Thứ Sáu Tuần 28 Thường Niên – Ngày 16/10/2020

Lời Chúa: Lc 12,1-7

Trong lúc ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.”

“Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

 


Suy niệm

ĐỪNG SỢ THẾ GIAN NHƯNG KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục.” (Lc 12,4-5)

Là những chứng nhân của Chúa Giêsu giữa dòng đời, chúng ta được Chúa sai đi như “chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Đã là chiên đi vào giữa bầy sói, hẳn có rất nhiều điều khiến chúng ta sợ hãi. Giữa những nỗi sợ đó, Chúa dạy ta phải làm gì? Câu trả lời được tìm thấy trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Trong đó, động từ “sợ” được sử dụng bốn lần, hai lần ở thể phủ định: đừng sợ, và hai lần ở thể khẳng định: hãy sợ. Vậy chúng ta đừng nên sợ gì, và nên sợ gì, và phải sợ như thế nào?

Trước hết, Chúa dạy “đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa” (Lc 12,4). Sự sống thể lý là điều quý giá, nhưng chẳng đáng gì so với sự sống đời đời. Nếu phải đánh đổi cái tạm thời, ngắn ngủi ấy để có được cái bền vững, đời đời, điều đó thật đáng để ta hy sinh, như lời Chúa dạy: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39). Vậy nên chúng ta đừng sợ. Thêm nữa, chúng ta còn không sợ vì biết rằng mọi biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời mình đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Mấy con chim sẻ rẻ bèo còn được Chúa quan tâm, huống chi là chúng ta. Lời Vịnh gia xưa đã từng nói:

“Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy;

mọi ngày đời được dành sẵn cho con

đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,

trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.” (Tv 139,16)

Vậy ta phải sợ gì? Thưa, hãy biết sợ Thiên Chúa, Đấng làm chủ cả vận mệnh đời này lẫn đời sau của ta, “Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục” (Lc 12,5). Cụm từ “sợ Thiên Chúa” ở đây không có ý diễn tả sự khiếp đảm, kinh hãi trước Thiên Chúa vì coi Ngài như là mối hoạ hay mối nguy hiểm. Đúng hơn, nó diễn tả sự quy phục và lòng yêu mến ta dành cho Ngài, xem Ngài là ưu tiên số một và duy nhất của cuộc đời, vì tin rằng Ngài là Đấng quyền năng và tốt lành vô cùng. Như vậy, sợ Thiên Chúa không phải là khiếp sợ, mà là kính sợ: sợ với lòng kính yêu, kính trọng và kính phục.

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều điều khiến chúng ta lo sợ: sợ thất bại, sợ bị thua kém so với bạn bè, sợ không được người khác kính trọng, sợ một tương lai bấp bênh không như ý muốn, sợ những tai ương bất trắc có thể xảy đến,… Chúa dạy chúng ta đừng sợ những điều đó. Trái lại, trước hết và trên hết, hãy học cho biết kính sợ Thiên Chúa và làm đẹp lòng Ngài, vì như lời sách Huấn ca nói: “khôn ngoan là hết lòng kính sợ Đức Chúa” (21,11), và những ai kính sợ Ngài thì tìm điều Ngài ưa thích (x. 2,16). Lúc này đây, mỗi chúng ta hãy tự hỏi: đâu là điều tôi đang bận tâm nhất? Tôi sợ Chúa hay sợ đời? Tôi đang gắng công làm đẹp lòng Chúa hay làm vừa ý người? Tôi đang sống dưới cái nhìn của Chúa hay sống dưới ánh mắt trần gian?

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta đừng quá lo lắng hay sợ hãi những sự đời, nhưng một lòng học biết kính sợ Thiên Chúa, chuyên tâm tình thánh nhan Ngài và sống sao cho đẹp lòng Ngài.


Comments are closed.