Động Lòng Thương, Chúa Giêsu Đặt Tay Trên Người Ấy – Chúa Nhật 6 Thường Niên – Năm B

«Gương mẫu của tôi chính là Đức Kitô». Đó là lời khuyên của Thánh Phao lô dành cho người Kitô hữu. Suốt cuộc đời, chúng ta phải lấy Ngài làm mẫu mực của người thành công. Tin mừng chủ nhật hôm nay cho chúng ta một hình ảnh đặc biệt của Đức Kitô. Chúng ta hãy dành thời giờ chiêm ngắm và cầu xin cho biết chúng ta có thể bắt chước Ngài trong những điều gì.

Thánh Máccô không ngại giới thiệu Chúa Giêsu như là người vi phạm lề luật Môsê. Chúng ta hãy nhớ lại những cuộc tranh luận về ngày Sa bát. Điều tiên quyết đối với Ngài, đó là sự hiệp thông giữa tất cả mọi người. Thiên Chúa muốn rằng chúng ta được hạnh phúc và sống chung như anh em. Ngài không muốn chúng ta loại trừ nhau. Sứ mạng của Đức Kitô là qui tụ hiệp nhất con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi.

Chính vì sự hiệp thông ấy mà Chúa Giêsu không ngần ngại vi phạm lề luật được qui định chặt chẽ nhất. Các lề luật ấy là một chặng đường trên lộ trình của dân Thiên Chúa. Và trong quá khứ chúng đã đóng vai trò tích cực. Hôm nay, Đức Kitô muốn giúp đỡ chúng ta làm một bước tiến lên nữa. Ngài mời gọi chúng ta vượt qua lề luật dẫn đến việc loại trừ đó, như qui định rằng người bị phung cùi đi đâu cũng phải kêu lớn tiếng : « Ô uế, ô uế ! » và phải tránh xa người khác, không được hiệp thông với họ. Đối diện với điều phải gọi đúng tên là bất công đó, Chúa Giêsu tự đặt mình ở ngoài lề luật. Ngài hành động có trách nhiệm. Chúng ta nhiều khi cũng vi phạm lề luật. Thỉnh thoảng vi phạm có lí do: thí dụ một ai đó chay quá tốc độ để cứu sống một người. Nhưng nếu chúng ta vượt qua lề luật thì nói chung là vì ích lợi cho chúng ta. Còn Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác: Ngài không tìm lợi ích cho riêng mình nhưng vì lợi ích cho nhiều người.

Bản văn cho thấy : Ngài để cho người phung cùi đến gần mà lẽ ra phải đứng đằng xa kêu lớn tiếng: « Ô uế ! ô uế ! ». Rồi người ấy còn lớn tiếng tuyên xưng đức tin của mình: « Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được lành sạch ». Chúa Giêsu sắp làm một hành vi không thể tưởng tượng được vào thời đó. Ngài « giơ bàn tay và chạm đến anh ta ». Khi làm như thế Ngài vi phạm lề luật và trở thành người ô uế và bị loại trừ. Có thể nói rằng Chúa Giêsu mang lấy nơi mình tất cả phung cùi của con người. Gần giống như khi Ngài chịu phép rửa để thanh tẩy tội lỗi nhân loại: Khi từ dòng sông đi lên , Ngài đã mang lấy tất cả tội lỗi của con người, để giải thoát họ.

Hậu quả là Ngài bắt buộc phải tránh xa tất cả những nơi dân cư. Điều đó không có nghĩa nói rằng Ngài trở nên lây lan cho người khác. Chỉ có điều là Ngài cảm nghiệm sự loại trừ mà Ngài sẽ là nạn nhân đến tận thập giá. Ngài mang lấy nơi mình « sự chết » của người phung cùi khi ban cho anh ta sự sống. Một ngày kia, người ta sẽ dẫn Ngài ra ngoài thành và giết chết Ngài trên một cây thập giá. Ở đó, Ngài sẽ biến dạng, giống như những người phung cùi và tất cả sẽ quay lưng lại với Ngài.

Bài tin mừng nầy hôm nay nói với tất cả chúng ta. Bệnh phung cùi không còn là một lí do để loại trừ. Thậm chí nó đã trở thành một nguyên nhân của lòng quảng đại. Nhưng thế giới hôm nay đã có nhiều cách loại trừ khác không kém phần khốc liệt như phân biệt chủng tộc, bạo lực, loại trừ vì thất nghiệp, nghèo đói gia tăng. Thậm chí trên bình diện quốc tế, nhiều dân tộc bị loại trừ khỏi « câu lạc bộ may mắn ». Không có chỗ cho họ trong những cuộc họp quan trọng đưa đến những quyết định quan trọng cho nền kinh tế thế giới.

Việc loại trừ ấy kéo dài biên giới ngang qua tất cả các xã hội chúng ta. Vấn đề là phải biết cách vượt qua. Lấy Đức Kitô làm mẫu mực, tức là chọn con đường liên đới với những bệnh nhân, tù nhân, những kẻ ở bên lề và tất cả những người bị thế giới chúng ta loại bỏ. Nếu chúng ta muốn gặp họ, chúng ta phải đi đến với họ.

Trọn bài tin mừng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa muốn tái hòa nhập con người vào trong cộng đoàn nhân loại, con người bệnh tật nhưng cũng là con người tội lỗi. Trong khi theo bản năng tự nhiên, chúng ta phản ứng bằng thái độ xa lánh, thì Thiên Chúa lại phản ứng để tái hòa nhập. Bệnh si đa, một khoảng thời gian dài gây nên phản ứng loại trừ, nhưng Thiên Chúa đến để xây dựng cộng đoàn con người. Việc xây dựng đó chỉ có thể thực hiện với sự sộng tác của tất cả mọi người. Chúng ta được hưởng ơn Cứu độ Đức Kitô mang lại, chúng ta được sai đi turyền giáo để làm chứng cho niềm hi vọng Ngài mang đến cho thế gian.

Phục vụ Lời Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc

Comments are closed.