VÀI NÉT VỀ THẦN HỌC PHỤC VỤ CỦA THÁNH AUGUSTINÔ

VÀI NÉT VỀ THẦN HỌC PHỤC VỤ CỦA THÁNH AUGUSTINÔ

          Thánh Augustinô – con người mang trên mình biết bao những thăng trầm của cuộc sống nhưng không khi nào và không gì có thể dừng được trong ngài nỗi khắc khoải tìm kiếm chân lý. Cuối cùng, ánh sáng chân lý là chính Chúa đã chiếu dọi vào tâm hồn và dẫn đưa ngài về nẻo chính, trở thành một kitô hữu, và rồi là một linh mục vào năm 391. Bước ngoặc này đã thay đổi đời sống và lối suy tư của ngài theo hướng mà chúng ta có thể gọi là “THẦN HỌC CỦA SỰ PHỤC VỤ”. Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI trong dịp viếng thăm thành phố Pavia để tôn kính vị giám mục Ippona đã nói về sự hoán cải của Augustinô để đi đến sự phục vụ Giáo Hội. Trong bài viết được đặt tựa đề: “Giáo Hội trong lòng thương xót của thánh Augustinô” cho thấy chiều sâu biến đổi đã dẫn tới cuộc trở lại của Augustinô và rồi Giáo Hội được đặt vào trung tâm lòng thương xót của ngài. Đức Giáo Hoàng viết:

          “Khi thánh Augustinô chọn lựa giếng rửa tội vào đêm lễ Phục Sinh năm 387, người ta không thể nói chắc chắn về một lòng thương xót của Giáo Hội. Khi Ngài nhắm mắt vào ngày 28/08/430, ngài đã có sau mình một cuộc sống giàu có trong sự phục vụ Giáo Hội – một sự phục vụ mà ngài đã nhận lấy chống lại ước vọng, và ngài đã luôn tiếp tục giữa những tiếng thở dài, nhưng ngài đã đương đầu với tất cả bằng sự hiến dâng chính thân mình, kết quả là: ngài thực sự trở nên một con người của Giáo Hội tự trong cõi thâm sâu, tự trong chính lòng thương xót riêng của ngài.”[1]

          Đây là một nhận xét, một kết luận rất hoàn hảo. Thực tế chúng ta đã biết, trong những năm sau khi Augustinô lãnh nhận phép rửa, ngài trở về Tagaste là thành phố nơi ngài được sinh ra để sống cuộc đời ẩn dật với vài người bạn, chọn cách sống như các đan sĩ, dành trọn cuộc đời cho việc cầu nguyện, cho những suy tư triết học và học hỏi Thánh Kinh. Nhưng khi đón nhận ý Chúa và quyết định trở thành linh mục, quyết định này đã buộc ngài thay đổi cuộc sống và đón nhận sứ vụ mục tử, từ đó về sau ngài đã quảng đại hiến dâng tất cả con người cho sứ vụ này.

          Quả thật không ai không thể không đồng ý với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI khi ngài nhận xét về Augustinô. Một hành trình đưa Augustinô đi từ bên trong triết học Platon đến với tình yêu Đức Kitô, một bước nhảy từ sự sùng mộ triết học chuyển hướng lên cao để chiêm ngắm Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã đi xuống để gặp gỡ con người. Augustinô đã được biến đổi, đã hoán cải trọn vẹn ngay từ trong khu vườn nhỏ ở Milanô, ngài đã lắng nghe lời mời gọi của thánh Phaolô để trở về với Đức Kitô[2]. Rồi khi trở về Cassiciaco, ngài đã cầu nguyện và khóc vì các tội lỗi của mình, ngâm và hát các thánh vịnh, các thánh thi theo giai điệu ambrôsiô[3]. Bị quyến rũ bởi các bản văn về kinh nghiệm đời sống đan tu ở Ai Cập và ở tây phương, ngài đã đi đến quyết định hiến dâng trọn vẹn cho Chúa và chỉ phục vụ một mình Chúa[4], từ bỏ đời sống gia đình và mọi công việc thế gian. Còn trong suy tư triết học, ngài hướng trọn cả trí lòng về “để phục vụ Thiên Chúa”[5]. Quả thật, chúng ta có nhận thấy rất rõ và đi đến kết luận về một sự chuyển hướng đặc biệt này của thánh Augustinô, hành trình đi từ trong triết học Platon đến với tình yêu của Đức Kitô.

