Tôi xin bắt đầu bài suy niệm về Mẹ Maria như là mô phạm đức tin của chúng ta với câu chuyện do đức hồng y Suenens thuật lại. Dường như người ta đã hỏi cha Karl Rahner tại sao lòng sùng kính Đức Mẹ đã suy giảm. Cha Rahner đã trả lời rất hay: “Mọi Kitô hữu Công Giáo cũng như Tin Lành đều đang đứng trước một cơn cám dỗ rất phổ biến là xoay những chân lý trọng yếu của đức tin sang những cái trừu tượng, mà những cái trừu tượng thì không cần có những người mẹ”.
Lời bình của cha Rahner thật là sâu sắc. Ngày nay chúng ta vẫn còn đứng trước cơn cám dỗ muốn hạ giá đức tin thành một lô những cái trừu tượng. Trong việc giảng dạy thực hành mục vụ và trong việc đương đầu với những tệ nạn xã hội cần sửa chữa, Giáo Hội cần phải cảnh giác kẻo đức tin sống động của mình bị giảm thiểu thành một cái khuôn khổ hoang đường, hoặc thuần túy trí năng mà các ý tưởng, các hệ thống gắn vào. Là những chủ chăn của Giáo Hội, chúng ta phải tỉnh thức đừng để bất cứ cái gì thay thế cho Tin Mừng đích thực mà chúng ta được gọi để rao giảng.
Thập Giá Đức Kitô và Mẹ Maria đứng bên, dạy chúng ta rằng đức tin của Giáo Hội không thể bị giản thiểu thành bất cứ hệ thống chính trị hoặc triết học nào, thành bất cứ hệ tư tưởng, thành “tinh thần thời đại”, hoặc thành bất cứ sự liên kết lỏng lẻo những lý do này nọ. Mẹ sầu bi và môn đệ dấu yêu đã không đến Golgotha để làm chứng cho những ý niệm hoặc để xem xét các lý thuyết về lòng nhân từ và sự cứu chuộc; Mẹ và thánh Gioan đứng gần bên Thập Giá để làm chứng về “tình yêu thương đến cùng”. Tình yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, tình yêu của Chúa Giêsu đối với mỗi người chúng ta.
I. Những cám dỗ trước cái trừu tượng
Ơn gọi của chúng ta đòi hỏi mỗi người hằng ngày phải đứng bên Thập Giá cùng với Đức Mẹ và thánh Gioan. Chúng ta phải làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Trái tim bị đâm thâu của Ngài là một lời mời gọi sống động, gọi chúng ta đến thông phần vào sự sống đặc thù của Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi không phải để làm chứng cho một cái gì đó được gọi là sự cứu chuộc, sự giải thoát hay một sự khẳng định; chúng ta được sai đi để làm chứng cho Đấng mà chúng ta sung sướng gọi là “Con Thiên Chúa” và “Con của Đức Maria”.
Đứng bên Thập Giá Chúa Giêsu nghĩa là chúng ta phải cảnh giác trước hàng loạt những cái đòi hỏi thay thế Chúa Kitô và công nghiệp cứu độ của Ngài. Chúng ta phải có tấm lòng nhiệt thành của Phêrô, khi Chúa Thánh Thần đến, ông đã bất chấp mọi sợ hãi, cùng với Gioan đứng trước mặt nhà cầm quyền và nói: “Không có một ai khác đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời không có một danh hiệu nào được ban nơi loài người, để nhờ danh ấy chúng ta được cứu độ” (Cv 4, 12).
Ngày nay trên thế giới có nhiều danh hiệu khác danh hiệu Giêsu đang được trình bày như những biện pháp của sự cứu độ và niềm vui. Đôi khi những danh hiệu đó được trình bày cứ như là chưa bao giờ có Tin Mừng, có “Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”. Đồng thời, những biện pháp cứu chuộc khác này được trình bày không chỉ như thành phần của Tin Mừng, nhưng còn thật sự như chính Tin Mừng. Kết quả ra sao cái tin mừng không có Chúa Kitô ấy, dĩ nhiên tôi không có ý nói người ta không đề cập gì đến Chúa Kitô, Ngài vẫn được đề cập đến đấy chứ, thật vậy Ngài vẫn rất hay được đề cập đến – theo cách người ta có thể nói đến một bộ mặt trong văn học, một khuôn mặt thực sự do óc tưởng tượng và trí tuệ con người nghĩ ra hơn là một nhân vật sống thực. Giống như một thứ khuôn mặt trong văn chương, Đức Kitô có thể được tạo ra để mang bất cứ một sứ điệp nào mà “những kẻ tạo ra Ngài” yêu cầu. Như một huyền thoại hoặc một hình ảnh thuần túy văn chương, Chúa Giêsu được trình bày như một người đề xướng những hệ thống trính trị và triết học cạnh tranh đủ kiểu. Đôi khi Ngài được tạo ra như đang sống và thậm chí đang chết cho những lý do không hề nghe thấy có trong Kinh Thánh và trong truyền thống Giáo Hội. Cũng có khi Ngài được miêu tả như là đang biện hộ và cả bào chữa cho những hành động và lối sống mà các thế hệ trước nghĩ rằng Ngài đã kết án.
