Thứ Hai Tuần X Mùa Thường Niên – Ngày 07-06-2021

Lời Chúa: Mt 5,1-12

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:

3 Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

 


Suy niệm

SẦU KHỔ VÀ ĐƯỢC ỦI AN

“Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5, 5).

Từ ngàn xưa, đau khổ luôn là một bí ẩn lớn đối với con người. Đau khổ luôn hiện diện trong cuộc đời của mỗi người. Đã là con người, không ai tránh được những lúc nỗi đau khổ buồn sầu bén rễ tận trong tâm hồn. Thế nhưng, con người không được Thiên Chúa dựng nên để chịu đau khổ, nhưng để được hạnh phúc. Sách giáo lý Hội Thánh Công giáo khẳng định: con người sống ở đời này để đi tìm hạnh phúc, và hạnh phúc thật chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, không ít trường hợp nói về người sầu khổ. Có thể kể ra một và trường hợp: những người lưu đày khi ngồi bên dòng Babylon, nghĩ về cố hương và đền thờ Giêrusalem, đã “nức nở” mà tưởng nhớ Xion (Tv 137). Họ sầu khổ khi có những kẻ phỉ báng Thiên Chúa, nghi ngờ niềm tin của họ, đến độ “châu lệ là cơm bánh đêm ngày, khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi, này Thiên Chúa ngươi đâu” (Tv 42).

Đức Giêsu, trong thân phận con người, cũng có lúc cảm thấy sầu khổ. Ngài đã rơi những giọt nước mắt cảm thương khi Lazarô chết (x. Ga 11, 35). Ngài đã khóc thương cho những kẻ cứng lòng khi những người dân thành Giêrusalem chỉ lo tự hào về vẻ bề thế của Đền Thánh mà không nhận biết Đấng Thiên Sai đích thực đang ở giữa họ (x. Lc 19, 41). Ngài đã trải qua nỗi sầu khổ của kẻ khao khát thực thi thánh ý Chúa Cha nhưng bị người đời khinh khi, dè bỉu, hiểu nhầm trong những phút canh thức đầy thổn thức trong vườn Giêtsimani, và qua những giờ phút cô độc khổ sầu trên thập giá khi thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (x. Mc 15, 34).

Trong bài giảng Bát phúc, Đức Giêsu đã mang lại cho nỗi khổ sầu một ý nghĩa mới. Nỗi khổ sầu trở thành một mối phúc cho con người. Người sầu khổ trở thành người được chúc phúc: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5, 5). Chúa không khuyến khích ta đi tìm đau khổ, nhưng mời gọi chúng ta, trong những phút sầu khổ của cuộc đời, bằng ánh sáng đức tin tìm ra được ý nghĩa từ đau khổ. Hãy cứ kiên trì trong sự tin tưởng vào lòng nhân hậu Chúa, “hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy” “những kẻ ẩn náu bên Người” sẽ luôn tìm được bình an, hạnh phúc (x. Tv 34,9). Khi người tín hữu chịu đau khổ, họ được thông phần vào những nỗi khổ sầu của Chúa Giêsu, để nhờ đó, họ được chứa chan niềm an ủi. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng từ bi lân ái, luôn sẵn sàng ủi an những kẻ sầu khổ, để sau khi được chứa chan niềm an ủi, đến lượt mình, họ trở nên những con người biết cảm thương, ủi an những người khác đang trong cơn sầu khổ (x. 2Cr 1, 4-5).

Xin Chúa giúp chúng ta biết cảm nhận được sự ủi an, yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa trong những lúc gian nan, sầu khổ. Đồng thời, xin cho chúng ta trở nên những người biết cảm thương và ủi an những ai đang lâm cơn sầu khổ, để tình thương của Chúa được lan rộng, và mỗi chúng ta cũng xứng đáng với niềm hạnh phúc của kẻ “được Thiên Chúa ủi an”.


Comments are closed.