          Khi nghiên cứu các tác phẩm đối thoại của thánh Augustinô, chúng ta dễ dàng nhận thấy từ ngữ văn chương (Hortensius) của Cicero và sự khôn ngoan cổ. Khi trở về với Đức Kitô, với Sự Thật và sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Augustinô đã quyết định toàn tâm tìm kiếm sự Khôn Ngoan trong niềm xác tín rằng nơi đó có sự sống hạnh phúc. Đây cũng là ý tưởng tuyệt đối mà các triết gia thời cổ thao thức và quan niệm theo những cách khác nhau. Ý tưởng đó giờ đây đã sáng tỏ, Augustinô đã tìm hiểu và xác tín vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào niềm tin Kitô với lòng thương xót và lòng thiện (pie perfecteque)[6], bám chắc vào quyền bính (auctoritas)[7] của Đức Kitô. Nhưng những ý tưởng của ngài khi đó vẫn còn rất cá nhân và duy lý. Sau khi vâng lời để trở thành linh mục, Augustinô đã tìm mọi cách để chống lại những đòi hỏi, chống lại quyết định của ngài về đời đan tu. Điều này chúng ta sẽ rõ khi nghe những lời nói chuyện trước các tín hữu vào khoảng cuối đời của ngài:

          “Tôi sợ chức giám mục không phải từ khi sự nổi tiếng của tôi bắt đầu để khẳng định chính mình giữa những người phục vụ của Chúa, tôi tránh đi đến những nơi mà tôi biết rằng giám mục trống tòa. Tôi đã cảnh giác trước sự việc này: tôi đã làm điều đó để tôi có thể tìm thấy ơn cứu độ ở trong một vị trí khiêm tốn, như thế tốt hơn là ở trong sự nguy hiểm tràn lan của một chức vụ cao. Nhưng như tôi đã nói, người tôi tớ không được nói trái ngược với ông chủ. Tôi đã đến thành phố này (Ippona) để gặp một người bạn, tôi nghĩ rằng có thể giành được Thiên Chúa để Ngài có thể sống với tôi trong đan viện. Tôi đã cảm thấy rõ, bởi vì từ nơi giám mục tôi đã nhận và đã làm linh mục. Như vậy qua bậc linh mục tôi đã tiến đến chức giám mục”.[8]

          Augustinô đã nói về lý do của sự cương quyết tránh chức linh mục và còn hơn thế nữa là tránh làm giám mục. Nhưng ngài đã nhận ra rằng không thể cố chấp mãi với sự hiến thánh riêng của ngài trong nơi ẩn dật và thinh lặng, trong một nơi nhỏ bé cùng nhóm bạn, không bận tâm đến nhu cầu của Giáo Hội.

          Ngài viết về lý do thúc đẩy ngài chuyển hướng ngược lại với ước vọng ban đầu:

          Bị sợ hãi bởi các tội và biết bao những khốn cùng của tôi, tôi đã suy nghĩ trong lòng và dự liệu cho một cuộc trốn chạy vào nơi vắng vẻ. Ngài (Chúa) đã cản trở tôi về điều đó, khuyên giải tôi với những lời lẽ này: “Đức Kitô đã chết vì tất cả, bởi vì những kẻ sống không còn sống vì chính họ nữa, nhưng vì Đấng đã chết vì họ”.[9]

          Vì vậy, mà sự biến đổi trước tiên đã đến vào năm 391: Augustinô đã trở thành một linh mục, chấm dứt những dòng suy tư mãi sống ẩn dật và thinh lặng. Giờ đây, ngài đã mở rộng cả con người mình để đón lấy việc phục vụ Giáo Hội như là sứ mạng của mình.

          Lá thư được viết cho giám mục Valeriô ít lâu trước lễ Phục Sinh năm 391 sẽ giúp chúng ta hiểu tâm tư và ý thức sống của vị tân linh mục – Augustinô:

          Trong cuộc sống này và trước tiên trong thời gian này không có gì là dễ dàng hơn, thú vị và dễ mến đối với những người mang phẩm giá giám mục, linh mục hoặc phó tế, nhưng không còn gì khốn nạn hơn nữa, đau thương và đáng chê trách trước Chúa, nếu họ sống với sự lơ đễnh và vì sự nịnh bợ hèn hạ. Và cũng vậy, không còn gì nữa trong cuộc sống này và trước tiên trong thời gian này, khó khăn hơn, mệt nhọc và nguy hiểm, nhưng không có gì là hạnh phúc hơn trước mắt Chúa về phẩm giá của giám mục, của linh mục hoặc của phó tế, nếu họ làm tròn sứ vụ của người lính theo cách thức qui định bởi người thuyền trưởng của chúng ta.[10]

