Thứ tư sau Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm C

Lời Chúa: Ga 15, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, (còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn). Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. “Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.


Suy niệm

“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái…” (x. Ga15,5)

Gặp gỡ, đối thoại và hiện diện là những yếu tố căn bản giúp duy trì các mối tương quan nhân bản. Khi tương quan rạn nứt, con người thường có xu hướng tránh đối diện, trò chuyện và ở với những người mà trước đó họ đã từng liên hệ. Sự đổ vỡ tạo ra những “vết thương khó lành”. Nếu tương quan trước đó càng đẹp, càng quan trọng thì vết thương sẽ càng sâu, càng nhức nhối… Quy luật tâm lý này không chỉ đúng trong tương quan giữa con người với nhau mà còn đúng trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Ađam và Evà đã cảm nghiệm rõ tình trạng này khi ông bà bất tuân Thiên Chúa. Tội lỗi đã khiến ông bà không thể đối diện, trò chuyện và chiều chiều “đi dạo” với Ngài. Sống trong tương quan hiệp thông với Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực của con người. Chúa Giêsu, trong diễn từ biệt ly, đã mạnh mẽ khẳng quyết điều này khi Ngài liên lỉ mời gọi các môn đệ hãy “ở lại” trong Ngài. Như “cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với thân nho” (x. Ga 15,4), người Kitô hữu cần “ở lại” trong Giêsu và chỉ những ai “ở lại” trong Ngài và Ngài “ở lại” trong người ấy thì người ấy mới “sinh nhiều hoa trái.” (x. Ga 15, 5 – 6).

Tình yêu là động lực để Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ con người. Do đó, cuộc sống con người sẽ không thể tìm được ý nghĩa tròn đầy nếu thiếu vắng tình yêu của Ngài. Con người đã đánh mất tương giao với Thiên Chúa. Chỉ nơi Chúa Giêsu, mối tương giao đó mới được phục hồi. Hiện diện trong tương quan tình yêu với Chúa Giêsu là đòi hỏi tiên quyết để chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và được cứu độ. Chúng ta hãy “ở lại” trong tình yêu Giêsu, Đấng là dung mạo của lòng thương xót Chúa, nỗ lực thực hành các giáo huấn của Ngài, để được Lời Ngài biến đổi và nuôi dưỡng, để “được sống và sống dồi dào” (x.Ga 10,10).

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con “một trái tim mới để chúng con yêu Chúa suốt cuộc đời”. Xin ban cho chúng con một thần trí mới để chúng con tuân hành các giáo huấn của Ngài, hầu qua mỗi ngày sống, chúng con luôn biết nỗ lực gắn kết mật thiết với Chúa để được sống trong tương quan tình yêu với Ngài. Amen.


Comments are closed.