Văn Học Công Giáo Và Đạo Công Giáo Đã Góp Phần Xây Dựng Lịch Sử Và Xã Hội Việt Nam Trong Niềm Tin Như Thế Nào?

 

Lê Thị Hoa Maria[1]

Tóm tắt: Văn học chữ quốc ngữ và Đạo Công Giáo đồng khai sinh đầu thế kỷ XVII tại Việt Nam nhưng đến ngày nay không nhiều người chú ý đến những công trình văn học mà Đạo Công giáo đã góp phần xây dựng, từ việc sáng tạo và hình thành chữ quốc ngữ của các nhà truyền giáo phương Tây và các trí thức Công giáo Việt Nam đến việc phổ biến chữ quốc ngữ và văn thơ đủ loại qua hệ thống báo chí Công giáo trrớc 1945. Tiểu luận này không chỉ hướng tới việc phân tích, ca tụng các công trình văn hóa và văn học Công giáo mà chủ yếu nhằm xác định vị thế văn học Công giáo trong lịch sử cận đại và hiện đại Việt Nam.

Từ khóa: lịch sử, tôn giáo, giáo dục, chữ quốc ngữ, trí thức Công giáo, văn học Công giáo Việt Nam

——————–

 Dẫn nhập

Người Việt Nam “không thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của Đạo Công giáo đối với nền văn hóa dân tộc” [25], theo như nhận định của Đinh Kiều Nga. Tuy nhiên, ngày nay, do chủ quan hay khách quan, còn nhiều người hoài nghi về giá trị của những công trình xây dựng niềm tin và văn hóa của Đạo Công giáo từ bốn trăm năm lịch sử Đạo Công giáo tới Việt Nam. Có lẽ bước đầu, các nhà truyền giáo phương Tây tới Việt Nam với mục đích truyền đạo “Da tô”, nhưng khi tới nơi, các vị thừa sai đã khám phá mối quan hệ giữa Giáo hội và xã hội, giữa Kitô giáo và văn minh. Do đó, các nhà truyền giáo phương Tây đã bắt tay vào công trình nghiên cứu và sáng tạo chữ quốc ngữ để truyền bá Tin Mừng và đào tạo giáo lý.

Nhiều người tự đặt vấn đề tại sao chữ quốc ngữ ban đầu chỉ đơn giản là ngôn ngữ dạy giáo lý do các nhà truyền giáo phương Tây khởi xướng, lại trở thành ngôn ngữ quốc gia chính thức của Việt Nam vào đầu thế kỷ XX? Các nhà truyền giáo phương Tây đã đóng góp gì để cho chữ quốc ngữ được hình thành? Các nhà trí thức Công giáo đã đóng vai trò gì để góp phần phát triển chữ quốc ngữ và văn học Việt Nam, từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX? Phải chăng văn học của các nhà trí thức Công giáo chỉ đơn thuần dừng lại chữ quốc ngữ, hay còn một giá trị văn hóa nào khác qua công cụ phổ biến chữ quốc ngữ trong thế kỷ XX?

Nếu các nhà trí thức dân tộc chủ nghĩa như Phan Châu Trinh (1872-1926) [18, tr.159] và Phan Bội Châu (1867-1940) [30, tr.299] đã được nhiều công trình nghiên cứu nêu bật thì tên tuổi của các học giả Công giáo Việt Nam vẫn chưa được khai thác nhiều. Trước khi tìm hiểu những công trình văn hóa mà các học giả Công giáo Việt Nam để lại cho hậu thế, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu về Đạo Công giáo và chữ quốc ngữ đồng hiện hữu tại Việt Nam như thế nào? Phần thứ hai sẽ tìm hiểu về văn học chữ quốc ngữ và các nhà trí thức Công giáo Việt Nam đã đóng góp cho nền văn hóa cổ kim Đông Tây trong nền văn học hiện đại của Việt Nam. Cuối cùng, sẽ đề cập đến văn học Công giáo đan xen giữa hai nền văn hóa Á – Âu qua một số tác phẩm của học giả Công giáo Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn.

1. Lịch sử văn học và Đạo Công giáo Việt Nam từ 1550 đến thời kỳ Pháp thuộc

Nếu Việt Nam đón nhận hạt giống Tin mừng Kitô giáo đầu thế kỷ XVI theo như ghi nhận của Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm 1533, “tại Làng Ninh Cường, xã Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy xuất hiện bí mật một người châu Âu, tên là I-Nê-Xu [Ignatio], đến để truyền bá đạo Da tô” [17, tr.6], thì Honorio Munoz, tu sĩ Dòng Đa Minh Tây Ban Nha thuộc tỉnh dòng Phi Luật Tân lại xác nhận: “Ngay từ năm 1550 đã có một nhóm tu sĩ dòng Đa Minh người Bồ Đào Nha như Gaspard de Santa Cruz; Grégoire de la Motte và Luis de Fonseca, các vị này đến từ quần đảo Malacca và đặt chân lên cang Cồn Cao, tỉnh Hà Tiên thuộc Nam Kỳ năm 1550” [19, tr.36]. Như vậy, tại Đàng Trong là điểm đến đầu tiên của Nhóm Tu sĩ dòng Đa Minh Tây Ban Nha ngay từ năm 1550.

Trong khi đó, tại Annam (Trung Kỳ), giáo sĩ Femando dòng Tên và và hai vị tu sĩ dòng Đa Minh Bồ Đào Nha (Luis de Fonseca và Grégoire de Motte) từ Ma Cao đến Tourane (Đà Nẵng) năm 1558, nhưng có lẽ các vị này tới với “tư cách tuyên úy các thủy thủ tàu buôn của Bồ Đào Nha” [14, tr.12]. Thực ra, sứ mệnh của các Thừa sai dòng Tên chỉ bắt đầu chính thức tại Đàng Trong ngày 18-1-1615 như F.Buzomi; và D.Carvalho. Hai năm sau (1617), lại có hai vị dòng Tên khác là Pina và Francisco Bareto cũng tới Đàng Trong với mục đích ở lại đó, nhưng vì lý do chính trị và ngôn ngữ địa phương tại Việt Nam, nên hai tu sĩ này trở lại Nhật Bản và bị giết tại xứ Anh Đào [33].

