Thứ Tư Tuần III Phục Sinh – Ngày 21-04-2021

Lời Chúa: Ga 6,35-40

35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! 36 Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”.

 


Suy niệm

NHÌN BẰNG CẶP MẮT ĐỨC TIN

“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35)

Trình thuật Tin Mừng là bản tóm gọn toàn bộ chương 6 trong diễn từ về bánh. Tại đây, lời khẳng định của Chúa Giê-su dường như bao hàm toàn bộ sứ mệnh của Ngài và giá trị cho phần rỗi những ai đón nhận Ngài: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

Khi đối chiếu các bản văn Nhất Lãm, Tin Mừng Thứ Tư biểu lộ nét đặc trưng của mình qua các danh từ được trừu tượng hóa. Cụ thể, hình ảnh ‘Bánh Trường Sinh’ được tác giả tận dụng ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều để chỉ về Chúa Giê-su. Hơn nữa, nếu đọc trình thuật này trong nhãn giới của toàn bộ chương 6, chúng ta sẽ nhận ra hai thái độ rõ rệt giữa việc ‘tin’ và ‘không tin’ ngang qua động từ ‘thấy’.

Thứ nhất: ‘Thấy mà không tin’. Sau khi nhìn thấy phép lạ Chúa Giê-su thực hiện nuôi hơn năm ngàn người no nê, những người Do Thái tiếp tục tìm kiếm Chúa Giê-su và đòi Ngài làm thêm một dấu lạ nữa để tin. Tuy nhiên, Chúa Giê-su thẳng thừng từ chối. Ngài chỉ thẳng vào mặt họ mà nói: ‘Các ông tìm tôi không vì thấy dấu lạ, nhưng chỉ vì được ăn bánh’ (6,25). Hiển nhiên, thái độ và hành động của Chúa Giê-su đã phơi bày sự ấu trĩ của thứ người suốt cuộc đời chỉ nhắm đến ‘cái bụng’, coi lợi ích của bản thân lên trên tất cả, thậm chí tìm Chúa chỉ để trục lợi. Tuy được nhìn thấy và được tác động cách nhãn tiền, lòng họ vẫn không thể đón nhận Chúa. Họ thèm khát và coi trọng thứ bánh hư hoại mà từ chối chính Bánh Trường Sinh. Điều này thật đúng với lời bình của tác giả ở cuối chương 12: “Họ chuộng vinh quang trần đời hơn vinh quang Thiên Chúa” (c.43). Do đó, họ vẫn lưu lại trong tối tăm và không có sự sống đời đời (c.46).

Thái độ thứ hai: thấy và tin. Sau cuộc tranh luận dữ dội giữa người Do Thái và Chúa Giê-su, cuối chương sáu, chúng ta bắt gặp lời tuyên tín của thánh Phê-rô. Đây là mấu chốt của toàn bộ vấn đề được tác giả trình bày từ dấu lạ hóa bánh cho đến dấu chỉ về lương thực trường sinh. Chúng ta có thể sánh ví đây như là hành trình đức tin của mỗi người. Trên hành trình đó, không ít lần chúng ta phải đối diện với những khó khăn mà chính các môn đệ Chúa Giê-su gặp phải. Cụ thể, trình thuật Tin Mừng đã khái niệm hóa cái thấy nơi các môn đệ trong diễn tiến của cuộc tranh luận. Qua đó, chúng ta nhận ra ba cấp độ về điều các môn đệ đã thấy: Họ thấy một đám đông dân chúng đang lên án về Chúa Giê-su về lời tuyên bố của Ngài: “Ta là bánh trường sinh”; họ thấy thực tại trần thế phủ phàng nơi con người Giê-su; họ thấy những môn đệ khác hùa theo đám đông mà từ bỏ thầy. Những điều đó “đập vào” mắt chúng ta, khiến chúng ta phải nghiệm lại chính niềm tin của mình. Chúng ta thường dùng lý trí để suy xét mà quên dùng con tim để cảm nhận. Chúng ta thường quá đề cao lối sống hiện tại đến nỗi lãng quên quá khứ và chẳng màng gì đến tương lai. Chúng ta thường “nhanh nhảu” chạy vào khuôn khổ của sự “a dua”, của cái gọi là “chân lý đám đông” mà ngạt bỏ chân lý thuộc về Thiên Chúa. Qua trình thuật, lời tuyên bố của Chúa Giê-su một lần nữa lay động lương tâm và sự thật nơi mỗi con người. “Ta là bánh trường sinh” không chi là một định nghĩa để chúng ta thuyết trình cách dài dòng trên giảng đài, nhưng trước tiên là lời mời gọi chúng ta tra vấn lại niềm tin của chính mình. Tới đây, lộ trình thấy để tin không còn phù hợp nữa, nhưng phải được đổi lại bằng lộ trình tin để thấy, đó cũng chính là lời hứa mà Chúa Giê-su dành tặng Ma-ri-a cũng như các môn đệ của Ngài ở cuối chương 11: nếu con tin, con sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa? (x.Ga 11,40)

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thinh lặng để rà soát lại niềm tin trong cõi lòng của mỗi người chúng con. Nhờ đó, chúng con biết tin tưởng, phó thác và nhìn lên Chúa với cặp mắt của đức tin nơi mỗi người.


Comments are closed.