Tông Đồ Matthêu
Phải chân nhận rằng hầu như không thể mô tả trọn vẹn hình ảnh của thánh Matthêu, vì tín liệu về ngài hiếm có và không đầy đủ. Những gì chúng ta có thể làm đó là mô tả không nhiều lắm về tiểu sử của ngài nhưng những gì được Phúc Âm cống hiến cho chúng ta.
Ngài bao giờ cũng có tên trong danh sách 12 vị được Chúa Giêsu tuyển chọn (x Mt 10:3; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13). Tên của ngài, theo tiếng Do Thái, có nghĩa là ‘tặng ân của Chúa’. Cuốn Phúc Âm đầu tiên trong sổ bộ thánh kinh là cuốn phúc âm mang tên của ngài, cho chúng ta thấy trong danh sách 12 Vị ngài có một tính chất rất đặc biệt, đó là ‘viên thu thế’ (Mt 10:3).
Đó là lý do ngài được đồng hóa với con người ngồi ở phòng thuế, kẻ được Chúa Giêsu kêu gọi theo Người. ‘Khi Chúa Giêsu đi ngang qua đó Người thấy một người tên là Mathêu đang ngồi ở phòng thuế, và Người nói cùng anh rằng: ‘Hãy theo Tôi’. Và ngài đã chỗi dạy theo Người’ (Mt 9:9).
Thánh Marcô (x 2:13-17) và Luca (x 5:27-30) trình thuật lời kêu gọi con người ngồi ở phòng thuế, nhưng các vị gọi ngài là ‘Levi’. Việc tưởng tượng ra cảnh được diễn tả trong Phúc Âm Thánh Mathêu 9:9 cũng đủ để nhớ đến bức họa vĩ đại của Carabaggio, được giữ ở Rôma đây, nơi Thánh Đường Thánh Louis của Pháp.
Một chi tiết mới về thân thế của ngài được các Phúc Âm nhắc tới, đó là, trong đoạn Phúc Âm, trước trình về về lời Chúa Giêsu kêu gọi ngài, có nói tới chi tiết về phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở Capernaum (x Mt 9:1-8; Mk 2:1-12), liên quan tới Hồ Tibêria, gần Biển Galilêa (x. Mk 2:13-14).
Người ta có thể suy diễn là Thánh Mathêu đã thực hiện nhiệm vụ của một viên thu thuế ở Capernaum, ở ngay ‘bên biển’ (Mt 4:13), nơi Chúa Giêsu là một vị khách thường xuyên của gia đình Thánh Phêrô.
Căn cứ vào những nhận định sơ sài từ Phúc Âm này, chúng ta có thể thực hiện một số chia sẻ như sau. Trước hết là Chúa Giêsu đã đón nhận trong nhóm bạn hữu thân thiết của mình một con người, theo quan niệm ở Do Thái thời ấy, được coi là một tội nhân công khai.
Thật ra Mathêu chẳng những là nhân viên quản trị về tiền bạc, một việc được coi là không tinh sạch vì nó xuất phát từ con người xa lạ với thành phần dân Chúa, mà còn hợp tác với thẩm quyền ngoại bang, tham lam bẩn thỉu, có thể ấn định việc cống nộp một cách tùy tiện.
Vì những lý do đó, có vài lần các Phúc Âm đã đề cập chung ‘thành phần thu thuế và tội lỗi’ (Mt 9:10; Lk 15:1), ‘thành phần thu thuế và gái điếm’ (Mt 21:31). Ngoài ra, các Phúc Âm còn thấy nơi thành phần thu thuế một mẫu gương tham lam nữa (x Mt 5:46: họ chỉ yêu thương những ai thương yêu họ) và đã đề cập đến một người trong họ là Gia Kêu, như ‘người trưởng ban thu thuế, và giầu có’ (Lk 18:11).
Căn cứ vào những chi tiết ấy vấn đề cần phải chú ý là Chúa Giêsu không loại trừ một ai ra khỏi tình thân hữu của Người. Hơn thế nữa, chính lúc Người ngồi ở bàn ăn trong nhà viên Thu Thuế Mathêu, trả lời những ai cảm thấy ngứa mắt trước sự kiện qui tụ thường xuyên song bất xứng của Người, Người đã tuyên bố điều quan trọng này là ‘Những ai khỏe mạnh thì không cần đến thày thuốc, chỉ có những ai yếu bệnh mới cần; Tôi đến không phải để kêu gọi thành phần công chính mà là tội nhân’ (Mk 2:17).
Lời loan báo tốt đẹp này của Phúc Âm thực sự là ở chỗ đó, ở chỗ Thiên Chúa cống hiến ân sủng của Ngài cho thành phần tội nhân! Ở một đoàn khác, bằng một dụ ngôn nổi tiếng về người Pharisiêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện, Chúa Giêsu thậm chí cho thấy một người thu thuế vô danh nêu gương khiêm nhượng tin tưởng vào tình thương thần linh: Trong khi người Pharisiêu ngạo nghễ về tình trạng trọn lành luân lý của mình, thì ‘người thu thuế, đứng ở đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, chỉ biết đấm ngực mà rằng: Lạy Chúa, xin thương đến tôi là kẻ tội lỗi!’