Hành trình lịch sử dòng Tên tới Việt Nam với sứ vụ truyền bá Tin Mừng chính thức ngay từ năm 1615, khi các thừa sai Dòng tên bị trục xuất từ Nhật Bản và tới Ma Cao, rồi đến Cửa Hàn và Hội An gồm 4 tu sĩ Nhật Bản và 11 tu sĩ dòng Tên người châu Âu, trong đó có Cha Đắc Lộ (A.de Rhodes), người Pháp [28]. Chính Cha Đắc Lộ và các nhà Thừa sai Pina, C. Borri, Antonio de Fontes, Gaspar Luis, F.Buzomi, Gaspar d’Amaral đã hệ thống hóa phiên âm để hình thành nên chữ quốc ngữ, nhằm thay thế các ký tự Trung Hoa để dạy giáo lý ban đầu, theo như nhận định của Linh mục Đỗ Quang Chính: “Trong giai đoạn hình thành chữ quốc ngữ, Đắc Lộ chỉ góp một phần trong công việc quan trọng này mà rõ rệt nhất là soạn sách chữ quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên” [12, tr.107]. Lịch sử minh chứng sự sáng tạo và hoàn thành chữ quốc ngữ của cha Đắc Lộ năm 1651 qua hai tác phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên xuất bản tại Rôma: bộ Từ điển (Việt – Bồ – Latinh) [3, tr.645] và Sách dạy Giáo lý (Latinh – Việt) [4, tr.319]. Thực sự, thời khai sinh ra chữ quốc ngữ không chỉ có Cha Đắc Lộ và cộng sự của Ngài, mà còn cả các cộng tác viên người Việt (“một thiếu niên 13 tuổi đã dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ”) [2], đã góp phần đáng kể cho sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ. Có thể nói, thế kỷ XVII đã đánh dấu mốc điểm lịch sử Việt Nam được các Giáo sĩ dòng Tên khai sinh ra một ngôn ngữ mới, đẩy lùi truyền thống Hán Nôm của giới quan lại về quá khứ, định hướng cho các phương pháp giảng dạy giáo lý và loan báo Tin Mừng theo quy trình nghiên cứu và giảng dạy chữ quốc ngữ.

Trong quá trình hội nhập văn hóa Viễn Đông, các nhà truyền giáo phương Tây không những đã thích nghi với môi trường Á châu. Nhưng các ngài còn tìm cách học hỏi và nghiên cứu văn hóa để hướng dẫn người tín hữu thích nghi giữa niềm tin Kitô giáo với phong tục tập quán Nho giáo. Chính vì thế mà các vị Thừa sai kế thừa và tiếp sức cho công cuộc hoàn thiện chữ quốc ngữ đến từ Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) như Giám mục Jean Louis Taberd (1794-1840) đã biên soại từ điển Dictionanum Anamitio – Latinum năm 1838 [22, tr.820], với sự cộng tác tích cực của hai thánh tử đạo Việt Nam: Thánh Philiphe Phan Văn Minh (1815-1853) và Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan (1798-1861). Đây có thể nói là một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao của các nhà truyền giáo phương Tây qua việc phổ biến chữ quốc ngữ và giáo dục. Phương pháp này của các nhà Thừa sai cho phép giới tinh hoa Công giáo Việt Nam góp phần đáng kể cho sự phát triển tiếng Việt trong thời kì đầu sáng tạo chữ Quốc ngữ [24, tr.170].

Thực ra, cuốn Tự điển Việt – Latinh của Giám mục Taberd được khởi công do Giám mục Bá Đa Lộc [Pigneau de Béhaine (1741-1799)] vào những năm 1772-1773, nhằm phát triển và bổ sung thêm từ bộ Từ điển La tinh – Bồ – Việt của Cha Đắc Lộ (A. Rhodes), vấn đề là Giám mục Tông tòa giáo phận Đàng Trong Pigneau de Béhaine soạn thảo chưa xong nên Giám mục Taberd kế thừa và hoàn thiện năm 1853.

Hơn một thế kỷ sau khi cuốn Từ điển Việt – La tinh của Giám mục Taberd ra đời, thì mới xuất hiện thêm một công trình nghiên cứu bộ từ điển đồ sộ Việt -Hoa – Pháp (Sài Gòn 1957), do Đức Cha Eugène Gouin (1901-1975), Giám mục Tông Tòa Thanh Hóa và Phát Diệm thực hiện. Có lẽ lịch sử ra đời chữ quốc ngữ ban đầu đơn giản với mục đích giúp các thừa sai ngoại quốc dạy giáo lý Công giáo. Những chữ viết này, qua nhiều thế kỷ, đã chính thức trở thành Quốc ngữ (chữ viết của Việt Nam) vào đầu thế kỷ XX, nhờ sự đóng góp không nhỏ của các nhà truyền giáo phương Tây và các nhà tri thức Công giáo Việt Nam như Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Paulus Huỳnh Tịnh Của (1830-1908) và Giám mục Dominique Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948)…

2. Văn học chữ quốc ngữ và các học giả Công giáo Việt Nam thời Pháp thuộc

Nếu ở châu Âu vào thế kỷ XVI, xuất hiện một phong trào văn hóa bắt đầu ở Ý rồi lan ra khắp châu lục, được coi như thời kỳ Phục hưng, ảnh hưởng sâu sắc trong giới văn học, triết học, mĩ thuật, âm nhạc, chính trị, khoa học và tôn giáo…, thì ở Việt Nam lại xuất hiện một nền văn hóa mới đến từ phương Tây, mà các trí thức Việt Nam vừa hội nhập văn hóa châu Âu, vừa hội tụ văn hóa Viễn Đông. Phải chăng các học giả Công giáo Việt Nam tiếp tục đường hướng của các nhà truyền giáo phương Tây, trong việc cổ võ cho chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam qua chương trình giáo dục công lập và tư thục?

