Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, người ta kể lại rằng: ngày kia, trên đường ngang qua một khu rừng, ngài rơi vào tay một tên cướp khét tiếng. Sau khi lục soát mà chẳng tìm được gì đáng giá, tên cướp rút gươm định giết chết ngài. Nhưng vướng víu cành lá rậm rạp, hắn không thể nào hạ sát được. Đức Thích Ca bảo tên cướp: “Muốn kết thúc mạng sống của ta, ngươi phải chặt đứt các cành cây trước đã!”. Chỉ trong chớp mắt, cành cây bị lưỡi gươm chém đứt. Đức Thích Ca liền nói: “Nào, bây giờ ngươi hay tháp cành cây vào chỗ cũ của nó!”. Tên cướp trợn mắt lên: “Ngươi quả là một tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó”. Đức Thích Ca mỉm cười và khẽ khàng nói: “Chính ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh của con người là gây thương tích và phá hủy. Người có sức mạnh thật sự là người chỉ biết sáng tạo và chữa lành mà thôi”.
“Sức mạnh thật sự không phải là sức mạnh gây thương tích và phá hủy. Nhưng là sức mạnh biết sáng tạo và chữa lành”. Những lời của Đức Thích Ca là một diễn tả thật rõ nét về dung mạo Đức Giêsu, Đấng được sai đến “không phải để xét xử, nhưng để phục hồi những gì đã hư mất”. Đấng được sai đến không phải để đoán phạt, nhưng “để cho con người được sống và sống thật dồi dào”. Thánh Marco hôm nay đã phác họa lại cho chúng ta 1 ngày sống của Chúa Giêsu: Suốt một buổi sáng giảng dạy ở Hội đường, một chút dừng chân ở nhà nhạc mẫu của Simon, một buổi chiều phục vụ các bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Tất bật với công việc, Ngài đã sống hết mình với mọi người. Để rồi lại khởi đầu một ngày mới bằng giờ cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha khi trời chưa kịp sáng. Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu đầy ắp tình yêu thương với vòng tay mở rộng cho hết mọi người, và luôn tràn ngập niềm vui đến từ những khoảnh khắc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa Cha, như một nhịp cầu nối liền sự xa cách vời vợi giữa trời với đất. Trong Công vụ Tông đồ, thánh Luca kể lại: “Đi đến đâu là Ngài thi ân giáng phúc đến đó” (Cv 10, 38). Niềm vui ơn cứu độ như bừng nở dưới mỗi dấu chân Chúa đi qua, những dấu chân loan báo Tin mừng. Tin mừng ấy không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều, diễn giải về một Thiên Chúa cao xa, trừu tượng nhưng trước hết là một vị Thiên Chúa hiện diện bằng xương bằng thịt, thật thiết thân, gần gũi, là một vị Tôn sư với con tim biết rung động, chạnh lòng thương. Lời giảng dạy được thể hiện bằng hành vi yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời của Chúa Giêsu luôn sống động và lôi cuốn. Ngài không làm phép lạ để củng cố uy tín hay lòe mắt thiên hạ. Chúa chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ như dấu chỉ sự khai mở của thời thiên sai, của sự sống mới đang dâng tràn và được ban tặng từ tấm lòng Thiên Chúa. Một Thiên Chúa yêu thương đến độ mang lấy phận người, sống với con người và chết cho con người. Thay cho quan niệm về một Thiên Chúa quyền năng, thưởng phạt công minh, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa thật gần gũi, sẻ chia từng nhịp thở của cộng đồng nhân loại, một Thiên Chúa chạnh lòng thương, hiểu được thế nào là nỗi đau của đói nghèo tật bệnh, biết được thế nào là niềm vui của kẻ được cảm thông và tha thứ.
Một linh mục, trong bài giảng ở nhà thờ Đức Bà Paris, đã kể lại lời tự thuật của một người như sau: “Tôi đau rất nặng, người ta đem tôi vào bệnh viện, không ai săn sóc tôi cả, ngoại trừ một chị y tá, chị tỏ ra rất tốt bụng và hết tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, chợt thức giấc khi trời đã rất khuya, tôi nhìn thấy chị im lặng quỳ gối trong phòng. Tôi hỏi: “Chị đang làm gì thế?” Chị trả lời: “Tôi cầu nguyện cho ông”. Chỉ mấy lời ngắn ngủi đó thôi đủ làm cho tôi biết được Thiên Chúa là ai, dù trước đây tôi chưa từng biết Ngài. Tôi thấy Chúa nơi con người chị y tá ấy, giữa những đau khổ thể xác và tinh thần. Nhờ sự săn sóc đầy tình người và những lời cầu nguyện đầy yêu thương của chị y tá ấy, tôi đã gặp được Chúa”.