Cuối cùng, tôi không cần nói đi nói lại về mối nguy hiểm của việc hạ giá Chúa Kitô và giáo huấn Ngài xuống mức độ một lý thuyết trừu tượng, sản phẩm của chúng ta làm ra. Giáo huấn thường quyền của Giáo Hội cũng đã nhấn mạnh về mối nguy cơ cho phép chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa tập thể đòi hỏi đức tin như là của riêng chúng. Huấn quyền cũng đã bác bỏ những nỗ lực của một số người muốn giữ lại cái vẻ bề ngoài của truyền thống Công Giáo trong khi thực tế là hạ Chúa Kitô và các tín điều thành những biểu tượng tượng trung cho những khát vọng của nhân loại và những “nguyên nhân” bị hạn chế vào chỉ duy thế giới này. Huấn quyền cũng đã cảnh cáo việc đọc các giáo huấn của Giáo Hội từng phần và bớt xén, điều đó chứng minh cho những hành động không thể phù hợp được với việc tái sinh chúng ta trong Đức Kitô. Giáo Hội đã đề cao cảnh giác bằng cách nên lên những nguy hiểm của một tin mừng vắng bóng Chúa Kitô.
II. Tin vào ngôi vị Chúa Kitô
Nhưng chúng ta phải tiếp tục nhìn sâu hơn nữa trong chính tâm hồn chúng ta để xem xét kĩ đời sống đức tin riêng của cá nhân, việc rao giảng, và tác vụ của chúng ta! Mỗi ngày ta phải tự hỏi mình xem Đức Kitô đã chết và sống lại có còn là trung tâm điểm cho mọi lời tôi nói và mọi việc tôi làm không […]. Các bài giảng có thể mang đầy những ý tưởng tốt, những lời khuyên tốt – tất cả đều phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội – nhưng vẫn còn thiếu chứng từ của một trái tim mỗi ngày được biến đổi hơn do tiếp xúc với Ngôi Vị Chúa Kitô. Thật vật có thể là chúng ta lặp lại giáo huấn của Hội Thánh và thực sự có khả năng hiểu được giáo huấn đó, nhưng vẫn còn thiếu đời sống cầu nguyện mật thiết với nguồn mạch khôn ngoan của Giáo Hội.
Cha Rahner rất có lý khi nói rằng: “Những cái trừu tượng không cần có mẹ”. Nếu chúng ta can đảm coi Mẹ Maria như mẫu mực của mình trên đường đức tin thì chúng ta sẽ không rơi vào nguy cơ hạ thấp đức tin thành một loạt những giáo huấn và những điểm trừu tượng. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đứng sát bên Người Phụ Nữ đang nhìn Con quằn quại trong cơn hấp hối. Người Con mà Bà đang cùng đau khổ với không phải là một cái gì trừu tượng lại càng không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng của Bà. Bà đã không đặt niềm tin vào một Đấng Cứu Thế lý tưởng như Bà có thể đã mong ước cho Ngài. Bà đã không thốt ra những lời của môn đệ Cleopas trên đường Emmaus: “Nhưng chúng tôi hy vọng Ngài là người cứu Israel”. Đức Maria khi nhìn thấy con đang chết đã hiểu rằng chính Ngài chứ không ai khác là Đấng Cứu Thế, Đấng Messiah. Điều đó Mẹ đã không học biết từ bất cứ người nào khác hơn là ở mối tương quan yêu thương mãnh liệt với Chúa Giêsu, hoa trái của lòng Mẹ. Mẹ đã chỉ bám vào sự thật và quyền năng của cơn hấp hối và cái chết của Con Mẹ, bởi vì lòng tin tuyệt đối đã biến đổi tình yêu từ mẫu của Mẹ thành sự kết hợp hoàn toàn với Con Mẹ và cái chết cứu độ của Ngài.