Một trong những trí thức Công giáo đầu tiên mang tên Nguyễn Trường Tộ và ông được truyền tụng là ‘Trạng Tộ” [11]. Thời niên thiếu, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với các thầy vùng Cống Hữu ở Kim Khê và quan huyện Địa Linh về hưu ở Tân Lộ. Nhờ trí thông minh, học giỏi mà ông được Giám mục Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu), mời vào chủng viện Tân Ấp, thuộc xứ Xã Đoài, để dạy chữ Hán và được “Giám mục dạy lại tiếng Pháp, cung cấp cho các bản dịch chữ Hán của các sách Tây phương và cho đi du lịch ở Hồng Kông và Singapore” [1, tr.135]. Năm 1858, Giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ vào Đà Nẵng tránh nạn, vì đây là thời gian mà “Triều đình vua Tự Đức cho bắt giam các giáo sĩ và trùm trưởng, đồng thời ra lệnh “phân tháp” giáo hữu, nghĩa là phân tán người Công giáo vào trong một làng không Công giáo, chứ không cho ở tập trung”, – theo Trương Bá cần, – “phân tháp là một biện pháp gây nhiều thiệt hại và đau khổ nhất cho đồng bào Công giáo lúc bấy giờ” [11, tr.20]. Đồng thời, Đức Cha Gauthier (Ngô Gia Hậu) đem Nguyễn Trường Tộ sang Pháp [24, tr.l80], sang Roma để yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô IX (1792-1878) [11, tr.20]. Đàng khác, Giám mục Tông Tòa Xã Đoài còn tạo điều kiện cho Nguyễn Trường Tộ ở lại Pháp từ năm 1858 đến 1861 để học tập, nâng cao kiến thức. Nhờ đó, ông hiểu biết nhiều về khoa học, kỹ thuật, kiến trúc, khai mỏ, chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao và pháp luật, v.v. Không thể phủ nhận rằng, Nguyễn Trường Tộ là một trong số ít người Việt Nam thời đó, có vốn kiến thức tổng hợp về các tổ chức xã hội châu Âu dựa trên ưu thế phát triển khoa học và kỹ thuật.

Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ trở về Việt Nam, khi cập bến Sài Gòn, ông đã nhận thấy tỉnh thành Gia Định bị quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha chiếm đóng. Nhưng ông muốn góp phần vào việc hòa đàm với Pháp, “chủ trương cải cách theo Tây phương là để làm cho dân giàu nước mạnh, rồi tìm cách thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Pháp” [11, tr.81]. Vì thế mà ông đã chấp nhận phiên dịch các công hàm trao đổi giữa triều đình Huế với các Đô đốc Pháp. Thực ra, Nguyễn Trường Tộ không chỉ làm phiên dịch viên cho Pháp mà ông đã cùng với Giám mục Tông Tòa xã Đoài Vinh, được vua Tự Đức phái sang Pháp năm 1867 để “thu thập các điều cần thiết cho việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp của vương quốc Annam” [11, tr.50]. Đây chính là thời gian mà Nguyễn Trường Tộ dành tất cả tâm huyết để xây dựng đất nước với hàng loạt bài viết điều trần để gửi đến triều đình Huế, từ Tế cấp luận, Giáo môn luận đến Thiên hạ phân hợp đại thế luận, nhằm yêu cầu nhà vua canh tân đất nước. Một trong những kiến nghị mang biểu tượng văn hóa được gửi đến triều đình với mục đích cải cách giáo dục nhằm nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật là sửa đổi chế độ thi cử và thành lập các môn học thực dụng [11], nhất là sử dụng “chữ Hán quốc âm”. Nguyễn Trường Tộ không đề nghị trực tiếp triều đình Huế đưa chữ quốc ngữ vào chương trình giảng dạy, nhưng nhà bác học Công giáo này hiểu rõ chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latinh thời đó bắt đầu thịnh hành và đã được phổ biến ưong các trường Công giáo như một ngôn ngữ dạy giáo lý nói riêng và được các nhà dân tộc chủ nghĩa ủng hộ. Có lẽ nhà trí thức Công giáo mang tên “Trạng Tộ” muốn phổ biến quốc âm hơn là phổ biến ý thức hệ (giáo dục đạo đức Nho giáo) mà các trí thức Việt Nam bắt đầu tranh đấu, để có một ngôn ngữ quốc gia độc lập với Trung Quốc (Hán tự) và độc lập với Pháp (tiếng Pháp) trong tương lai [17, tr.103]. Có lẽ đây chính là ý tưởng mà Nguyễn Trường Tộ yêu cầu nhà vua sử dụng quốc âm trong hệ thống hành chính và giảng dạy, theo như nhận định của nhà nghiên cứu văn học Công giáo: nếu như Charles Fourniau nói về “Một hạng người điển hình lịch sử chống đối cuộc chinh phục thực dân: nhà nho và ẩn nho đã tham gia các phong trào Cần vương và Văn thân và nhận xét người Kitô hữu thử thời đứng ra ngoài quốc gia”[31], thì Võ Long Tê không đồng ý với quan điểm này của Fourniau, vì theo ông, vị nho sĩ Công giáo Nguyễn Trường Tộ đã đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng đất nước qua 58 bản điều trần được gửi đến triều đình Huế từ năm 1861 -1871.

