TÌNH YÊU VÀ ƠN GỌI – HẠT GIỐNG VÀ NẢY MẦM

TÌNH YÊU VÀ ƠN GỌI – HẠT GIỐNG VÀ NẢY MẦM

“Các anh hãy theo tôi” (Mt 4,19), một tiếng gọi chạm vào cõi lòng của những môn đệ đầu tiên. “Anh hãy theo tôi” (Mt 9,9), một tiếng nói xuyên thẳng vào tâm hồn của người thu thuế tên Lêvi. “Con hãy theo Thầy”, một tiếng thì thầm được gieo vào trái tim của những người đang bước theo Chúa như chúng tôi – Chủng sinh lớp Thần học II (Khóa XIV) của Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc. Với chương trình Mục vụ Ơn gọi mỗi tuần tại các Giáo hạt, chúng tôi mang trong mình những thao thức. “Làm thế nào để tiếng gọi của Chúa Giêsu năm xưa được tái hiện và trở nên hạt giống nơi mảnh đất tâm hồn của các em nhỏ đây?”, chúng tôi trăn trở, nghĩ suy để rồi cuối cùng nhận ra rằng tiếng gọi ấy chứa đựng một sức mạnh có khả năng vượt trên thời gian và xuyên qua cả không gian. Đó là sức mạnh của tình yêu, mọi thứ đều sẽ qua đi chỉ còn tình yêu ở lại.

Thật sự, chỉ có tình yêu mới có thể khiến trái tim con người phải “quay xe” từ bỏ tất cả để khát khao bước theo Chúa và đong đầy Người, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Năm xưa, khi Chúa Giêsu ngỏ lời, các môn đệ đã “Ngay lập tức bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4,20). Chúa Giêsu đến với các môn đệ và trao ban tình yêu Chúa cho các ông bằng chính đời sống và cả mạng sống của Người. Trên hành trình rao giảng, Chúa Giêsu dùng tình yêu để gặp gỡ, sẻ chia, chữa lành thể xác lẫn tinh thần cho nhân loại, nhất là những người đau khổ và tội lỗi. Nhờ đó, hạt gống tình yêu nơi các môn đệ được dưỡng nuôi, tăng trưởng, sinh hoa kết quả và trao ban cho tất cả mọi người. Ngày hôm nay, chúng tôi cũng được Chúa yêu thương và chọn gọi cách đặc biệt để dùng tình yêu Chúa gieo hạt giống ơn gọi vào tâm hồn của những bạn trẻ với hy vọng rằng các bạn sẽ trở nên những chứng nhân tình yêu, những người thợ gặt lành nghề và là người môn đệ yêu dấu của Chúa.

Chúng ta không thể cho những gì mình không có! Bởi thế, hành trang của chúng tôi chuẩn bị chính là một tình yêu đã được giáo dục, nuôi dưỡng theo thời gian tu học và kinh nghiêm gặp gỡ riêng tư với Chúa. Đến với các bạn nhỏ vào Chúa Nhật hàng tuần, lớp chúng tôi chia thành mười ba nhóm tương ứng với mười ba giáo hạt trải dài trên giáo phận Xuân Lộc, gần có xa có. Với chúng tôi, cứ mỗi lần đi Mục vụ Ơn gọi là một chuyến hành trình thật dài được ví như một chuyến “đi phượt” bằng xe máy bắt đầu xuất phát từ 5g30 sáng vì có nhóm phải đi tới tận 80km như hạt Phương Lâm, hạt Phước Lý. Vác balô lên và đi, một balô đầy sự yêu thương và thao thức, chúng tôi quẳng đi sự mệt mỏi, xóa tan đi nỗi khó chịu vì tình yêu che lấp đi tất cả.

Theo lẽ tự nhiên, một tháng có bốn ngày Chúa Nhật, chúng tôi gặp các em dự tu của giáo hạt một lần và gặp các em lễ sinh của từng giáo xứ trong giáo hạt hai lần. Trước hết, chúng tôi gặp gỡ các em dự tu là những người đang bắt đầu tìm hiểu và chập chững bước đi trên con đường theo Chúa. Chúng tôi sinh hoạt cùng với các em theo chương trình tĩnh tâm Dụ tu của Giáo Phận. Chương trình tổng quát bao gồm việc tập trung điểm danh, hồi tâm –   xét mình – xưng tội, chia sẻ đề tài, huấn đức, Chầu Thánh Thể và kết thúc bằng bữa cơm trưa đầy tình anh em. Tất cả các sinh hoạt đó khơi gợi ơn gọi để các em vững bước hơn trên hành trình theo Chúa của mình. Đồng thời, chúng tôi giúp các em mở lòng chia sẻ và tìm ra hướng giải quyết cho các vấn đề đang gặp phải trong ơn gọi cũng như trong cuộc sống thường ngày. Hơn hết, chúng tôi giúp các em biết phân định để có những chọn lựa đúng và phù hợp với ý Chúa muốn ở những người môn đệ. Chúng tôi ví mình như những người anh đi trước dùng hết khả năng, dành trọn tình yêu để hướng dẫn các em tiến bước với mình. Chúng tôi vẫn luôn hy vọng rằng hạt giống tình yêu mà Chúa đặt để nơi các em sẽ nảy mầm và lớn lên thật mạnh mẽ.