Và Chúa Giêsu nhận định rằng: ‘Thày cho các con biết người này về nhà được công chính chứ không phải người kia; vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên’ (Lk 18:13-14).
Bởi thế, qua hình ảnh Mathêu, các Phúc Âm cho chúng ta thấy một cái ngược đời thực sự, đó là ai có vẻ xa vời nhất với thánh đức lại có thể trở thành một mô phạm trong việc chấp nhận lòng thương xót Chúa, giúp họ có thể thoáng thấy được những hiệu năng của lòng xót thương này nơi cuộc sống của họ.
Về vấn đề này, Thánh Gioan Chrysostom đã có một nhận định đáng kể. Ngài nhận định rằng nơi trình thuật về ơn gọi thì chỉ có một vài người được kêu gọi là có liên quan tới công việc họ đang hành sự. Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đã được kêu gọi khi các vị đang đánh cá; Mathêu được kêu gọi khi anh đang thu thuế.
Chúng là những công việc có tầm vóc không quan trọng là bao, Thánh Chrysostom nhận định: ‘không còn gì đáng ghê tởm hơn là viên thu thuế và không gì tầm thường hơn là việc đánh cá’ (“In Matth. Hom”: PL 57, 363).
Bởi thế, lời kêu gọi của Chúa Giêsu cũng vươn tới cả thành phần ở tầm cấp thấp kém, thành phần làm những việc tầm thường của mình.
Một ý tưởng khác cũng xuất phát từ trình thuật Phúc Âm, đó là việc Mathêu tức khắc đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: ‘Ông đã đứng lên đi theo Người’. Lời vắn gọn của câu này nhấn mạnh đến tính cách tức khắc nơi việc Mathêu đáp lại lời kêu gọi.
Đối với ông thì điều này có nghĩa là từ bỏ hết mọi sự, nhất là một nguồn lợi tức vững chắc, mặc dù thường bất chính và bất xứng. Hiển nhiên là Mathêu hiểu rằng mối thân tình với Chúa Giêsu không cho phép anh tiếp tục những hoạt động không đẹp lòng Chúa.
Người ta có thể dễ dàng trực giác thấy rằng vấn đề này cũng có thể được áp dụng cho hiện nay nữa, ở chỗ, ngày nay người ta cũng không thể chấp nhận việc gắn bó với những gì bất xứng hợp với việc theo Chúa Giêsu, như những thứ giầu sang gian dối. Có lần Người đã công khai phán rằng: ‘Nếu anh muốn nên trọn lành thì hãy về bán những gì mình có mà cho kẻ khó để có được nước trời; rồi hãy đến mà theo Tôi’ (Mt 19:21).
Đó chính là những gì Mathêu đã làm: Anh đã chỗi dậy đi theo Người! Nơi việc ‘đứng dậïy’ này người ta có thể thấy được việc ly thoát với tình trạng tội lỗi, đồng thời, thấy được cả việc ý thức gắn bó với một sự sống mới, chính trực, hiệp thông với Chúa Giêsu.
Sau hết, chúng ta nhớ lại rằng truyền thống của Giáo Hội sơ khai đồng ý với việc gán tác giả quyền của cuốn Phúc Âm thứ nhất cho Mathêu. Việc này được bắt đầu với Papias, vị giám mục của Gerapolis ở Phrygia, vào khoảng năm 130.
Vị giám mục này viết rằng: ‘Mathêu đã viết những lời của Chúa Giêsu bằng tiếng Do Thái, và mỗi người giải thích những lời ấy tuỳ họ có thể’ (in Eusebius of Caesarea, “Hist. eccl.”, III, 39, 16). Sử gia Eusebius còn thêm chi tiết là: ‘Mathêu, vị trước đó đã giảng dạy cho người Do Thái, khi quyết định đi đến với cả các dân tộc khác nữa, thì đã viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình Phúc Âm ngài đã loan truyền: Nhờ đó ngài đã thay thế, bằng bản viết của mình, những gì họ, thành phần ngài lìa bỏ, bị mất mát đi bởi việc ra đi của ngài’ (Ibid., III, 24, 6).
Chúng ta không còn bản Phúc Âm được Thánh Mathêu viết bằng tiếng Do Thái hay Aramaic, mà là bản Phúc Âm bằng tiếng Hy Lạp là bản được lưu lại cho tới chúng ta, chúng ta vẫn tiếp tục nghe, ở một nghĩa nào đó, tiếng nói thuyết phục của người thu thuế Mathêu, vị mà khi trở thành tông đồ đã tiếp tục loan truyền cho chúng ta tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy lắng nghe sứ điệp này của Thánh Mathêu, chúng ta hãy suy niệm sứ điệp ấy luôn mãi để chúng ta có thể cương quyết dứt khoát chỗi dạy theo Chúa Giêsu.
ĐGH Benedict XVI
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển dịch theo Zenit ngày 30/8/2006)