          Ngài đã xác định sứ vụ mục tử của mình và chắc chắn sứ vụ của vị đứng đầu trước hết là “phân phát Bí Tích và Lời Chúa”[11], vậy nên đòi hỏi nơi vị mục tử, vị giám mục phải có một thời gian đủ để nghiên cứu học hỏi Thánh Kinh, từ đó mới có thể thực hiện cách tốt nhất sứ vụ mục tử của mình. Ý thức được tầm quan trọng này, Augustino như thể muốn hiến trọn cuộc sống cho việc nghiên cứu Thánh Kinh để ngài có thể phục vụ dân chúng trong việc rao giảng. Về vấn đề này, Possidio viết rằng:

          Cuối cùng bệnh nhân đã giảng giải trong nhà thờ lời của Chúa với sự chuyên chăm, hăng hái, can đảm, rõ ràng và với sức mạnh của sự thông thái. [12]

          Chúng tôi biết – viết về Augustino – rằng ngài đã giảng thường xuyên hai lần một tuần, vào ngày thứ bảy và chúa nhật, thường những ngày liên tiếp, đôi khi hai lần một ngày. [13]

          Những bài nói chuyện, những bài giảng của thánh Augustinô được bảo tồn giữ gìn không lên tới ngàn bài nhưng ngày nay vẫn còn được tiếp tục thu tập và phát hiện, cũng là bởi vì chính những giá trị của chúng.

          Họ – người ta còn quan sát nhận xét về chính tác giả – những tác phẩm chính là sự chú giải quí báu và thường luôn rõ ràng hữu ích nhất. [14]

          Tuy nhiên không chỉ với việc giảng dạy mà thôi, Augustinô đã tìm cách để chu toàn sứ vụ Giáo Hội giao phó cho ngài. Tất cả hoạt động văn chương lúc này phát xuất từ ngài như một sự phục vụ để sinh lợi cho anh em. Trước khi là linh mục, những đề tài suy tư của ngài được chọn lựa trên nền tảng những tiêu chuẩn riêng thuần triết học, nối kết cách hợp lý với nhau. Sau khi là linh mục, hầu hết tất cả các văn phẩm là những câu trả lời cho những nhu cầu, những sự đòi hỏi của người khác. Các tác phẩm chính cũng vậy (De doctrina Christiana; Confessiones; De Trinitate; De genesi ad litteram; De civitate Dei), mặc dù được viết với suy tư riêng và cho nhu cầu cá nhân, nhưng thật ra cũng là để trả lời cho những vấn đề của các anh em, của cộng đoàn và của Giáo Hội. Hầu hết các tác phẩm khác sau đó được viết là từ ước muốn đi đến gặp gỡ những yêu cầu của các bạn bè, những cộng đoàn hoặc từ nhiệm vụ chống lại các sai lầm của các lạc thuyết. Bị thúc đẩy bởi lòng bác ái với anh em và bởi trách nhiệm, Augustinô không do dự trong việc viết, tổng hợp để làm nên các tác phẩm tâm huyết như là cách để đi đến gặp gỡ và giải đáp các vấn nạn về đức tin cho mọi người. Để giúp hiểu điều này, chúng ta cùng đọc vài dòng lời giới thiệu của quyển sách “De catechizandis rudibus” mà trong đó ngài viết:

          Bạn đã hỏi xin tôi, anh Deogratia thân mến, để viết cho anh điều gì đó mà có thể là hữu ích cho anh trong việc dạy giáo lý cho người mới trở lại trong đức tin… nhu cầu này đưa đến những khó khăn, anh đã nhận thấy lòng say mê thúc ép ý muốn của tôi, bởi vì nhân danh tình bác ái mà tôi có bổn phận với anh, giữa những công việc của tôi, tôi viết cho anh điều gì đó về đề tài ở mức độ tốt. Về phần tôi, tôi cảm thấy bị bắt buộc bởi đức ái và bởi sự phục vụ mà tôi phải trao không chỉ cho anh cách cá nhân, nhưng cách chung cho Mẹ Giáo Hội của chúng ta, để không từ chối cách nào đó công việc mà anh đã đề nghị tôi, nhưng đúng hơn là để đón nhận điều đó với sự sẵn sàng và tin tưởng, rằng nhờ ơn Chúa tôi có thể hoàn thành công việc của tôi, chính Chúa ra lệnh cho tôi giúp đỡ điều gì đó được trao cho tôi qua người anh em.[15]