Nếu Nguyễn Trưòng Tộ thuộc thế hệ cuối thế kỷ XIX đã yêu cầu triều đình Huế dùng quốc âm trong việc sử dụng các giấy tờ hành chính và giáo dục thì Paulus Huỳnh Tịnh Của, một nhà văn học Công giáo và nhà ngôn ngữ học đầu thế kỷ XX, đã đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu và xuất bản 17 tác phẩm để truyền bá chữ quốc ngữ. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất là cuốn tự điển tiếng Việt Đại Nam Quốc âm Tự vị [ 13], xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1895 và 1896, là quyển Tự vị tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, do người Việt Nam biên soạn [24, tr.184]. Như vậy, các nhà trí thức Công giáo không chỉ nghiên cứu từ điển chữ quốc ngữ, mà còn phát hành và phổ biến chữ viết trong nền báo chí Quốc ngữ Việt Nam, mang tên là Gia Định báo, ngay từ năm 1865 [32, tr.74]. Tổng biên tập Gia Định báo ban đầu là Trương Vĩnh Ký và sau một thời gian là Huỳnh Tịnh Của. Không thể phủ nhận Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, được phát hành bất đầu từ năm 1865 đến năm 1910, nhằm phổ biến thông tin cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Nếu Gia Định báo ra đời cuối thế kỷ XIX nhờ những đóng góp rất lớn của nhà văn Công giáo Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký thì đầu thế kỷ XX, báo chí Công giáo Việt Nam đóng vai trò quan trọng, hầu như trong 40 đề tài thì có 20 thuộc về các chủ đề Công giáo. Như vậy, Gia Định báo mở đầu cho hàng loạt báo Công giáo ra đời từ năm 1908 đến 1945: Trung hòa Nhật báo, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mân Côi (Nam Định), Đa Minh bán nguyệt san (Bùi Chu), Tư tế (Sacerdos – indochinois) (Vinh), Công giáo Nam Thanh (Nam Thanh) và tái xuất hiện báo Thanh niên, Vì Chúa (Cửa Tùng) và Nam Kỳ địa phận (Sài Gòn) [33,tr.l29]. Một trong những học giả Công giáo Việt Nam đã tích cực đóng góp cho nền báo chí Công giáo giữa thế kỷ XX mang bút hiệu Đ. Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục thứ hai người Annam, và là Giám mục TôngTòa Việt Nam đầu tiên của Giáo phận Bùi Chu năm 1935

Tiến trình quốc ngữ được trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam đầu thế kỷ XX không chỉ có sự đóng góp tích cực của Đạo Công giáo, các trí thức Công giáo và các nhà dân tộc yêu nước như Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu mà còn nhờ sự ủng hộ của chính quyền thuộc địa Pháp. Ngay từ năm 1906, chính phủ Bảo hộ Pháp tại Việt Nam đã bắt đầu mở hai hệ thống trường học: “trường Hán học có cải tổ đôi chút để hệ thống hóa chữ quốc ngữ năm 1906” [23]. Nhưng trường Hán học chỉ duy trì tạm thời để dần thay thế bằng trường Pháp – Việt trên cả nước kể từ 1912. Phải chờ tới 1917 mới đánh đấu lịch sử chấm dứt hệ thống giáo dục Nho giáo cảa các trường quan lại (École des mandarins) và thành lập hệ thống giảng dạy Pháp – Việt do Albert Sarraut chủ trương (ngày 21-12-1917). Sau một năm bãi bỏ chế độ giáo dục Nho giáo thì hệ thống giáo dục Pháp tại Việt Nam mới có hiệu lực chính thức (1918). Tuy vậy, quy luật chung về chương trình giáo dục theo hệ thống các trường học của Pháp tại Việt Nam chỉ áp dụng trong thực tế năm 1919: sơ học, tiểu học, trung học và trường dạy nghề. Đây cũng là thời kỳ thuận tiện cho chương trình giảng dạy Pháp tại Việt Nam, mặc dù sự phát triển giáo dục vẫn chưa đồng đều, nhất là các vùng miền núi không có trường học, riêng tỉnh Sơn La mãi đến 1917 mới có 1 trường sơ học. Tuy thế, chữ quốc ngữ cũng được phát triển song song với chính sách cải cách giáo dục Pháp – Việt năm 1917. Phải đợi tới năm 1924 chữ tiếng Việt mới được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức từ sơ cấp đến cấp 1 và phải đợi tới năm 1927 mới áp dụng cho trung học [16, tr.36]. Như vậy, nỗ lực vận động, phái triển chữ quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, Quỳnh Tịnh Của và Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã gây áp lực một phần nào cho Toàn quyền Đông Dương, sớm đưa chương trình giảng dạy tiếng Việt chính thức từ cấp 1 đến trung học tại Việt Nam đầu thế kỷ XX [16, tr.36]. Không thể phủ nhận rằng, sự cổ võ phát triển quốc ngữ của các nhà trí thức Công giáo Việt Nam qua hệ thống báo chí và giáo dục tại trường học đã hợp thức hóa từ một ngôn ngữ dạy giáo lý thế kỷ XVII trở thành chữ viết chính thức quốc gia đầu thế kỷ XX.

Nếu nhà bác học Công giáo cuối thế kỷ XIX mang bút danh Petrus Trương Vĩnh Ký đã cống hiến hơn 100 tác phẩm đủ loại, bằng tiếng Hán Nôm, Latinh -Việt, Pháp – Việt, thì Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, một học giả Công giáo đầu thế kỷ XX đã tiếp sức cho nền giáo dục Việt Nam hiện đại bằng chữ Quốc ngữ, Hán – Latinh – Pháp qua 100 tác phẩm và 250 bài báo đủ loại: Thần học, mục vụ, giáo dục, văn hóa và thơ ca. Một trong những điểm tương đồng về văn học của Trương Vĩnh Ký và Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn được thể hiện trong một số tác phẩm:

Trương Vĩnh Ký (1837-1898)

Hồ Ngọc Cẩn (1876 -1948)

Nhan đề

Nơi và năm xuất bản

Nhan đề

Nơi và năm xuất bản

Mẹo luật dậy học tiếng Pha-lang-sa

Sài Gòn. Bản in Nhà nước, 1867

Mẹo tiếng Latinh

Hồng Kông, 1918

Cours pratique de langue annamite

Sài Gòn. Nhà in Impériale, 1868

Văn uyển”,
Nam Kỳ địa phận

N° 776, 31 janvier 1924

Abrégé de grammaire annamite

Sài Gòn. Nhà in Impériale, 1867

Ấu học ngữ pháp

Hồng Kông, 1918

Cours d’histoire annamite

Sài Gòn. Bản in Nhà nước 1875

Vấn đề Giáo dục”, Sarcerdos Indosinensis

Tháng 3-1934

Poème Kim Vân Kiều truyện

Sài Gòn. Bản in Nhà nước, 1875

Tán Mỹ khúc ca

Qui Nhơn, 1923

Dictionnaire français- annamite

Sài Gòn. Bản in Nhà nước, 1878

Mẹo tiếng Pháp

Hồng Kông, 1914

Grammaire de la langue annamite

Sài Gòn. Nhà in Guilland et Maitinon, 1883

Sách mẹo tiếng Annam

Hanoï – Trung Hòa, 1933

Học trò khó phú

Sài Gòn. Nhà in Guilland et Maitinon, 1883

Học sư bất như học chữ”, Nam Kỳ địa phận

N° 200,31 Octobre, 1912

Phép lịch-sựAnnam

Saì Gòn. Nhà in Guilland et Maitinon, 1883

Văn chương Annam

Hồng Kông, 1933

Petit dictionnaire français-annamite

Sài Gòn. Impr. de la Mission, 1884

Ấu học ngữ pháp

Hồng Kông, 1918

Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca (Dịch và chuyển quốc ngữ)

