niềm hy vọng của Israel, một con người muốn biết hơn nữa về lời của Chúa, về sự hiện diện của Chúa.

Ngài thực sự là con người của đức tin và đức cậy; nên một ngày kia nghe thấy Gioan Tẩy Giả giảng về Đức Giêsu như là ‘Chiên Thiên Chúa’ (Ga 1,36); bấy giờ ngài đã bị tác động, để rồi cùng với một người môn đệ khác được giấu tên, đã đi theo Đức Giêsu, là Đấng đã được Thánh Gioan gọi là ‘Chiên Thiên Chúa’. Vị Thánh Ký viết: ‘Họ đã thấy nơi Người ở; và họ đã ở với Người’ (Ga 1,40-43), một việc chứng tỏ cho thấy ngay một tinh thần tông đồ khác thường. Bởi thế, Anrê là vị tông đồ đầu tiên được kêu gọi và đã theo Chúa Giêsu.

Đó là lý do phụng vụ của Giáo Hội Byzantine tôn kính ngài với danh hiệu là ‘Protoklitos’, tức là người ‘được gọi đầu tiên’.

Vì mối liên hệ huynh đệ giữa Phêrô và Anrê mà Giáo Hội Rôma và Giáo Hội Constantinopoli coi mình là hai Giáo Hội chị em với nhau. Để nhấn mạnh đến mối liên hệ này, vị tiền nhiệm của tôi là Giáo Hoàng Phaolô VI, vào năm 1964, đã hoàn lại di hài nổi tiếng của Thánh Anrê là những gì cho tới bấy giờ vẫn được lưu giữ ở đền thờ Vatican, cho vị giám mục tổng giáo phận Chính Thống ở thành phố Patras, Hy Lạp, nơi mà theo truyền thống, vị tông đồ này đã bị đóng đinh.

Các truyền thống Phúc Âm đề cập đến tên Anrê đặc biệt vào ba trường hợp khác nữa, giúp cho chúng ta có thể biết thêm về con người này. Lần thứ nhất đó là vào biến cố bánh hóa ra nhiều ở Galiêa. Lần này, Anrê đã chỉ cho Chúa Giêsu biết về sự hiện diện của một em trai có năm chiếc bánh và hai con cá: ngài nói là rất ít ỏi cho tất cả đám dân chúng đang tụ họp lại ở nơi ấy (x. Ga 6,8-9).

Cần phải nhấn mạnh đến tính cách thiết thực của Anrê. Ngài đã thấy em trai này, tức là ngài đã hỏi Người rằng: ‘Thế nhưng điều này thì có nghĩa gì đối với tất cả bằng ấy người chứ?’ (ibid) và ngài đã biết được tình trạng thiếu phương tiện. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã có thể làm cho chúng trở thành đủ cho đám đông dân chúng đến nghe Người rao giảng.

Lần thứ hai ở Giêrusalem. Khi rời thành phố, một người môn đệ đã chỉ cho Người phong cảnh của những tường thành vĩ đại vây bọc ngôi đền thờ. Lời đáp ứng của Vị Sư Phụ đã làm bàng hoàng sửng sốt đó là Người nói rằng những bức tường thành đó sẽ không còn một hòn đá nào trên hòn đá nào. Bấy giờ Anrê, cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan, đã hỏi Người rằng: ‘Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào thì điều này sẽ xẩy ra, và đâu là dấu hiệu cho thấy tất cả những điều ấy đều được nên trọn’ (Mk 13,1-4).

Để trả lời cho vấn nạn ấy, Chúa Giêsu đã nói một bài quan trọng về việc Thành Giêrusalem bị hủy diệt và về ngày cùng tháng tận của thế giới, kêu gọi các môn đệ hãy cẩn thận để ý tới các dấu chỉ thời đại và luôn giữ thái độ tỉnh thức. Theo tình tiết này thì chúng ta có thể suy diễn là chúng ta không cần phải sợ đặt vấn đề với Chúa Giêsu, thế nhưng đồng thời chúng ta cũng phải sẵn sàng chấp nhận các giáo huấn của Người, những giáo huấn cũng kinh hoàng và khó khăn.

