Thứ Sáu Tuần 3 Mùa Vọng – Ngày 18/12/2020

Lời Chúa: Mt 1,18-24.

Chúa Ki-tô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây : Mẹ Người là Ma-ri-a đính hôn với Giu-se, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giu-se bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo : “Hỡi Giu-se, con vua Ða-vít, đừng ngại nhận Ma-ri-a về nhà làm bạn mình, vì Ma-ri-a mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần ; bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng : “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Khi tỉnh dậy, Giu-se đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền. Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Ma-ri-a sinh con trai đầu lòng, thì Giu-se đặt tên con trẻ là Giê-su.

 


Suy niệm

VÂNG PHỤC THÁNH Ý CHÚA THEO GƯƠNG THÁNH GIUSE

“Khi tỉnh dậy, Giu-se đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền” (Mt 1,23).

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua những giấc mơ. Có những giấc mơ chỉ đơn thuần là hiện tượng thể lý của con người. Nhưng cũng có những giấc mơ là cuộc gặp gỡ kì diệu giữa Thiên Chúa và con người. Quả vậy, Thánh Kinh cho thấy giấc mơ là phương thế Thiên Chúa dùng để viếng thăm và mạc khải cho con người biết thánh ý Ngài. Nơi bài Tin Mừng hôm nay, nhờ lời thiên thần báo mộng, Thánh Giuse nhận ra được thánh ý Chúa nơi cuộc đời mình. Thánh nhân đã mau mắn vâng phục và thi hành thánh ý Chúa.

Khi nhận thấy điều lạ thường xảy ra nơi Đức Maria, Thánh Giuse đã quyết định lìa bỏ vị hôn thê của mình cách kín đáo. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, quyết định này xuất phát từ tâm hồn công chính của Thánh Giuse. Ngài hoàn toàn tôn trọng công trình của Thiên Chúa đang thực hiện nơi Đức Maria. Nhưng khi nhận biết thánh ý Chúa qua lời thiên thần truyền, Thánh Giuse đã mau mắn đón Đức Maria về nhà mình. Chúng ta có thể nhận thấy dù ý định ban đầu hoàn toàn ngay lành, nhưng Thánh Giuse vẫn sẵn sàng từ bỏ để vâng phục theo thánh ý Chúa. Hơn thế nữa, Ngài còn tích cực cộng tác để thánh ý từ ngàn đời của Thiên Chúa được ứng nghiệm nơi cuộc đời Chúa Giêsu. Thánh Nhân đã vượt mọi khó khăn để giúp Hài Nhi Giêsu thoát khỏi tay bạo chúa Hêrôđê, hầu ứng nghiệm lời tiên tri : “này Ta gọi con Ta ra khỏi đất Ai Cập” (Hs 11,1). Qua việc đặt tên, Thánh Giuse đã mang đến cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu vua Đavít, để ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia : “này đây, đã tới ngày Ta gây cho Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ là vua thống trị” (Gr 23,5). Như vậy, Thánh Giuse quả thực là mẫu gương sáng ngời trong việc biết từ bỏ ý riêng và nỗ lực hết mình để vâng phục theo thánh ý Chúa.

Để có thể vâng phục thánh ý Chúa như Thánh Giuse, trước hết, chúng ta cần chăm chú lắng nghe điều Chúa phán bảo với mỗi người. Ngày nay, nhiều người cho rằng Thiên Chúa không còn nói với con người như trước kia. Thực ra, Ngài vẫn đang nói với con người, nhưng vì bận tâm với những ồn ào của cuộc sống, nên người ta không còn nghe được tiếng Chúa. Thiết nghĩ, việc lắng đọng tâm hồn trong những giờ nguyện gẫm, giờ lectio divina, đặc biệt trong các cử hành phụng vụ sẽ giúp chúng ta lắng nghe và nhận biết thánh ý Chúa. Kế đến, chúng ta cần chú tâm tới thái độ đón nhận thánh ý Chúa. Như xưa, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ phải mở rộng cõi lòng để tiếp nhận Lời Chúa và đưa ra thực hành (x. Lc 6,47-49; 8,21). Lời dạy bảo đó nhắc nhớ chúng ta cần đón nhận thánh ý Chúa với tất cả đức tin và lòng vâng phục. Đồng thời, dùng mọi khả năng Chúa ban để thi hành. Sau cùng, chúng ta được mời gọi biết khiêm hạ từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa. Công Đồng Vaticanô II mời gọi những người sống đời tu trì biết dâng hiến ý riêng của mình như lễ vật dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó, họ liên lỉ kết hợp vững bền với thánh ý mang lại ơn cứu độ (x. DT 14). Đồng thời, Công Đồng còn cho thấy mục đích cao cả của việc từ bỏ ý riêng là để phục vụ Chúa và anh chị em của mình (x. LM 15).

Xin cho chúng ta luôn nhạy bén nhận ra thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống. Để từ đó, mỗi người biết sẵn lòng từ bỏ ý riêng mà hết lòng vâng phục và thi hành theo thánh ý Chúa.


Comments are closed.