Sài Gòn. Impr. C. Guilland et Martinon, 1884

Ngạn ngữ kinh thư

Hồng Kông, 1915

Huấn mông khúc ca (Sách dạy trẻ nhỏ học chữ Nho)

Sài Gòn. Impr. de la Mission, 1884

Hán tự liệt ca và Hán tự qui giản

Hồng Kông, 1920

Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs

Saigon. Impr. coloniale, 1885

“Chúc mầng Nam Kỳ địa phận”, Nam Kỳ địa phận

N° 930, ngày 10- 2-1927

Kim Vân Kiều truyện

Sài Gòn. Impr. A. Bock, 1889

Triết nhân trí kỷ

Hồng Kông, 1917

Poèmes populaires annamites

Sài Gòn. Impr. A. Bock, 1889

Văn chương thi phú Annam

Hồng Kông, 191

Petit dictionnaire français-annamite

Sài Gòn. Impr. de l’union, 1920-1924

Pháp tự khúc ca

Qui Nhơn, 1922

Abrégé de grammaire annamite

Sài Gòn. Impr. de 1’union, 1924

Bài luận quốc ngữ

Qui Nhơn, 1923-1924

Tuy một số nhan đề và nội dung tư tưởng của Trương Vĩnh Ký và Giám mục Hồ Ngọc Cẩn có sự tương đồng, nhưng cũng có rất nhiều khác nhau, với lý do tiến hành ủng hộ sự phát triển chữ quốc ngữ trong chương trình giảng dạy tại trường học và báo chí ngay từ đầu thế kỷ XX. Vì thế, hầu hết các tác phẩm của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn được viết bằng chữ tiếng Việt, chỉ trừ một số từ điển và một số tạp chí của Ngài trong báo Sacerdos-Indochinois (Tư tế) được viết bằng ba thứ tiếng: Latinh và Việt, Pháp. Trong khi đó, các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký hầu hết viết dưới dạng dịch thuật hai ngôn ngữ: Việt – Pháp; Hán – Việt và Latinh – Việt.

Nếu tác phẩm văn học Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của thuộc thế kỷ XIX thiên về văn hóa hơn là về niềm tín Kitô giáo thì văn học của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đầu thế kỷ XX mang đậm nét giáo dục niềm tin Công giáo. Thực sự, cả ba học giả Công giáo Việt Nam thuộc thế kỷ XIX, dưới thời Pháp thuộc địa, không đặt nặng tín điều giáo lý, vì có lẽ giáo lý và Đạo Công giáo dưới thời Minh Mạng (1791- 1841), Tự Đức (1829-1883) bị cấm đoán. Trong khi đó, Đạo Công giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng nền văn hóa “thế tục ” Pháp qua “những bất lợi về việc ban hành bộ luật ở Đông Dương ngày 1 tháng 7 năm 1901 về hiệp hội và ngày 7 tháng 7 năm 1904 về việc xóa bỏ hệ thống giáo dục của các Dòng Tu Công giáo” [26]. Do đó, Giáo Hội Việt Nam cũng phải chịu đựng hầu giống như Giáo Hội Pháp từ năm 1904 đến 1923. Phải đợi tới năm 1924, khi Tổng Thống Alexandre Millerand mới hậu thuẫn cho việc giảng dạy Công giáo tại các trường tư Công giáo và được áp dụng tại Đông Dương ngày 18-9-1924 [27], Đây là thời kỳ thuận lợi cho các trường Công Giáo phát triển từ cấp tiểu học (từ 1924) và đến cấp Trung học (từ 1927). Từ đó trở đi, Đạo Công Giáo được tự do mở trường và các dòng Tu được thi hành giảng dạy tại nhà trường, nhưng dưới sự giám sát chương trình đào tạo của Chính phủ Đông Dương. Dù sao chăng nữa, thời kỳ này đánh dấu lịch sử phát triển Đạo Công Giáo Việt Nam, không chỉ về đời sống tâm linh mà còn về đời sống trí tuệ.

3. Văn học Công giáo thế kỷ XX qua các tạp chí văn học của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn

Mặc dù tên tuổi nhà văn Hồ Ngọc Cẩn ngày nay vẫn chưa được nhiều người biết đến nhưng vị Giám mục người Việt Nam thứ hai đã để lại cho hậu thế một kho tàng văn học vô giá, qua phương pháp dạy cách làm thi phú, dạy cách làm thơ ngũ ngôn và dạy cách làm văn tế. Để tiếp cận với văn học của Hồ Ngọc Cẩn, chúng ta sẽ phân tích từng thể loại văn mang bút hiệu “Đ. Hồ Ngọc Cẩn” trong Nam Kỳ địa phận, số 234, 136, 238, 246, 253, 256, 262, 263 phát hành năm 1913; số 268, 269, 278-284, 290, 292 phát hành năm 1914 và số 302, 307, 318, 321 phát hành năm 1915. Trước tiên, sẽ tìm hiểu những loại thơ văn nào của Đ. Hồ Ngọc Cẩn dưới lăng kính của hai nền văn hóa Á – Âu nửa đầu thế kỷ XX.

