Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên – Ngày 05/11/2021

Lời Chúa: Lc 16,1-8

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến và bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’ Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu’. Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi’. Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa’. Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi’. “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”

 


Suy niệm

HÃY TẠ ƠN CHÚA VÌ NGÀI NHÂN TỪ

.

Trong thời gian qua, sự kiện đại dịch bệnh Co-vid 19 có thể đã làm cho chúng ta suy nghĩ về một điều liên quan trực tiếp đến cuộc sống con người. Đó là sức khỏe. Liệu sức khỏe có phải là điều rất quan trọng đối với cuộc sống con người. Và tại sao con người lại có vẻ hoảng sợ và thua thiệt trước một sự vật được xem là rất nhỏ, virus Corona – một sự vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường? Nghi vấn này nhắc nhớ con người chúng ta thấy rằng, sức khỏe thuộc về chúng ta, nhưng không phải là điều mà chúng ta luôn sở hữu. Và biến cố nhắc nhớ này gợi lên cho chúng ta về một Đấng đã ban cho chúng ta mọi sự, mà rất có thể bấy lâu nay chúng ta đã quên. Để khi ý thức về phận người, chúng ta cũng có thêm sự tin tưởng vào Đấng luôn yêu thương và che chở chúng ta.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng hình ảnh ông phú hộ để diễn tả chân dung của một Thiên Chúa công minh và giàu lòng nhân hậu. Người phú hộ không quá bất công với người quản gia bị tố cáo. Ông có nghe những người tố cáo nhưng cách ông hành xử lại cho thấy người phú hộ này là một người công minh. Trong khi những người khác ‘tố cáo’ là điều được xem là rất nặng, thì ngược lại đối với ông đó là điều được ‘nghe nói’. Ông đã xử trí điều ông ‘nghe nói’ trong sự khôn ngoan và công mình của mình, khiến những người tố cáo và người quản gia không một lời than trách. Về phần người quản gia, anh đã tính sổ công việc của mình. Việc tính sổ của người quản gia được xem như là một cách nhìn lại công việc mình đang làm, nhìn lại thời gian đã qua mình đã làm gì và đã không làm những gì! Thiết nghĩ không có một lời tố cáo nào mà không có chứng cớ, và không có một lời phân xử nào mà không có lý do. Việc ông phú hộ vừa nghe lời tố cáo và vừa phán xử sự việc của người quản gia, cho thấy ông không thiên tư, không bênh người này và ép người kia. Mặc khác sự công minh của ông lại cho thấy tình thương dành cho người quản gia. Như thế, hình ảnh Thiên Chúa được Chúa Giê-su khắc họa qua câu chuyện này là một Thiên Chúa luôn biết con người chúng ta cần gì, muốn gì và làm gì.

Phần chúng ta đã nhận ra điều đó chưa, để biết sống xứng đáng với tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho mỗi người? Trong mùa đại dịch Co-vid này, đức tin của người Ki-tô hữu luôn mang một thách đố vô cùng lớn trong việc gìn giữ, nuôi dưỡng và thăng tiến. Chớ gì lời cầu nguyện của mỗi người và đời sống bác ái yêu thương sẽ giúp cho đức tin của chúng ta ngày thêm triển nở. Ước gì mỗi ngày, chúng ta luôn dâng lên Chúa lời ca mà vịnh gia đã thưa lên:

“Lạy Chúa, phần con xin dâng Ngài lời nguyện, lạy Chúa Trời, đây giờ phút thi ân. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày, vì Chúa vẫn trung thành ban ơn cứu độ” (Tv 69,14).


Comments are closed.