Sau hết, các Phúc Âm ghi nhận lần thứ ba nói về Anrê. Trường hợp này cũng ở Giêrusalem, ngay trước Cuộc Khổ Nạn một chút. Đó là vào dịp Lễ Vượt Qua, Thánh Ký Gioan thuật rằng, có một số người Hy Lạp đã đến Thành Thánh này, có lẽ là thành phần cải đạo hay những con người kính sợ Thiên Chúa, để tôn thờ Vị Thiên Chúa của dân Do Thái trong dịp lễ Vượt Qua.

Anrê và Philiphê, hai người môn đệ mang tên gọi Hy Lạp, đã đóng vai thông dịch viên và môi giới nhóm người Hy Lạp nhỏ bé này cho Chúa Giêsu. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Anrê có vẻ khó hiểu, như vẫn thường xẩy ra ở Phúc Âm Thánh Gioan, thế nhưng chính vì thế mà nó cho thấy tất cả ý nghĩa. Chúa Giêsu nói cùng những người môn đệ của Người, và qua môi giới của họ, với thế giới Hy Lạp rằng: ‘Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác‘ (Ga 12,23-24).

Trong bối cảnh ấy những lời này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu muốn nói rằng: Phải, cuộc gặp gỡ của Thầy với những người Hy Lạp sẽ xẩy ra, thế nhưng cuộc gặp gỡ của Thầy sẽ không phải là một cuộc nói chuyện giản dị và ngắn ngủi với một số người nào đó được tác động trước hết bởi tính tò mò vậy thôi. Qua cái chết, có thể được so sánh với việc hạt lúa rơi xuống đất, thời điểm hiển vinh của Thầy sẽ đến. Nhờ cái chết trên thập tự giá mới phát sinh nhiều hoa trái. ‘Hạt lúa chết đi’ – tiêu biểu cho việc Thầy bị đóng đinh – sẽ trở thành, nhờ sự Phục Sinh, bánh sự sống cho thế gian: Nó sẽ là ánh sáng coi chiếu cho các dân tộc và các nền văn hóa.

Phải, cuộc gặp gỡ với cái hồn Hy Lạp, với thế giới Hy Lạp, sẽ xẩy ra ở cái ý nghĩa sâu sắc được hạt lúa ám chỉ như thế, một biến cố thu hút các quyền lực của cả trái đất lẫn trời cao và trở thành bánh sự sống. Nói cách khác, Chúa Giêsu nói tiên tri về Giáo Hội của người Hy Lạp, Giáo Hội của dân ngoại, Giáo Hội của thế giới là hoa trái của Cuộc Người Vượt Qua.

Các truyền thống rất cổ tin rằng Anrê, vị đã chuyển đạt những lời ấy cho các người Hy Lạp, chẳng những là thông dịch viên của một số người Hy Lạp trong cuộc họ gặp gỡ Chúa Giêsu như chúng ta vừa nhớ lại, mà ngài còn được coi là vị Tông Đồ của người Hy Lạp vào những năm sau biến cố Hiện Xuống nữa; những truyền thống ấy cho chúng ta biết rằng cả cuộc đời còn lại của mình, ngài là người rao giảng tin mừng và là thông dịch viên về Chúa Giêsu cho thế giới Hy Lạp.

Phêrô, người anh em của ngài, đã từ Giêrusalem đến Rôma, đi ngang qua Antiôkia, để thi hành sứ vụ hoàn vũ của mình; Anrê, trái lại, là vị Tông Đồ của thế giới Hy Lạp. Bởi thế, cả khi sống lẫn lúc chất, các vị đều là những người anh em chân thực, một tình huynh đệ được diễn tả một cách tượng trưng nơi mối liên hệ đặc biệt của các giáo hội Rôma và Constantinopoli, hai Giáo Hội là chị em với nhau thực sự.