3.1. Văn Vè với bút hiệu Đ. Hồ Ngọc Cẩn

Đ. Hồ Ngọc Cẩn không những đã dạy cách làm câu đối, văn vè, văn tế và thi phú mà còn sáng tác đủ loại văn thơ, từ kịch tuồng Bảy mối tội đến cách làm văn sách. Một trong những loại văn phổ biến khá nhiều trong các tạp chí mang bút hiệu họ Hồ với thể loại văn học dân gian Việt Nam, hay còn gọi là “Văn vè”. Từ điển Đại Nam quốc âm tự vị định nghĩa Văn vè thuộc loại chuyện khen, chê, có văn vần theo kiểu câu bốn chữ, năm chữ, lục bát, và riêng Đ. Hồ Ngọc Cẩn còn dùng vần cho cả văn thất ngôn.

Một trong những bài thơ bốn chữ được Đ. Hồ Ngọc Cẩn khen ngợi một Linh mục bạn, sống trong hoàn cảnh cha mẹ và anh em mất sớm nhưng vẫn giữ được truyền thống người Công giáo đạo đức tại làng Bình Định. Mặc dù những ngày đào tạo Linh mục tại Pi-năng ở Mã Lai với một ngôn ngữ khác nhưng Linh mục Đặng Đức Tuấn vẫn say mê văn học:

Quê tôi Bình Định,

Làng Chính Qui Hòa;

Giữ đạo toàn gia,

Mẹ Cha đã mất,

Còn thật mình tôi,

Anh em chết rồi,

Chẳng còn ai cả,

Đang thì thong thà,

Tôi đã học văn,

Sau qua Pinăng, v.v.

Như vậy, loại thơ bốn chữ này của Đ. Hồ Ngọc Cẩn mang màu sắc vè đối đáp, vừa pha lẫn vần trắc và vần bình. Vè đối đáp bốn chữ còn được Ngài sử dụng thường xuyên trong những dịp lễ tạ ơn để chúc mừng như Bài mầng lễ bác Cha J.B. Học [5, tr.29-30], v.v. Phần lớn các thơ ca, Ngài sử dụng hình thức lục bát và thất ngôn. Có lẽ thơ lục bát rất được thịnh hành trong truyền thống dân tộc Việt Nam nên Đ. Hồ Ngọc cẩn đã xuất khẩu thành thơ trong thể loại vần lục bát:

Ơn Cha như núi Thái Sơn,

Công mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Con vô phúc cực lòng ai?

Cực lòng cha mẹ cả hai đã đành:

Phận con cũng phải ô danh,

Rằng con bội nghĩa, rằng anh bạc tình.

[9, tr. 329-331]

Đ. Hồ Ngọc Cẩn dùng bài ca này để giáo dục lòng hiếu thảo của người con đối công ơn sinh thành và dưỡng dục của Cha Mẹ. Chữ “Hiếu” cũng có thể dịch là lễ, mà lễ hiếu chính là nền tảng đạo đức Nho Giáo tại Việt Nam: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Có lẽ Đ. Hồ Ngọc Cẩn dùng văn thơ để diễn tả sự hài hòa giữa Nho giáo và Đạo Công giáo trong việc thực hành điều răn thứ 4, Lề luật của Thiên Chúa. Mặt khác, phương pháp giáo dục này của Đ. Hồ Ngọc Cẩn rất gần gũi với tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Piô XI (1857-1939) về quan điểm đạo đức gia đình và bổn phận của con cái với cha mẹ [17, tr.59]. Như vậy, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã dùng phương tiện báo chí để giáo dục đạo đức Á – Âu. Hơn thế nữa, Ngài mời gọi người Kitô hữu sống đức mến đối với Thiên Chúa và với thân nhân:

Sống lành Chúa mến người yêu,

Chết rồi lại đặng nhiều điều thơm danh;

Nhiều gương xưa tỏ đành rành,

Đời nay còn có người lành treo gương;

Muốn cho Chúa chuộng người thương,

Hãy chăm thờ Chúa, đạo thường bả tâm;

Với Cha Mẹ vẹn tình thâm,

Lòng ghi chữ hiếu, tay cầm chữ trung;

Với anh em dạ phục tùng.

Với người thiên hạ lòng cùng chung yêu;

Phận mình trăm nết đừng xiêu,

Cách ăn thói ở mỗi điều mỗi hay ;

Sống như vầy khá vui thay,

Chết rồi lại đặng muôn ngày hỉ hoan.

[8, tr.69-71]

Bài thơ này ra đời năm 1924, khi đó Giám mục Cẩn còn là Giáo sư tiểu chủng viện trường An Ninh – Huế, nên có lẽ Ngài suy gẫm về đức ái, đức khiêm nhường và đức phục tùng. Qua đó, Ngài mời gọi người Kitô giáo sống đức khiêm nhường, theo gương Đấng chịu đóng đinh trên Thập Giá. Đồng thời, Ngài kêu gọi các tín hữu sống chữ hiếu với cha mẹ và trung thành với Đạo Thánh Chúa. Chúng ta có thể hiểu, đây chính là một loại văn thơ, dạy người Kitô giáo thực hành các nhân đức đối thần: Đức tin, đức cậy và đức mến.

Chúng ta không biết văn thất ngôn có từ bao giờ trong lịch sử Việt Nam, nhưng nhà văn Công giáo Hồ Ngọc Cẩn đã dùng thể thơ này ngay từ đầu thế kỷ XX nhằm giáo dục niềm tin Ki tô giáo:

Kính thờ Chúa ngự trên Thiên quốc,

Hằng quản hay mọi bậc mọi loài.

Xin giúp tôi ở chốn trần ai.

Đặng nhờ phước thường ngày thường bữa,

Lượng Chúa bao dương xin bào chữa.

Phận tôi yếu đuối ngửa trông nhờ.

Sống đời vui một dạ kính thờ.

Lìa thế đặng ngà thu xem tỏ…

Nếu nội dung thơ thất ngôn của Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn mang đậm nét giáo dục đạo đức Kitô giáo theo kiểu Tây phương thì thơ ca của Ngài được sáng tác theo kiểu thi phú truyền thống Việi Nam và vần thơ được phổ theo cung vần Hán Nôm. Như vậy, văn học của Giám mục Hồ Ngọc Cẩn khác hẳn với những loại văn học khác của các trí thức Công giáo Việt Nam thế kỷ XIX.

