Thứ Năm Tuần IV Thường Niên – Ngày 1/2/2024

Lời Chúa: Mc 6,7-13

Khi ấy, Chúa Giê-su gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo : “Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

 


Suy niệm

ĐỨC VÂNG PHỤC CỦA ĐỨC GIÊSU VÀ CỦA CHÚNG TA

Chúa Giê-su gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi” (Mc 6,7).

Nghi thức sai đi là nét đặc sắc trong Giáo Hội. Việc sai đi hàm chứa trong đó sự vâng phục. Các thừa sai tiếp nhận lời sai đi vì họ vâng phục Đấng sai đi và đức vâng phục sống động trong sứ vụ của các thừa sai ấy.

Thật vậy, vâng phục là một tương quan, cụ thể là tương quan giữa nhà thừa sai và Đấng sai đi. Khi sai các tông đồ đi, Đức Giêsu đã ban cho các ông năng quyền trên các thần ô uế, căn dặn các ông kỹ càng những việc phải làm. Từ đó, mọi hoạt động của các tông đồ đều thể hiện ý định của Đức Giêsu và dựa trên quyền năng của Người. Điều này cũng được thể hiện nơi sự vâng phục của Đức Giêsu. Người tiếp nhận sứ vụ của mình trong tương quan Cha – Con. Thánh ý Cha là nguồn sống của Con (x. Ga 4,34) và nguồn sống này quan trọng hơn mọi phương tiện của trần gian. Đồng thời, ý muốn của Cha là niềm vui, niềm hoan lạc của Con (x. Lc 10,21) cho dẫu ý muốn của Cha đi ngược lại với những khôn ngoan thế gian. Ý muốn ấy cũng chính là động lực để Con có thể vâng lời Cha đến cùng khi chết trên thập giá (x. Pl 2,8). Cả cuộc đời của Đức Giêsu là sự vâng phục Cha và sự vâng phục này thành toàn sứ mạng cứu độ của Người. (x. Rm 5,19). Con sống là sống hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Tương quan tình yêu Con dành cho Cha trọn vẹn cũng được thể hiện trong sự vâng phục. Hơn nữa, chính người môn đệ cũng mang trong mình tư cách là con trong Đức Kitô. Vì thế, tương quan Cha – Con vừa là gương mẫu vừa là nền tảng đức vâng phục của người môn đệ Đức Giêsu.

Vậy, những lời căn dặn của Đức Giêsu khi sai các tông đồ đi có ý nghĩa gì cho đức vâng phục của chúng ta? Đích đến của sự vâng phục trong cuộc đời Đức Giêsu là thập giá. Thập giá ấy được Người chấp nhận cách tự do, không một điều kiện nào. Người dứt khoát vâng phục thánh ý Chúa Cha, bất chấp những từ chối, chống đối và cám dỗ đi ngược lại. Nhờ đó, biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu trở thành nguồn ơn cứu độ. Như thế, khi sai các tông đồ ra đi, Người đã mong muốn các ông thực hành những lời Người căn dặn vì Người đã sống những lời căn dặn ấy và đó là phương cách để đức vâng phục của chúng ta có thể tiến đến thành toàn trong tương quan nên một với Đức Giêsu và trong tương quan là con với Chúa Cha khi ta tiến bước với thập giá đời mình.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, xin giúp của sống trọn vẹn đức vâng phục của chúng con trong lòng Mẹ Giáo Hội. Amen.


Comments are closed.