HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA,
NỀN TẢNG TRONG GIÁO DỤC NHÂN BẢN:
HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM
Có nhiều bạn, từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, có khi chẳng bao giờ bận tâm đến lương tâm của mình. Chẳng cần biết lương tâm là gì, lương tâm giúp gì cho cuộc sống của bạn, tại sao lại phải giáo dục lương tâm.
Tuy nhiên, ít hay nhiều, hẳn bạn đã nghe nói: “người vô tâm”, “người nhẫn tâm”. Chữ tâm ở đây thường được ám chỉ tâm hồn, tâm trí. Nhưng chữ tâm cũng ngụ ý lương tâm con người. Nghĩa là, “người vô tâm” và “người nhẫn tâm” đều là người không biết tuân theo tiếng lương tâm: “Vô tâm” là không biết phân biệt, không nhận ra tiếng lương tâm; “nhẫn tâm” là chà đạp và làm trái với tiếng lương tâm. Theo nghĩa đó, bất kỳ người nào, không phân biệt ai, dù là người trí thức hay ít học, người chức vị cao sang hay kẻ thấp hèn, già hay trẻ, giàu sang hay khốn khó, đều có thể trở thành người “vô tâm” hay “nhẫn tâm”.
Như vậy, huấn luyện lương tâm con người phải được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của giáo dục nhân bản.
1. Khái quát về lương tâm
Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ. (Vui Mừng và Hy Vọng, 16).
Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận một cách chắc chắn: lương tâm như là một trong những dấu ấn rõ ràng về hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Theo đó, khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã in một dấu thiêng liêng vào lòng con người dưới hình thức lương tâm, giúp con người nhận ra điều gì là tốt, điều gì là xấu. Nhờ đó, lương tâm sẽ chi phối trên hành vi và tư tưởng của con người. Hành động theo lương tâm làm tăng thêm phẩm giá cao quý của con người.
Để hiểu hơn về lương tâm, chúng ta trở lại với sách Sáng Thế. Sau khi đã tạo dựng nên người nam và người nữ, trao cho họ nhiệm vụ chăm sóc và làm chủ mọi loài thụ tạo, Thiên Chúa đã đặt vào lòng họ một lề luật. Thiên Chúa nói với con người: Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết. Đó là một trong những lề luật quan trọng nhất đã được khắc ghi trong lòng con người: điều gì là tốt, điều gì là xấu. Lương tâm làm cho con người nhận ra lề luật đó. Lương tâm cũng thúc giục con người về những điều phải làm, và những điều phải tránh.
2. Chức năng của lương tâm
Theo Giáo Hội Công Giáo, con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác… Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn… Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. (GLCG, 1776-1778).
Dựa vào giáo huấn đó, chúng ta có thể nhận ra hai chức năng chính của lương tâm:
• Lương tâm nhận ra hoặc biện phân những chuẩn mực đạo đức được Thiên Chúa thiết định – điều gì là tốt, điều gì là xấu.
Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu rõ hơn: Thiên Chúa là Đấng qui định “trái cây nào con người được ăn” – ngụ ý về điều tốt, “trái của cây nào con người không được ăn” – điều gì là xấu. Lương tâm thực thi chức năng của nó là phân biệt điều tốt, điều xấu trước mọi hành vi của con người, trong khi hành động, hoặc sau khi đã hành động. Nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu.
Thiên Chúa là Đấng ban lề luật, hay “nhà lập pháp” qui định điều gì là tốt, điều gì là xấu. Lương tâm hiện diện trong lòng con người như một “người lính canh,” “một người chỉ dẫn” cho hành vi của con người. Lương tâm giúp con người có thể nghe và hiểu được lời của Thiên Chúa dưới hình thức luật được ghi khắc trong lòng họ. Con người tiếp nhận luật từ Thiên Chúa như một gợi ý trong lòng. Luật đó con người không tạo cho mình, nhưng họ được thúc dục phải vâng theo. Điều này nhắc nhở mỗi người rằng: hành vi luân lý – tốt hay xấu – không tùy thuộc số đông, hoặc là sự biểu quyết của tập thể, nó cũng không phải là quyết định chủ quan của cá nhân.
Như vậy, con người không tự mình thiết lập những tiêu chuẩn luân lý: tốt, xấu. Vì làm như vậy, con người chiếm quyền của Thiên Chúa, và hậu quả là lương tâm sẽ trở nên sai lệch. Ví dụ nhiều quốc gia qui định “phá thai là điều hợp pháp” – không xấu, hoặc có người cho rằng “thủ dâm không phải là điều xấu”… Thực sự, những quyết định đó không thuộc thẩm quyền của con người. Đúng hơn, con người có thể nhận ra “thiên luật” tự đáy lòng mình, ví dụ, tôn trọng và bảo vệ sự sống là điều tốt, trái lại, làm tổn thương hay tiêu diệt sự sống con người luôn là điều sai trái; cũng vậy, con người có thể nhận ra rằng mọi hành vi dâm dục ngoài hôn nhân luôn là điều xấu.
• Lương tâm hiện diện trong con người như một lời nhắc nhở có tính phổ quát về điều gì là tốt phải thực hiện và điều gì là xấu cần phải tránh.
Lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh đúng lúc cho con người làm lành, lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu (GLCG, 1777).
Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Vì con người có một phẩm giá cao quý và con người là tự do, nên trong tất cả mọi hành vi, con người có quyền và bó buộc phải nghe theo tiếng lương tâm của mình. Nói cách khác, người tự do là người biết hành động theo tiếng lương tâm, ngay cả khi lương tâm đó sai lạc hoặc thiếu chính xác do các yếu tố bên ngoài tác động.