          Cũng trong lời giới thiệu của quyển “De opere monachorum” ngài viết:

          Là cần thiết rằng tôi vâng theo lệnh của bạn, người anh em đáng kính Aurêliô, với tất cả sự kính trọng, cách rõ ràng được tỏ ra riêng với tôi rằng Thiên Chúa đã ra lệnh cho tôi qua bạn… Ngài, để ý muốn và ngôn ngữ của bạn phục vụ cho công việc của ngài, ngài đã làm cho tôi biết đến phương thế của bạn, nhờ sự sắp đặt để viết điều gì đó về công việc của các đan sĩ.[16]

          Còn trong phần giới thiệu của “De Trinitate”, Augustinô nói về đức ái thúc bách ngài phục vụ:

          Tôi tự hỏi bao nhiêu con đường có lối đi, điểm nào là điểm nối kết, và bao nhiêu con đường tôi cần để đi đến cùng, từ đó để thấy rằng đức ái tự do thúc bách tôi phục vụ.[17]

          Trong tác phẩm “Retractationes”, ngài giải về sự hình thành quyển sách kéo dài trong nhiều năm:

          Công việc làm tôi bận rộn trong nhiều năm, bởi vì chúng làm trở ngại các bổn phận khác, rằng không đúng lúc để làm, và rằng chúng đòi hỏi tôi một lời giải đáp ngay lập tức.[18]

          Tinh thần phục vụ nung nấu, tác động nơi Augustinô có lẽ không có bản văn nào xác định rõ hơn trong bản văn có viết câu sau:

          Chúng tôi là những người mắc nợ các bạn, không chỉ là bây giờ nhưng luôn luôn, bởi vì chúng tôi có sự sống, chúng tôi được cho sống là để cho các bạn.[19]

          Trên đây là đôi dòng nhìn lại để nhận ra một chút về lẽ sống, về Sự Phục Vụ của thánh Augustinô. Sau khi đã trở thành linh mục, tất cả các hoạt động và nhất là các hoạt động trong lãnh vực văn chương như hòa quyện nơi Augustinô để tạo nên một sự phục vụ cho anh em, cho Giáo Hội trong sức mạnh của đức ái. Chúng ta có thể nói rằng mọi đề tài, mọi thể loại văn chương được ngài hướng đến tinh thần phục vụ này. Sự thay đổi các thể loại văn chương nơi thánh Augustinô cũng hướng đến sự phục vụ. Thể văn đối thoại được ngài yêu thích nhiều trong giai đoạn đầu khi trở về với Giáo Hội, bởi vì nó được cho là thích hợp hơn để tìm kiếm triết lý. Sau khi nhận lãnh sứ vụ mục tử, hầu như thể văn đối thoại không còn được dùng nữa, vì hướng phục vụ của ngài thay đổi, phải thường xuyên soạn các bài giảng, viết các tác phẩm chú giải, nghiên cứu, khảo luận và bút chiến để phục vụ các nhu cầu của Giáo Hội.

Lm. Phêrô Hà Hương Giang

[1] J. Ratzinger, Il nuovo popolo di Dio, Brescia 1971, 27.
[2] Cf. Conf. 8, 12 – 29.
[3] Cf. Conf. 9, 4 – 8; beata v. 4, 36.
[4] Cf. Conf. 9, 5 – 13.
[5] Ibid. 9, 4, 7.
[6] Beata v. 4, 35.
[7] Acad. 3, 20, 43.
[8] S. 355, 2.
[9] Conf. 10, 43, 70.
[10] Ep. 21, 1.
[11] Ibid. 21, 3
[12] Possidio, Vita Augustini, 31, 4.
[13] A. Trapè, S.Agostino, l’uomo, il pastore, il mistico, Fossano 1987, 198 – 199.
[14] Ibid. 199.
[15] Cat. rud. 1, 1 – 2.
[16] Op. mon. 1, 1
[17] Trin. 1, 5, 8.
[18] Retr. 2, 43.
[19] Io. ev. tr. 18, 12

Comments are closed.