Chúng ta phải đứng với Mẹ Maria, nhưng không đơn giản như là những khán giả cảm thương. Chúng ta đứng với Mẹ bên Thập Giá để học lại mỗi ngày xem chúng ta phải nói về Chúa Giêsu như thế nào. Với tư cách là Mẹ của chúng ta, Mẹ của Giáo Hội, Mẹ sẽ giúp chúng ta hiểu biết sâu xa và kết hợp với Con của Mẹ. Khi chúng ta cầu nguyện, Mẹ sẽ giới thiệu giúp chúng ta quen biết Con Mẹ và tiếp xúc với Ngài. Mẹ đứng với chúng ta khi chúng ta rao giảng về Con Mẹ, giúp ta tỏ lộ cho những người chúng ta phục vụ biết mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Ngài. Mẹ ở với chúng ta khi chúng ta phục vụ Giáo Hội qua việc chuyển giao một giáo huấn có nguồn gốc trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được mạc khải qua Thập Giá và sự phục sinh của Đức Kitô. Mẹ, Đấng được Thánh Thần “là Chúa và là Đấng ban sự sống” phủ bóng, khích lệ chúng ta mở lòng ra cho Thánh Thần để Ngài giúp chúng ta có thể nói một cách có sức thuyết phục về Chúa Kitô và về công nghiệp cứu độ của Ngài. Được Thánh Thần thúc đẩy và nhờ lời Mẹ cầu bầu giúp đỡ, chúng ta có thể nói như Đức Thánh Cha Phaolô VI:
“Tôi không bao giờ có thể ngưng nói về Chúa Kitô: Ngài là sự thật và là sự sống của chúng ta. Ngài là lương thực, là nguồn suối hằng sống làm giảm cơn đói và thỏa mãn cơn khát của chúng ta. Ngài là đấng chăn chiên, là người lãnh đạo, là lý tưởng, là người an ủi và là anh em của chúng ta”.
III. Sống trong Chúa Giêsu Kitô
Rõ ràng chúng ta không được phép ngần ngại nói về Đức Chúa và về kỳ công cứu độ của Người. Cũng thế chúng ta phải đừng bao giờ ngần ngại nói về điều mà Chúa đòi hỏi nơi những kẻ theo Người. Thật vậy cái chết của Người trên Thập Giá khiến chúng ta có thể xa tránh tội lỗi – để chết đối với tội và sống lại với Đức Kitô. Thập Giá làm cho chúng ta và những người chúng ta phục vụ, có khả năng sống một cuộc sống ghi đậm dấu ấn hiển nhiên ơn cứu độ trong Đức Kitô. Thật vậy việc cải thiện đời sống là một phần căn bản của việc đi đến chỗ hiểu biết Đức Kitô. Giáo huấn của các Đức Thánh Cha trong Giáo Hội đã đem lại những giáo lý làm sáng tỏ rằng điều kiện tiên quyết để gia nhập cộng đồng những người tin chính là sự đổi đời nhờ đó những hành động đen tối sẽ bị khai trừ. Các Đức Thánh Cha đã không đơn giản đề ra cho các phần tử mai sau của Giáo Hội những quy luật mới để họ theo đó mà sống nhưng đúng hơn các ngài cho họ một cách sống khiến cho Lời sự sống có thể thấm nhập tâm hồn và trí não họ. Sự hoán cải này cũng không đơn giản là thừa nhận những ý tưởng và quan điểm mới. Đúng hơn, những phần tử mai này của Giáo Hội phải đương đầu với những đòi hỏi luân lý thực sự có ảnh hưởng đến cách họ sống cuộc đời của họ.