Tuy nhiên, trong trường hợp lương tâm sai lệch, thiếu chính xác, người ta vẫn phải có trách nhiệm luân lý về hành vi của mình. Đàng khác, khi đó sự tự do hành động của con người còn bị giới hạn và giám sát bởi lợi ích chung của của xã hội, và những tương quan giữa con người. Nghĩa là, tự do của một người luôn luôn phải tương hợp (không xung khắc) với tự do của người khác, nếu không, người đó sẽ vi phạm luật lệ và trật tự xã hội. Ví dụ, bạn không thể nói rằng bạn tuân theo tiếng lương tâm của bạn để ăn cắp hay làm tổn thương tinh thần, thể xác người khác.
Lương tâm con người có thể sai lệch vì môi trường sống lệch lạc về luân lý, những thói quen phạm tội, sự nuông chiều dục vọng, sự ích kỷ trục lợi, và những thực hành thường xuyên trái luân thường đạo lý. Ví dụ, một em bé sống trong gia đình mà cha mẹ đều là trộm cắp, em sẽ dễ dàng bị sai lệch lương tâm giữa sự công bình, bác ái và sự gian dối – cho rằng: “ăn cắp vặt” không phải là hành vi xấu, sai trái về đức công bình và bác ái; hoặc một người có thói quen sử dụng các sản phẩm khiêu dâm, dần dần sẽ bị sai lệch lương tâm về sự trong sạch, khiết tịnh.
Dù biết rằng tuân theo tiếng lương tâm là phẩm giá của con người. Tuy nhiên, vì ngay từ nguyên thủy, tổ tiên loài người đã phạm tội, từ đó lương tâm con người không luôn luôn chuẩn xác, trái lại, nó có thể đưa ra những phán đoán lệch lạc và sai lầm. Điều này mời gọi chúng ta về một nhu cầu thường xuyên huấn luyện lương tâm của mình.
3. Huấn luyện lương tâm
Trong thực tế, một đàng, mỗi người có thể đã kinh nghiệm nơi bản thân mình hoặc nơi người khác thế nào là một lương tâm sai lệch. Lương tâm có thể sai lệch vì sự “vô tri bất khả thắng”, vì những thói quen xấu, hoặc tình trạng ở lì trong tội lỗi. Đàng khác, con người dường như bị lôi kéo ra khỏi chính mình: Người ta sợ hãi đối diện với lương tâm trong thinh lặng; người ta ngại ngùng phải tự kiểm điểm, xét mình và nhận lỗi trước lương tâm.
Theo Giáo Hội Công Giáo, việc giáo dục, tự giáo dục lương tâm, là một công việc trường kỳ. Việc đó phải được bắt đầu ngay từ giai đoạn ấu thơ, và kéo dài suốt cả đời người. Giáo dục lương tâm tốt giúp con người sống đức hạnh, bảo vệ và giải thoát con người khỏi sợ hãi, ích kỷ và kiêu căng, những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, những thứ phát xuất từ sự yếu đuối và dễ sai lầm của con người. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn. (GLCG, 1784).
Là người Công Giáo, chúng ta có Lời Chúa, các bí tích, giáo huấn của Giáo Hội như những chuẩn mực giúp huấn luyện lương tâm. Thêm vào đó, các hình thức thực hành thường xuyên như xét mình, tham dự các bí tích, nhất là bí tích hòa giải… sẽ giúp lương tâm con người trở nên nhạy bén hơn trước điều tốt và điều xấu. Ngoài ra, lương tâm con người cũng thường được “lay động”, “thức tỉnh” bởi chính những biến cố trong cuộc sống xảy ra cho chính mình, hoặc người thân. Đó cũng là cơ hội rất tốt để huấn luyện lương tâm.
Vì nhiều lý do, có những lúc con người cảm thấy nghi ngờ chính lương tâm của mình: “Không biết tôi làm điều đó đúng hay sai?” “Tôi có được thực hiện hành vi đó hay không?” Trong tình huống như thế, không ít bạn rơi vào băn khoăn, lo lắng. Những lúc như vậy, bạn có thể thực hiện theo vài quy tắc sau:
• Không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt.
• Tuyết đối tôn trọng sự thật.
• Đức ái Ki-tô giáo luôn luôn đòi chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. Tốt nhất là tránh những gì gây cớ cho anh em mình vấp ngã, một cách đặc biệt, tuyệt đối tránh gây tổn thương tinh thần và thể xác của người khác (x. Rôma 14,21).
Tóm lại, lương tâm có nhiệm vụ định hướng, tán thưởng và khuyến cáo hành vi của mỗi người. Như vậy, việc huấn luyện để có một lương tâm chuẩn xác là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Bạn hãy coi trọng và kiên trì với việc huấn luyện lương tâm của mình.
Bạn hãy tập khả năng lắng nghe và vâng theo sự nhắc nhở trong sâu thẳm cõi lòng trước mỗi hành động: Điều đó là tốt, thực hiện đi! Hoặc, điều đó là xấu, là tội lỗi, ngừng lại ngay! Ngay cả sau khi đã hành động, lương tâm vẫn không ngừng lên tiếng, khích lệ nếu bạn đã hành động đúng. Trái lại, lương tâm sẽ “cắn rứt” mỗi khi bạn đã làm sai trái. Lương tâm được coi như là “tiếng” của Thiên Chúa. Tuân theo “tiếng” đó chính là phẩm giá của con người! (x. Vui Mừng và Hy Vọng, 16.)
Lm. Giuse Đỗ Mạnh Thịnh