Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Mùa Vọng, 07-12-2020 Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh (Lc 5, 17-26)  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài làm những điều lạ kỳ”

LECTIO DIVINA

Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí

Thứ Hai Tuần II Mùa Vọng, 07-12-2020

Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Lc 5, 17-26

 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài làm những điều lạ kỳ”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ”

          Bài đọc Tin Mừng hôm nay (Lc 5, 17-26) trình bày Chúa Giêsu là Đấng chữa lành tâm hồn và thể xác. Việc Chúa đến mang lại một điều gì đó đẹp đẽ và được khao khát : đó là sự chữa lành hoàn toàn. Giai thoại hôm nay mô tả một ngôi nhà chật cứng, với đủ loại người háo hức muốn nghe điều Chúa Giêsu sẽ nói. Một nhóm bạn cực kỳ táo bạo thả một người liệt nằm trên cáng, xuyên qua mái nhà, xuống trước mặt Chúa. Niềm tin của họ vào Vị Chúa chữa lành và sự quan tâm thương xót của họ đối với người bạn của họ đã khơi gợi lên lời tuyên bố tha thứ của Chúa Giêsu. Thay vì thực hiện việc chữa lành thể xác, Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi cho người bại liệt. Các kinh sư và người Pharisiêu sửng sốt và phẫn nộ nhận xét: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế ? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?” Chúa Giêsu lợi dụng cơ hội để chứng minh rằng Ngài – Con Người – có quyền của Thiên Chúa để tha tội bằng cách chữa lành thể xác. Thật vậy, quyền năng của Thiên Chúa ở nơi Chúa Giêsu để chữa bệnh. Chúa Giêsu khiến dân chúng kinh ngạc bằng “những điều lạ kỳ”: sự tha tội và việc chữa lành thể xác. Người bại liệt được chữa lành và được tha thứ trở về nhà, đã được giải thoát khỏi những bệnh tật về tâm linh và thể chất, đã tôn vinh Thiên Chúa. Những người chứng kiến ​​“những điều lạ kỳ” cũng tôn vinh Thiên Chúa. Thật vậy, trong Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm được sự xuất hiện một sự chữa lành toàn diện và toàn vẹn, chứ không phải phân mảnh và hời hợt.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)

–      Đặt mình vào vị trí của những người đã giúp đỡ người bại liệt: Liệu tôi có thể giúp đỡ một người bệnh, đưa người đó lên mái nhà và làm những gì mà bốn người kia đã làm không? Tôi có một đức tin lớn như vậy không?

–      Tôi có hình ảnh nào về Thiên Chúa ở trong chính tôi, và hình ảnh nào tỏa ra với những người khác, hình ảnh về các bác sĩ hay về Chúa Giêsu? Một Thiên Chúa của lòng trắc ẩn hay của sự đe dọa?

→ ĐTC Phanxicô nói : “Điều Hội Thánh ngày nay cần hơn cả, đó là khả năng năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu. Hội Thánh cần sự gần gũi, cận kề. Tôi nhìn Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh. Phải chữa ngay vết thương của họ đã, rồi mới nói tới các chuyện khác. Chữa lành các vết thương, chữa lành các vết thương. Điều quan trọng nhất là lời công bố đầu tiên : Đức Giêsu Kitô đã cứu bạn!”.

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Thiên Chúa, Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha vì nước tràn trề trong sa mạc, những bông hoa phong phú và vẻ đẹp của chúng, sự chữa lành người mù, người điếc, người câm, người què, và (cảm tạ) vì những công việc tuyệt vời của Cha trong Chúa Giêsu Cứu Thế. Xin cho cuộc viếng thăm linh thiêng của Cha biến đổi chúng con và giúp chúng con hành trình trên “con đường thánh thiện” của người được chuộc lại và được cứu độ. Chúng con xin dâng lên Cha vinh quang và lời khen ngợi vì những việc làm kỳ diệu của Cha, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

          Bằng những hành động nhân ái đối với người nghèo, người đói khổ, v.v., tôi cho họ cảm nghiệm thông điệp an ủi và hy vọng mà tiên tri Isaia và Chúa Giêsu Kitô mang đến cho một thế giới đổ nát.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.