Đứng bên Thập Giá cùng với Mẹ Maria chúng ta phải tìm thấy sự can đảm để rao giảng Tin Mừng trong tính nguyên vẹn. Chúng ta phải trình bày điều mà Catherine de Houeck Dougherty – một nữ giáo dân tuyệt vời của thời đại chúng ta – đã gọi là “Tin Mừng không thỏa hiệp”. Cái chết của Chúa Kitô đối với mỗi người là một cái chết thực sự đối với tội lỗi. Nhưng có thể có các linh mục, giám mục giảng hết Chúa Nhật này sang Chúa Nhật khác mà vẫn không bao giờ đánh động được lương tâm các giáo dân của mình. Thường thường đó là trường hợp mà những đòi hỏi khó khăn về luân lý không bị từ chối – đơn giản là người ta không đề cập đến chúng. Chúng được cho qua trong cái im lặng lúng túng. Không may sự im lặng thường được sử dụng như sự đồng ý bởi những người mà họ nên xét lại cách họ đáp trả đối với Đức Chúa và quyền năng cứu rỗi của Ngài. Nhưng dĩ nhiên những đòi hỏi về luân lý của đời sống Kitô giáo không đứng đơn độc. Chúng không phải là cái tùy phụ gắn vào bản chất của đức tin. Đúng hơn chúng là hình thức cụ thể đức tin của chúng ta. Đó là những yêu sách phát xuất từ đức tin và việc thờ phượng. Những chân lý và những thực tại mà ta ôm ấp bằng đức tin và cử hành qua việc phượng tự phải tìm thấy cách diễn tả trong những quyết định to nhỏ của cuộc sống ngày qua ngày. Nếu không có sự cải đổi luân lý đích thực thì đức tin vẫn là một cái kho chứa những tư tưởng lý thú – một lô những cái trừu tượng.
Niềm tin vào Đấng chịu đóng đinh đôi khi tạo nên những yêu sách lớn lao trên những người phải trình bày giáo huấn của Giáo Hội trong tất cả sự nguyên vẹn của nó. Là những mục tử, những người chăn dắt đoàn chiên, đôi khi chúng ta phải chấp nhận tử đạo để nói “không”. Chúng ta hãy nghĩ đến nỗi đau khổ của Đức Thánh Cha Phaolô VI trên bức thông điệp Humanae Vitae. Hãy nghĩ đến những chứng từ đầy gian khổ mà các linh mục, các vị giải tội phải làm khi các ngài cố gắng thuyết phục những người mình phục vụ rằng: ngừa thai nhân tạo là điều sai trái, hoặc thụ tinh trong ống nghiệm không phải là một lựa chọn có thể chấp nhận được về mặt luân lý. Không ai thích bị coi là tiêu cực quá đáng hoặc mang tiếng là “lỗi thời”. Ít ai trong chúng ta thú vị với tư tưởng mình trở thành một biểu hiện mâu thuẫn với nên văn hóa mà mình đang sống. Nhưng chính đó lại là một thứ chứng từ mà chúng ta bị đòi hỏi phải làm chứng. Đức tin của chúng ta đã chỉ là một lô những cái trừu tượng – sự bộc lộ những ước muốn cao quí nhất của chúng ta, những ước muốn siêu việt trên chính chúng ta – chúng ta có thể điều chỉnh những đòi hỏi luân lý mà xem ra quá rầy rà và không còn dính dáng gì mấy. Nhưng những đòi hỏi về luân lý đó không đơn giản là những kết luận của một hệ thống đạo đức học mà là lời đáp cần thiết của chúng ta đối với Chúa chịu đóng đinh.
Cơn cám dỗ muốn núp bóng một thứ Tin Mừng trừu tượng cũng xưa như chính Giáo Hội. Theo một ý nghĩa cơn cám dỗ cổ xưa đã mặc một lớp vỏ mới trong mỗi thời đại. Sức quyến rũ mà sự thay thế Tin Mừng tung ra chỉ có thể bị đập tan nhờ tiếp xúc với Chúa chịu đóng đinh, Đấng đang sống để cầu bầu cho chúng ta. Hiểu biết Chúa Giêsu Đấng đã biết và yêu chúng ta trước, là niềm vui, là sức mạnh và là sứ điệp của chúng ta. Chúng ta cũng phải có thể nói được như Đức Thánh Cha Phaolô VI rằng: “Đó là Chúa Giêsu Kitô mà tôi rao giảng ngày này sang ngày khác. Tôi muốn thấy Danh Người vang dội mọi thời cho đến tận thế”.
Ước chi Đức Maria trinh nữ của niềm tin là mẫu gương đức tin cho chúng ta. Ước chi giống như Mẹ chúng ta cũng được Thánh Thần rợp bóng để Đức Kitô Đấng chịu đóng đinh sẽ thực sự sống trong chúng ta.
Hãy cho con cùng hòa dòng lệ thảm
Khóc thương Đấng đang khóc vì con
Suốt mọi ngày trong cuộc sống héo hon.
Đức Hồng Y James Hickey
(Trích trong Đức Maria dưới chân thập giá. Bài giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo triều)