3.2. Văn uyển trong văn thơ Đ. Hồ Ngọc Cẩn

Đối với Đ. Hồ Ngọc Cẩn, văn uyển thì đọc xuôi cũng được mà đọc ngược cũng xong, bài văn uyển được đăng trên báo Nam Kỳ địa phận năm 1924:

Đọc xuôi:

Ào ào trận nổi gió tây đông,

Vận khí vừa nay giáp hội rồng.

Cao điện chốn đều thay ngói cữ.

Sất cầu nới lại uốn lưng cong.

Xao sông nước đổ bay đò nặng,

Bán chợ người về khóc gánh không.

Hao hại buổi trời theo chịu thế

Nào hay có gốc ấy sinh bông.

Đọc ngược dưới lên trên:

Bông sinh gốc ấy có hay nào?

Thế chịu theo trời buổi hại hao.

Không gánh khóc về người chợ bán,

Nặng đò bay đổ nước sông xao.

Cong lưng uốn lại nới cầu sất,

Cư ngói thay đều chốn điện cao.

Rồng hội giáp nay vừa khí vận,

Đông tây gió nổi trận ào ào [6, tr.78-79].

Bài thơ này diễn tả cái cầu mang danh hiệu Đức vua Thành Thái bị cơn gió bão cuốn trôi đi, đồng thời diễn tả cảnh người dân phải đối diện với thiên nhiên bão tố. Có thể nói rằng Giám mục Hồ Ngọc Cẩn không những xuất khẩu thành thơ mà còn mang đủ loại màu sắc thơ ca, trong đó có thơ văn tế.

3.3. Văn tế trong thơ ca Đ. Hồ Ngọc Cẩn

Tác giả bài viết khá ngạc nhiên khi tiếp xúc với thể loại văn tế của Giám mục Cẩn. Dù sao chăng nữa thì đây là thể loại dân gian Việt Nam, biểu hiện lòng thương tiếc với  người quá cố đã để lại tính nết, công đức, sự nghiệp và kỷ niệm trong lòng người thân, đồng thời diễn tả lòng ngưỡng mộ và thương tiếc của người sống đối với người chết. Không thể chối cãi rằng, văn tế là loại văn thường được dùng để tế lễ không những người sống mà còn lễ tế người chết theo truyền thống Việt Nam. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn phổ biến khá nhiều bài văn tế trong các dịp lễ tang của các cha cố, nhưng một trong những bài văn tế mà ngài biểu lộ lòng thương tiếc và tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người học trò trường Pellerin:

Nhớ anh xưa

Tánh nết hiền lành,

Nói phô từ tốn ….

Tưởng là: Con trời hơi gió,

Sự ốm đau ai tránh khỏi vòng

Ai ngờ: Vạ gởi tay bay,

Đò sinh từ anh đà đến bến!…

Chết như anh: Trước nhờ ơn Chúa

Sau đội công thầy,

Giấc ngủ ngàn thu…

Chắc là: Đấng thiêng liêng phúc thiện họa nhâm,

Bụi trần ai xưa nay quết sạch,

Người Tạo vật thưởng nhơn phạt tội,

Cỡi thiên đàng thong thả xa chơi.

[7, tr. 42-45]…

Nếu văn tế của nhà chủ nghĩa dân tộc yêu nước Phan Bội Châu dành cho sự ra đi của Phan Châu Trinh năm 1926 diễn tả cảnh buồn sầu ảm đạm, thì văn tế của nhà văn Công giáo Hồ Ngọc Cẩn lại bật lên một tia hy vọng từ trong cái chết. Vì đối với vai trò Thầy dạy đức tin thì Giám mục Hồ Ngọc Cẩn tin vào lòng thương xót của Thiện Chúa sẽ đón nhận người học trò trường Pellerin vào hưởng nhan thánh Chúa muôn đời.

4. Kết luận

Qua các nguồn tài liệu lịch sử trên, có thể nhận định rằng: Tiếng Việt mà các nhà truyền giáo khởi xướng đã trở thành ngôn ngữ quốc gia đầu thế kỷ XX. Nếu chữ quốc ngữ được sử dụng như một phương tiện truyền Đạo Kitô thì Đạo này cũng giúp con người biết tôn thờ Thượng đế, sống văn minh tình thương và xây dựng đất nước từ tinh thần đến trí tuệ. Mặc dù Đạo Công giáo phải chịu đựng từ “đồng lõa” với thực dân Pháp từ năm 1945 tới nay chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận công lao của Đạo Công giáo đã đóng góp vào tiến trình phát triển “bản sắc văn hóa dân tộc” từ bốn ngàn năm qua và văn học Công giáo đã góp phần làm nên lịch sử văn hóa Á – Âu tại Việt Nam.

Tiểu luận Văn học và Đạo Công Giáo đã góp phần xây dựng lịch sử và xã hội Việt Nam trong niềm tin như thế nào sẽ tạm đóng lại, mặc dù các thơ ca văn học mang bút hiệu Hồ Ngọc Cẩn vẫn chưa được khai thác hết. Tuy bài viết này chỉ miêu tả được một phần đóng góp to lớn của Giáo hội Công giáo đối với đất nước Việt Nam, từ sáng tạo chữ quốc ngữ đến phổ biến các thể loại văn thơ, nhưng qua đây, chúng ta cũng nhìn nhận rằng: văn học Công giáo không có gì trái với triết học, hay nói cách khác, nhà văn Công giáo, được lãnh nhận một sứ vụ tiên tri trong lĩnh vực trí tuệ, mà các trí thức Công giáo Việt Nam đã dấn thân đóng góp cho sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ, văn học và báo chí Công giáo. Không thể phủ nhận nửa đầu thế kỷ XX là thời kỳ Đạo Công giáo thịnh vượng nhất trong lịch sử Việt Nam, không những về phương tiện báo chí, in ấn và văn học đủ loại, mà Đạo Công giáo còn góp phần phát triển đất nước qua hệ thống giao dục từ cấp I đến cấp II, từ tỉnh thành đến các địa phận vùng quê cho tới năm 1945. vấn đề ngày nay thiếu vắng các học giả Công giáo và văn học Công giáo Việt Nam, khiến chúng ta phải suy nghĩ: Làm thế nào để các trí thức Công giáo ngày nay đóng góp cho Đất nước những công trình văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, báo chí và văn học hiện đại hơn?

