Thứ Tư sau Chúa Nhật 28 Thường Niên – Năm B

Lời Chúa: Lc 11, 42-46

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!” Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”.


Suy niệm

“Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.” (Lc 11,42)

Chúa Giêsu khiển trách giới lãnh đạo Do Thái giáo xưa về ba điểm. Điểm thứ nhất là chuộng hình thức: họ đặt ra đủ các loại thuế gọi là lễ phẩm dâng lên Thiên Chúa, trong khi lại xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến dành cho Ngài. Điểm thứ hai là háo danh: họ luôn cố tỏ ra bên ngoài vẻ đạo mạo, uy nghi nhưng thực chất chẳng khác gì các mồ mả ô uế. Điểm thứ ba là giả hình: họ cắt nghĩa thật tỉ mỉ về lề luật và yêu cầu người khác tuân theo, trong khi họ lại chẳng mấy để tâm đến. Có thể nói rằng cả ba điều đáng trách trên đều xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là thiếu tình yêu thương. Vì chưa yêu Chúa đủ, những người Pha-ri-siêu và các kinh sư chỉ chăm chú, xét nét hình thức bên ngoài mà quên đi bổn phận chính yếu với Thiên Chúa. Vì chưa yêu tha nhân đủ, họ thích khoe khoang, coi mình hơn người khác, thiếu đồng cảm với những mảnh đời khốn khó không có điều kiện giữ đạo như họ.

Tình yêu vốn chẳng có biên giới. Đây chính là điều làm nên nét đẹp và sức quyến rũ của tình yêu: nó làm cho ta hạnh phúc, nhưng chẳng bao giờ khiến ta mãn nguyện. Ai nói rằng mình đã yêu đủ thực là người chưa yêu. Chúa Giêsu đã gói gọn tất cả các luật lệ nơi con người vào một điều duy nhất: mến Chúa – yêu người (x. Mc 12, 33). Như vậy, tình yêu chính là nguyên nhân và cùng đích của tất cả lề luật, và do đó, nó trường cửu, trong khi cách nó được thể hiện ra bên ngoài có thể thay đổi theo thời gian hoặc khác nhau giữa các nền văn hóa. Ngay từ những ngày đầu, thánh Phaolô nhắn nhủ với các tín hữu Rô-ma rằng: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì là hoàn hảo.”(Rm 12, 2)

Lạy Chúa, như Mẹ Theresa thành Calcutta từng nói: “Nhiều người lầm lẫn công việc và ơn gọi. Ơn gọi của chúng ta là yêu mến Chúa Giêsu”. Xin Chúa cho mỗi người chúng con nhận ra rằng: trước mặt Chúa, chỉ tình yêu mới thực sự có giá trị. Amen.


Lễ Thánh Calitô I, Giáo hoàng tử đạo

Calitô là một phó tế. Vào những thế kỷ đầu tiên, chỉ có 7 phó tế trong Giáo T Triều Roma mới có quyền bầu chọn Giáo hoàng. Thầy sáu Calitô là cộng sự viên rất thân tín của Ðức Thánh cha Zêphyrinô. Ðức Giáo Hoàng Zêphyrinô tín cẩn thầy phó tế Calitô và Thầy sáu Calitô đã giúp đỡ rất nhiều cho Ðức Giáo Hoàng. Chính vì thế, khi Ðức Thánh Cha Zêphyrinô tạ thế, phó tế Calitô đã được bầu chọn lên kế vị Ngài vào năm 217….xem tiếp


Comments are closed.