Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên – Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ – Ngày 07/10/2021

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

 


Suy niệm

TIẾNG XIN VÂNG HUYỀN NHIỆM

“Đức Maria liền thưa : Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 2, 38).

“Từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, Mẹ trở nên Thánh Mẫu tuyệt vời. Nhờ Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa đến với nhân loại. Huyền nhiệm quá, muôn đời, tiếng xin vâng”. Khi nghe bài hát này, có lẽ nhiều người trong chúng ta thấy tiếng xin vâng của Đức Mẹ sao tuyệt vời thế, sao nhẹ nhàng thế. Và trong đoạn Tin Mừng, Đức Mẹ cũng chỉ thắc mắc có chút xíu. Khi được sứ thần giải đáp, Mẹ liền đồng ý ngay. Tuy nhiên, nếu đặt mình trong khung cảnh văn hóa của người Do Thái thời ấy, ta sẽ thấy mọi chuyện không hề đơn giản.

Để có thể đáp tiếng xin vâng với chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Mẹ phải đối diện với rất nhiều những gian nan khốn khó.

Thứ nhất, Đức Mẹ đối diện với án tử hình ngay trước mặt, vì con gái chửa hoang thì phải ném đá cho đến chết.

Thứ hai, Đức Mẹ phải đối diện với sự nghi ngờ của thánh Giuse, làm sao để giải thích cho người bạn đời đã đính hôn sự thật về bào thai mình đang mang.

Bên cạnh đó, sự bàn ra tán vào của hàng xóm, sự mất danh dự của bản thân, của cha mẹ, cũng là những điều rất khó để vượt qua. Thế nhưng, Đức Mẹ đã phó thác tất cả, bỏ đi chương trình riêng tư của bản thân để thuận theo chương trình của Thiên Chúa.

Tiếng xin vâng huyền nhiệm của Đức Mẹ được khởi đầu bằng một tiếng xin vâng khác còn cao cả và huyện nhiệm hơn muôn phần. Đó là tiếng xin vâng của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Sự cao cả và huyền nhiệm đó được thánh Phaolo diễn tả thật tuyệt vời trong thư gởi tín hữu Philiphê : Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi. Đây có lẽ là một trong những tước hiệu gần gũi và thân thương nhất đối với đa số các tín hữu. Tràng chuỗi mân côi cũng là một phương cách cầu nguyện cho tất cả mọi người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, giúp chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi công việc đều biết thưa tiếng xin vâng thánh ý Thiên Chúa như Chúa Giêsu và Đức Mẹ, ngõ hầu cả cuộc đời chúng ta trở nên bài Magnificat ca tụng Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời với nhiều màu sắc của bốn mùa Vui Sáng Thương Mừng.


Comments are closed.