————–

Tài liệu tham khảo

[1]     Đào Duy Anh (1944), Bulletin dé Amis du Vieux Hue, số 4-6.

[2]     Anonyme, Dòng tên (2018): https://dongten.net/2018/02/09/cha-dac-lo-va-chu-quoc-ngu-l/. Truy cập ngày 05/12/2019.

13] de Rhodes, Alexandre (1651), Dictionarium Annamiticum Lusitannm et Latinum, Roma.

[4] de Rhodes, Alexandre (1651), Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chiụ phép rứa tọi, ma vào đạo thánh đức Chúa “blời ” (La tinh: Cathechismvs pro ijs, qui volunt suscipere baptismvm in octo dies diuisus), Roma.

[5] Hồ Ngọc Cẩn (1923), Nam Kỳ địa phận, Sài Gòn, số 722.

[6] Hồ Ngọc Cẩn (1924), Nam Kỳ địa phận, Sài Gòn, số 776.

[7] Hồ Ngọc Cẩn (1924), Nam Kỳ địa phận, Sài Gòn, số 774.

[8] Hồ Ngọc Cẩn (1925), Nam Kỳ địa phận, Sài Gòn, số 827.

[9] Hồ Ngọc Cẩn (1927), Nam Kỳ địa phận, Sài Gòn, số 946.

[10] Hồ Ngọc Cẩn (1919), Nam Kỳ địa phận, Sài Gòn, số 518.

[11] Trương Bá cần (1991), Nguyễn Trường Tộ – Con người ( 1830-1871 ), Tập 1, Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm Xb, TP Hồ Chí Minh.

[12] Đỗ Quang Chính (2008), Lịch sử chữ Quốc Ngữ (1621 – 1659), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

[13] Huỳnh Tịnh Của (1896), Dictionnaire annamite, Nam Quấc Âm Tự vị. Nxb de Rey. Curiol eí Cie, Sài Gòn.

[14] Trần Anh Dũng (2001), Hội Đồng Giám Mục (1980-2000), Đắc Lộ Tùng Thư phát hành. Paris.

[15] Boudarel, Georges (1969), Bibliographie des œuvres relatives à Phan Bôi Châu. éditées en quôc ngư à Hanoi depuis 1905. Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, N°56.

[16]   Maria Lê Thị Hoa (2019), Học giả Văn hóa và Thầy dạy Đức tin, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (1876- 1948). Nxb Tri Thức, Hà Nội.

[17]   Marie Lê Thi Hoa (2018), L’enseignement catholique aux prises avec les mtaarions de la société et de l’Église au Vietnam de 1930 à 1990, Thèse de doctorat d’Epistémologie a histoire des sciences, Université Sorbonne Paris Cité. Préparée à Université Paris Diderot.

[18] Đào Văn Hội ( 1991 ). Ba nhà chí sĩ họ Phan: Phan Đình Phùng, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, San Jose, California.

[19]   Munoz, Honorio (1967), “Missioneros Dominicos en Vietnam” in Convenlo de Samo Domigo, Filipinas (Văn khố dòng Đa Minh Phi Luật Tân).

[20]   N.H.H (1943), Bulletin des anciens élèves de l’Ecole supérieure d’éducation physique de l’Indochine, N°10.

[21]   Bouchot. Jean (1927), J. Pétrus J.B. Truong Vinh Ky, Erudit cochinchinois, Saigon, Nguven van Cua.

[221 Taberd. Jean-Louis (1838), Dictionarium Anamitico Larinum. Xuất bản lần đầu lại nhà in của J. Marshnam, Serampore Ấn Độ.

[23]   Cadière, Léopld (1907), Réforme du Quốc Ngữ, INDO GGI51225.

[24]   Trần Thị Liên (2017), “Les catholiques vietnamiens et le mouvement moderniste: quelques éléments de réflexion sur la question de modernité fin XlXè – début XXè siècle” in Vietnam le moment moderniste (Le temps de l’histoire), sous la direction de Gilles de Gantés et Nguyen Phuong Ngoc, Presses universitaires de Provence.

[25] Đinh Kiều Nga (2019), Ảnh hưởng của Công giáo với nền văn hóa Việt Nam, Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ: http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/ News/38/0/240/0/317l/Anh_huong_cua_Cong_giao_voi_nen_van_hoa_Viet_Nam. Truy cập ngày 03/12/2019.

[26]   Beau, Paul (1905), Văn khố Archives d’Outre Mer INDO GGI15795 N° 2.148.

[27]   Gendeau, Pierre (ĐC) (1927), INDO GGI 51569: Missions Catholiques du Tonkin, N° 1/34.

[28]   Hoàng Sĩ Quí (1967), Khố Dòng Tên tại Paris; VOL. FVi 6.

[29]   Vĩnh Sinh (2017), “Phan Châu Trinh (1872- 1926) et sa conception de la modernisation du Vietnam”, in Vietnam le moment moderniste (Le temps de l’histoire), sous la direction de Gilles de Gantes et Nguyen Phuong Ngoc, Presses universitaires de Provence.

[30] Vĩnh Sinh (1988), “Phan Bội Châu an The Đông-Du Mouvement”, The Lạc – Việt sériés N°8. Yale Southeasi Asia Studies, Center Amass/ Boston.

[31]   Nguyễn Q. Thắng (2008), Văn học Việt Nam nơi miền Đất mới, Tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội.

[32]   Tôn Thất Nguyên Khach Thiêm (1987), Direction culturelle idéologique et transition sociale, Esai sur le rôle dé médias imprimés dans les luttes hégémoniques au Vietnam 1860-1987, Université libre de Bruxelles.

[33]   Nguyễn Thanh Xuân (2012), Les religions Vietnamien, Edition Thế giới, Hà Nội.

[1] Tiến sĩ Triết học và Khoa học Lịch sử đương đại, Nhà nghiên cứu Công giáo Á Châu tại L’IFRAE, CNRS, Đại học Paris và Innalco (Pháp). Email: jeanhoa@ gmail.com

Comments are closed.