Một truyền thống sau đó, như tôi đã nói, thuật lại cái chết của Thánh Anrê ở Patras, nơi ngài cũng bị hành quyết đóng đinh vào thập giá. Tuy nhiên, vào chính giây phút cuối cùng ấy, như người anh em Phêrô của mình, ngài đã xin được đóng đinh khác với cách của Chúa Giêsu. Nơi trường hợp của ngài thì cây thập tự giá theo kiểu chữ X, tức là có hai thanh gỗ bắt chéo nhau, nên mới được gọi là ‘cây thập giá của Thánh Anrê’.

Đó là những gì, theo một trình thuật cổ (vào đầu thế kỷ thứ sáu), với nhan đề ‘Cuộc Khổ Nạn của Thánh Anrê’: vào lúc ấy ngài đã nói rằng: ‘Kính mừng, Ôi cây thập giá, được thân thể Chúa Kitô khai mạc, một thập tự giá đã trở thành đồ trang điểm cho các phần tử của Người, như thể họ là những viên ngọc quí. Trước khi Chúa Kitô cưỡi lên ngươi thì ngươi gây kinh hoàng cho trần thế. Tuy nhiên, giờ đây, được tình yêu thiên quốc ban tặng, ngươi đã trở thành một tặng ân. Thành phần tín hữu cảm thấy niềm vui biết bao nơi ngươi, bao nhiêu là tặng ân do người cống hiến. Bởi thế, hãy tin tưởng và tràn đầy niềm vui, ta đến đây để ngươi cũng sẽ nhận lấy ta hân hoan như người môn đệ của Đấng đã bị treo lên trên ngươi… Hỡi thập tự giá diễm phúc…, thập tự giá đã lãnh nhận cái uy nghi và kiều diễm của những chi thể Chúa Kitô…, xin hãy nhận lấy ta và hãy dẫn ta xa khỏi con người và trao ta cho Vị Sư Phụ của ta, để nhờ ngươi, Người sẽ lãnh nhận ta, Đấng nhờ người đã cứu chuộc ta. Kính mừng, Ôi cây thập tự giá, phải, xin thực lòng kính chào ngươi!’.

Như chúng ta có thể thấy, chúng ta đang đứng trước một linh đạo Kitô Giáo hết sức sâu xa, một linh đạo thấy nơi thập tự giá, vượt ra ngoài tính cách một dụng cụ hành hình, như một phương tiện khôn sánh cho việc hoàn toàn nên giống với Đấng Cứu Chuộc, nên giống hạt lúa rơi xuống đất. Chúng ta cần phải học được bài học rất quan trọng này, đó là, những thập tự giá của chúng ta có một giá trị nếu chúng được coi và đón nhận như yếu tố của thập giá Chúa Kitô, nếu chúng được chạm tới bằng việc phản ảnh ánh sáng của Người. Chỉ nhờ những thập tự giá như thế, các nỗi đau thương của chúng ta cũng mới cao quí và đạt được ý nghĩa đích thực của chúng.

Chớ gì Tông Đồ Anrê dạy cho chúng ta biết theo Chúa Giêsu một cách mau mắn (x. Mt 4,20; Mc 1,18), nói một cách nhiệt tình về Người với tất cả những ai chúng ta gặp gỡ, trước hết là để vun trồng một mối liên hệ thân tình thực sự với Người, với ý thức là chỉ ở nơi Người chúng ta mới có thể tìm thấy ý nghĩa tối hậu nơi cuộc sống cũng như nơi cái chết của chúng ta mà thôi.

 

ĐGH Bênêđictô XVI

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển dịch theo Zenit phổ biến ngày 14/6/2006

Comments are closed.