Tiếp đến, chương trình mục vụ ơn gọi đối với các em lễ sinh của các giáo xứ cũng rất linh hoạt tùy theo điều kiện của mỗi giáo xứ, có gặp gỡ chia sẻ với các em, có các trò chơi sinh hoạt và các hoạt động khác. Khi gặp gỡ các em lễ sinh của các giáo xứ, chúng tôi cố gắng hết sức để phác họa khuôn mặt đầy yêu thương của Chúa Giêsu trong trái tim của các em. “Các em có muốn đi tu như mấy thầy không nè?”, câu hỏi cất lên, một số em trả lời có, một số khác trả lời là không và số còn lại thì ngượng ngùng chìm sâu trong im lặng. Với các em có độ tuổi đang còn quá nhỏ để hiểu đúng được việc dấn thân bước theo Chúa là gì thì chúng tôi giải thích cho các em biết “Tu là gì?” theo một cách đơn sơ và dễ thương nhất để các em có thể hiểu được. Chúng tôi dùng tình yêu đặt để một hạt giống nhỏ trong nhận thức của các em mà hy vọng rằng nhờ ơn Chúa, hạt giống ấy – ơn gọi đó sẽ triển nở theo cách Chúa muốn. Chúng tôi cũng không quên tận dụng hết khả năng sinh hoạt của mình để vui chơi cùng các em với mục đích giúp các em năng động, tự tin hơn. Đặc biệt, chúng tôi cho các em thấy đi tu nhất định phải vui, khỏe, hạnh phúc trong Chúa.

Sau tất cả, khép lại một ngày mục vụ ơn gọi, chúng tôi chia tay các em. Từng em nhỏ lễ sinh chạy về như ong vỡ tổ, miệng vẫn còn ca vang những bài hát sinh hoạt khiến trái tim chúng tôi phải rung động. Còn các em dự tu thì nhìn chúng tôi với sự tiếc nuối, miệng thốt lên “hẹn gặp các thầy tháng sau ạ!” làm cho chúng tôi cảm thấy hạnh phúc. Thật sự, chúng tôi là những người đang tập luyện sự cố gắng bước đến chia sẻ tình yêu Chúa cho các em, ấy thế mà chính chúng tôi lại được nạp thêm lòng mến Chúa. Tình yêu Chúa thật nhiệm mầu. Những tưởng rằng các thầy này sẽ dạy và yêu mến các em nhưng chính các em lại mang đến những điều đáng quý để các thầy nuôi dưỡng ơn gọi cách trọn vẹn hơn.

Ngoài việc đồng hành cùng các em, chúng tôi còn có cơ hội được gặp gỡ các cha phụ trách ơn gọi và các cha ở các giáo xứ. Các cha là những người đi trước chúng tôi nên biết rõ chúng tôi cần gì. Chúng tôi thấy rõ các cha dành một sự ưu ái và quý mến đối với chúng tôi, các ngài quan tâm đến nhu cầu của từng anh em; các ngài hỏi thăm, chỉ dẫn và đặc biệt dành những chia sẻ về đời sống thiêng liêng cũng như đời sống mục vụ giáo xứ cho chúng tôi. Những nỗi bận tâm trong mục vụ vì tình yêu đối với giáo dân, nỗi thao thức trong ơn gọi đối với thiếu nhi trở nên bài học quý giá đối với chúng tôi.

Thuận lợi là thế nhưng chúng tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng một suy nghĩ khi nhìn thấy các bạn nhỏ trong thời đại hôm nay là: “Làm sao để giúp các em thoát ra khỏi những cám dỗ của thế giới số hóa và thế giới mạng xã hội đây?”. Ngày nay, một thời đại mà con người chỉ chăm chú cúi mặt vào những màn hình của điện thoại, họ gặp gỡ nhau một cách hiện đại hơn và cho thế là đủ để rồi chẳng còn bận tâm đến những người ngay cạnh bên mình, những người được gọi là gia đình mình. Có những em vẫn đang khép mình lại vì sợ hãi khi phải bước ra một thế giới thực đầy tha nhân. Những hạt giống tình yêu đnag bị sự phát triển của xã hội đóng băng và bóp nghẹt đến độ hạt giống ấy không có cơ hội và khả năng để nảy mầm. Từ đó, tình yêu của con người trở nên thật vị kỷ và họ mang đầy sự ích kỷ trong mình. Chúng tôi đến với các em bằng cả tấm lòng và mang sức nóng tình yêu sưởi ấm mảnh đất tâm hồn để các em có khả năng mở lòng đón nhận tiếng gọi của Chúa mà đủ sức dấn thân mang tình yêu Chúa đến cho mọi người.

“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,37), lời mời gọi đó luôn là tiếng thổn thức của Chúa Giêsu dành cho con người. Tiếng nói ấy chạm đến hiện trạng của con người ở mọi thời đại. Nhân loại hôm nay – một thế hệ ưa chuộng sự tiện nghi với niềm vui hưởng thụ. Con người chạy theo chủ nghĩa thực dụng đến độ khép mình với mọi người và cả thế giới. Làm thế nào để giúp con người có được hạnh phúc, làm thế nào để họ được sống trong yêu thương? Tất cả phụ thuộc vào những hạt giống đang được thành hình và nảy mầm trong tâm hồn của những người môn đệ đang từng bước theo Chúa. 

BVH – Lớp Thần Học II

Comments are closed.