Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh – Năm B

Lời Chúa: Lc 5, 12-16

Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”. Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”. Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.

 


Suy niệm

 Lời cầu xin của người cùi nghe qua thật đơn giản, nhưng chất chứa một lòng tin vững vàng. Anh không xin được chữa lành bệnh mà xin được sạch, sạch về thể xác lẫn tâm hồn. Cái “không sạch” đã loại anh ra khỏi cộng đoàn nên điều anh thưa với Chúa cũng hàm ý xin ơn tha thứ tội lỗi đã phạm. Anh chủ động đến gặp và mở lời xin Chúa Giêsu chữa lành. Thái độ chủ động này nói lên lòng khao khát được sạch. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc anh chuyển từ thế chủ động sang thế bị động khi đặt mình trước lòng thương xót của Chúa : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn”. Khi đặt mình ở thế bị động anh đã tôn vinh quyền năng và lòng xót của Chúa vì “Ngài có thể”. Chính thái độ đặt để ý Chúa chi phối đời anh làm trái tim Chúa Giêsu rung lên, “Người chạnh lòng thương”. Đáp lại một niềm tin vững vàng và lòng phó thác tuyệt vời như thế, Chúa Giêsu đã “phá rào” khi “giơ tay đụng vào anh”. Cái đụng chạm thể xác chữa lành bệnh cùi bên ngoài, đồng thời cũng diễn đạt sự đụng chạm bên trong tâm hồn khiến tội của anh được tha thứ: “Tôi muốn, anh sạch đi”. 

 Lời cầu xin của người cùi và phép lạ Chúa chữa lành bệnh cho anh mời gọi chúng ta hồi tâm suy nghĩ. Trước hết là suy nghĩ về lòng tin, sự phó thác của mỗi người chúng ta nơi Chúa. Tiếp đến là xét xem mình có đối xử với Chúa như một vị “thần đèn” chỉ để thoả mãn những lợi ích và nhu cầu của chúng ta không? Và cuối cùng, hồi tâm suy gẫm về cách thức chúng ta cầu xin như lời thánh Giacôbê nhắc nhở: “anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý” (Gc 4,3). Chúa là Cha nhân lành tuôn đổ hồng ân xuống trên người lành lẫn kẻ dữ. Thế nhưng, cơn mưa ân sủng chỉ đọng lại nơi mảnh đất tâm hồn nào biết trũng xuống vì khiêm tốn và phó thác trước mặt Chúa. 

Lạy Chúa, qua mầu nhiệm Nhập thể, Chúa đã tỏ lòng yêu thương nhân loại cách đặc biệt khi muốn chia sẻ thân phận làm người như chúng con. Xin cho chúng con mỗi ngày khi chiêm ngắm Chúa là thêm một lần cảm nhận tình yêu Chúa dành cho chúng con. Và khởi đi từ tình yêu của Chúa chúng con cũng biết mang niềm vui, niềm hy vọng và niềm tin vào Chúa đến những người đang sống ở vùng ngoại biên của xã hội hôm nay. Amen. 


Comments are closed.