Đau khổ, đói nghèo và tật bệnh vẫn là nỗi trăn trở, âu lo của con người ở mọi thời. Ông Gióp (bài đọc I) đã không tìm được sự nâng đỡ từ bạn bè và người thân khi phải đối diện với nghịch cảnh của dòng đời. Ông đã từng vật lộn với nan đề này, và hầu như tuyệt vọng vì không tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Đức Phanxicô, trong tập sách El Jesuita đã giải thích: “Đau khổ, tự bản thân nó không phải là một nhân đức. Nhưng cách mà người ta chịu đựng nó, lại có thể là một đức hạnh”. Thật vậy, Chúa Giêsu đã không đến với trần gian để trả lời cho câu hỏi “tại sao đau khổ?”, nhưng Ngài dạy cho con người biết mình phải làm gì trước đau khổ. Khi cúi xuống và chạm đến nỗi đau của con người, Ngài đã mang lại cho đau khổ một ý nghĩa mới mẻ. Khi đón nhận và gánh lấy đau khổ của phận người trong yêu mến và vâng phục, Ngài đã làm bật tung hạt mầm sự sống từ những thử thách đau thương. Hơn ba mươi năm sống đời trần thế, từ máng cỏ Bêlem cho đến những tháng ngày lặng thầm ở Nazareth, những dặm dài loan báo Tin mừng, tình thương và tấm lòng của Con Thiên Chúa đã mặc cho những nghĩa cử đơn sơ, nhỏ bé của phận người một giá trị thật lớn lao. Và trên đồi cao thập tự, lòng vâng phục Chúa Cha và tình yêu thương con người đã biến một công cụ hành hình thành phương tiện cứu sống, làm nảy sinh sự sống từ cái chết đau thương, làm cho cây thập giá nặng trĩu đau buồn thành thánh giá chiếu tỏa niềm vui cứu độ.
Galilê, nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng, là khởi điểm của Kitô giáo, nhưng cũng là một vùng đất ngoại biên, xa trung tâm Giêrusalem. Nazareth, nơi Chúa lớn lên âm thầm trong gia đình của một người thợ cũng là một làng quê hẻo lánh, tầm thường, ít được ai biết đến. Chúa đã chọn và sống trọn phận người như thế để kiếm tìm, đỡ nâng và chia sẻ nỗi đau với những cảnh đời khốn cùng, vất vưởng bên lề cuộc sống. Những xô bồ, hối hả của nhịp sống hiện đại hôm nay, cách nào đó, cũng đang tạo nên những vùng ngoại biên mới. Vùng ngoại biên hôm nay không chỉ là vùng đất mới trên bản đồ địa lý, nhưng còn là thái độ kỳ thị, dửng dưng, xa lạ ngay trong tâm thức con người, là những người bị lãng quên, bỏ rơi, là lối sống chụp giật, lọc lừa, tham lam, ích kỷ trong lòng người, là sự làm ngơ giả điếc trước tiếng kêu cứu của gia đình, tuổi thơ, của sự túng cùng, đau khổ ngay bên cạnh chúng ta. Hôm nay, cũng như hai ngàn năm trước, sứ mạng của Đấng cứu thế vẫn đang tiếp nối nơi những tâm hồn thành tâm thiện chí, những người mạnh dạn bước ra khỏi lớp vỏ của tiện nghi, an phận, cùng Ngài lên đường, làm cho những vùng ngoại biên cũng được tỏa sáng niềm vui của Tin mừng cứu độ. Tấm lòng của Thiên Chúa vẫn có đó nơi những con tim nhạy cảm, biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của phận người, nơi những gia đình, những cộng đoàn chật vật với miếng cơm manh áo, nhưng không thiếu tấm lòng vì người khác.
Thay đổi con tim trong liên hệ yêu thương, thiên đàng sẽ thành hình. Và khi nối kết lại những mối liên hệ yêu thương đó, sẽ có sự sống. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa và tốt đẹp hơn biết bao, khi con người -một lúc nào đó-khám phá ra vô vàn ân phúc Thiên Chúa ban tặng cho đời mình. Cành khô của Đau Khổ sẽ đâm chồi kết trái Hạnh Phúc khi đôi tay con người không chỉ biết mở ra để nhận lãnh mà còn để trao tặng, khi đôi chân con người không chỉ tìm cách tiến lên cao mà còn biết tìm đến với người anh em đồng loại, như mong ước của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn của bản thân.” (Tông huấn Niềm vui Tin mừng, số 49).
Xin niềm vui của Tin mừng hôm nay thắp sáng và đổi mới con tim chúng ta, để như thánh Marco, những đổi thay trong nếp nghĩ, cách nhìn, trong mỗi chọn lựa dấn thân của chúng ta, sẽ giới thiệu cho thế giới hôm nay dung mạo của một vì Thiên Chúa chỉ biết sáng tạo và chữa lành, một Thiên Chúa luôn ở bên cạnh và cứ mãi nặng lòng với nỗi khốn cùng của phận người chúng ta.
Lm. PTS