Thứ Sáu Tuần Thánh – Ngày 29/03/2024

Lời Chúa: Ga 18, 1-19,42

Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

 


Suy niệm

THIÊN CHÚA MẶC KHẢI TÌNH YÊU NƠI MẦU NHIỆM THẬP GIÁ

“Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30)

Trải qua bao thăng trầm, dân Israel luôn khắc khoải, hy vọng, đợi chờ Đấng Cứu Độ, Đấng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân, Đấng đó sẽ lãnh đạo dân với vương quyền vô cùng vô tận. Niềm hy vọng này đã được thoả nguyện khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa “ban chính Con một của mình, để tất cả những ai tin vào con của Ngài thì được cứu độ”. Ngôi Lời đã làm người để mạc khải tình yêu Thiên Chúa, mạc khải về một Thiên Chúa “yêu đến cùng” qua hy tế thập giá của Đức Giêsu.

Khuôn mặt của Đức Giêsu trong trích đoạn cuộc thương khó, mà Thánh sử Gioan vừa trình thuật, cho chúng ta thấy tình yêu vô hạn của Thiên Chúa được bày tỏ trọn vẹn nơi thập giá Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa, Đấng quyền năng và vô hình giờ đây mặc lấy dung mạo nơi Đức Giêsu để ai thấy Đức Giêsu là thấy Thiên Chúa. Thế nhưng, việc chấp nhận một Thiên Chúa quyền năng, thì dễ hơn là chấp nhận một Thiên Chúa xuất hiện trong hình hài đau thương, tình trạng thê thảm, yếu đuối tột cùng. Vì đối với người Do Thái, thập giá là hình phạt tử hình dành cho nô lệ hay cho những kẻ phạm tội. Với dân ngoại, thuộc văn hoá Hy La vốn nặng về lý trí và thế tục, thập giá đi ngược lại với những gì họ tìm kiếm và nhận thức về con đường dẫn tới hạnh phúc. Bởi thế, thập giá là sự điên rồ. Không một ai lại lựa chọn con đường này để bày tỏ tình yêu của mình. Con đường thập giá là chướng ngại khó chấp nhận đối với các môn đệ. Ba lần tiên báo cuộc khổ nạn, là ba lần các môn đệ không hiểu và không chấp nhận. Tuy nhiên, các Kitô hữu tiên khởi lại nhận ra nơi thập giá Đức Kitô một ý nghĩa khác. Đối với Gioan, đó là nơi bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa, nơi mạc khải vinh quang của Thiên Chúa cho con người, là nơi Thiên Chúa được tôn vinh và chính con Thiên Chúa cũng được tôn vinh. Còn với Luca, đó là nơi hoàn tất công trình cứu rỗi, là phương thế đưa tới vinh quang thiên quốc. Và với Phaolô, chính nhờ thập giá Đức Kitô mà chúng ta lãnh nhận ơn hoà giải và cứu chuộc.

Nơi thập giá Đức Giêsu, Thiên Chúa bày tỏ trọn vẹn, rõ ràng nhất tình yêu của Ngài : “Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”. Chính sự “trao nộp” tận cùng và đau đớn của Con Thiên Chúa là dấu chứng của một tình yêu cao cả và có khả năng thay đổi dòng lịch sử loài người. Việc Đức Giêsu tự ý “trao nộp” mình đã minh chứng cho điều cuối cùng Chúa Giêsu nói : “Mọi sự đã hoàn tất”. Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự trong tình yêu và sự vâng phục Chúa Cha. Do đó, thập giá Đức Kitô nhắc nhở chúng ta ý thức rằng Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta. Từ đó, chúng ta có thể hiểu, cuộc đời là một món quà, một quà tặng lớn lao và tốt đẹp không do mình đem lại, nhưng là một hồng ân nhưng không từ Thiên Chúa. Vì thế, mỗi chúng ta cần khám phá niềm vui và ý nghĩa cuộc đời mình từ mầu nhiệm thập giá Đức Kitô, và chia sẻ niềm vui đó cho những người chung quanh. Đó là sứ mạng của chúng ta và cũng là cách sống khôn ngoan nhất mà Chúa mời gọi chúng ta ở mọi nơi và mọi thời.

Chiêm ngắm mầu nhiệm thập giá, xin Chúa ban cho chúng ta một sự hiểu biết thiêng liêng, để biết rằng, thập giá diễn tả lễ dâng tuyệt đối của Đức Giêsu. Vì tình yêu, Người đã vâng phục Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chết và hiến dâng một lần để cứu độ và thánh hoá con người. Đó là hy tế duy nhất và hoàn hảo, đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Chúng ta hãy đến thờ lạy Người. Amen.


Comments are closed.