Thứ Sáu tuần IX Thường Niên – Ngày 9/6/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 12,35-37″]

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: “Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con”. Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?” Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CHÚA GIÊSU, NGÀI LÀ THIÊN CHÚA THẬT VÀ LÀ NGƯỜI THẬT

“Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?” (Mc 12,37)

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Maccô đã thuật lại cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chất vấn người Do Thái về nguồn gốc thật sự của Ngài. Đây là một sự kiện hiếm hoi trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, khi trước đây Ngài luôn là tâm điểm của sự bắt bớ, gài bẫy của hàng ngũ lãnh đạo Do Thái. Với câu hỏi của Chúa: “Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít?”, người Do Thái không thể trả lời vì họ bị giới hạn bởi cái nhìn trần thế, họ chỉ hiểu được Đấng Thiên Sai là con cháu Vua Đavít và gọi Đavít là cha. Chúa Giêsu đặt ra câu hỏi nhưng cũng chính Ngài trả lời cho câu hỏi ấy, còn đám đông Do Thái chỉ biết “thích thú nghe Người nói.” Vậy câu trả lời của Chúa Giêsu nói lên được điều gì?

“Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?” (Mc 12,37). Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ta biết Ngài có 2 nguồn gốc: Ngài là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, có nguồn gốc thần linh nhưng cũng đồng thời đã nhập thể làm người trong dòng tộc Đavít. Đồng thời, Ngài cũng sửa lại những quan niệm sai lầm của người Do Thái về Đấng Thiên Sai con Vua Đavít và mở ra cho họ cái nhìn mới về Đấng Thiên Sai con Thiên Chúa.

Khi cho người Do Thái biết về nguồn gốc thật sự của Ngài, thì cũng đồng thời Chúa cũng cho họ biết căn tính và sứ vụ đích thực của mình. Từ một hình ảnh Thiên Sai đầy sự toan tính về chính trị, người Do Thái chỉ mong chờ một vị vua nối dòng Đavít biết khôi phục quyền thế, lãnh đạo dân chúng, chinh phạt thế giới. Chúa Giêsu đã đổi thành một Đấng Thiên Sai mang sứ mạng cứu rỗi nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi và mang con người lên cùng Chúa Cha để được hưởng hạnh phúc muôn đời, với con đường đau khổ và yêu thương. Qua đó, Chúa Giêsu khắc họa một hình ảnh Thiên Chúa tuyệt vời, vừa cao trọng, uy quyền, vừa gần gũi, yêu thương.

Khi suy nghĩ về nguồn gốc của Chúa Giêsu, chúng ta hãy khẳng định lại niềm tin của mình vào Đấng Thiên Sai trong bối cảnh tục hóa ngày hôm nay, phải chăng chúng ta đang tìm kiếm một Thiên Chúa do chính mình tô vẽ lên như người Do Thái xưa, chứ không phải một Thiên Chúa do chính Ngài mặc khải? Phải chăng chúng ta đang tìm một Thiên Chúa không có thập giá, một sự thỏa hiệp với những dục vọng của bản thân? Vì thế, khi chúng ta khẳng định lại niềm tin của mình vào Thiên Chúa như chính Ngài mạc khải qua Đức Kitô, thì cũng là lúc chúng ta bước sâu hơn vào mầu nhiệm Cứu Chuộc của Ngài, để từ đó chúng ta biết từ bỏ những dục vọng, những đam mê trần thế mà biết quay về cùng Chúa là Cha.

“Lạy Chúa, con Vua Đavít, xin thương xót con. Này đây, chúng con xin dâng lời chúc tụng Chúa trong vinh quang Phục Sinh. Chúa là ánh sáng, là đường là sự thật và là sự sống của chúng con. Xin ban thêm ơn đức tin để chúng con tin nhận Chúa là Đấng cứu rỗi và ban ơn Thánh Thần để chúng con làm chứng cho Chúa trước mặt anh chị em”.

[/loichua]

Comments are closed.