Thứ Hai sau Chúa Nhật 2 Phục Sinh – Ngày 24/04/2017

Lời Chúa: Ga 3, 1–8

Khi ấy, trong nhóm biệt phái, có người tên là Nicôđêmô, một đầu mục của người Do-thái. Ông đến thăm Chúa Giêsu ban đêm và thưa rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi nhận biết Thầy là một vị tôn sư Thiên Chúa uỷ phái đến. Vì không ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người đó”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Chúa”. Nicôđêmô thưa Chúa rằng: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa sao?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Tôi bảo thật cho ông biết, nếu không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không ai được vào nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi huyết nhục, thì là huyết nhục; và sự gì sinh bởi Thần Linh, thì là thần linh. Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy”.


Suy niệm

TÌNH CHÚA – TÌNH NGƯỜI

“Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3, 8).

Gió với các nhà khoa học đơn thuần chỉ là sự chuyển dịch của không khí từ nơi áp suất cao về nơi áp suất thấp. Khi xuất hiện trong bài thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh, gió trở thành trạng thái cảm xúc mông lung vô định của một tâm hồn đang yêu: “Sóng bắt đầu từ gió; Gió bắt đầu từ đâu; Em cũng không biết nữa; Khi nào ta yêu nhau”. Nhưng dưới mặc khải, gió trở thành một trong những biểu tượng của Chúa Thánh Thần – Đấng mà nhờ có Ngài ta được sống đời sống thiêng liêng trong Thiên Chúa. Như vậy, thật bất ngờ và không hề gượng ép, bằng một phép biến đổi toán học đơn giản sử dụng tính chất bắc cầu, ta dễ dàng nhận thức rằng: Thánh Thần là tình yêu. Tuy nhiên, trong sự nhận thức này, tồn tại một điểm khác biệt cốt yếu đủ sức đánh đổ chính nó. Đó chính là trương độ giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người.

Con người dù ở lứa tuổi nào cũng đều mong ước có một tình yêu đẹp, yêu không toan tính, một tình yêu chỉ biết hi sinh. Thật ra, tình yêu đôi lứa là kinh nghiệm ích kỉ nhất mà một người có thể nếm trải, theo ý nghĩa chính xác nhất của từ này. Yêu một người là vị kỉ. Ta yêu một người bởi trước hết nơi người ấy tồn tại những “giá trị” theo tiêu chuẩn của riêng ta, khiến ta thấy hài lòng, hạnh phúc. Đó có thể là đôi mắt đẹp, nụ cười duyên hay giọng nói miền Tây Nam Bộ đầy trìu mến. Trái lại, tình yêu của Thánh Thần là một tình yêu thuộc về yếu tính, kiểu như có hiện hữu là có yêu, như thể hiện hữu chỉ để yêu và yêu chỉ để hữu được thật sự tỏ hiện tròn đầy. Tuy nhiên, thế giới trong đó ta lớn lên, một thế giới mà tình yêu mọi người dành cho nhau là một tình yêu vị kỉ, và như thế, một cách nào đó dù trong ý thức hay vô thức, chính tình yêu ấy đôi khi khiến ta không thể hiểu nổi một tình yêu nhưng không Thiên Chúa dành cho con người, không giải thích được vì sao Thiên Chúa lại tạo dựng con người để rồi bị chối bỏ, loại trừ; càng không sao lí giải vì lẽ gì mà Con Thiên Chúa xuống thế làm người, sống, yêu, và chết vì con người.

Vậy chúng ta cần phải làm gì? Hãy để Thần Khí được hoạt động. Bí tích Rửa Tội đã sinh lại chúng ta làm con Thiên Chúa, nhưng nếu cứ mãi làm một đứa trẻ mà không chịu lớn lên, thật chúng ta đã khởi sự trong Thần Khí nhưng lại kết thúc trong xác thịt. Tuy nhiên, nếu mỗi người để Thần Khí hoạt động trong cuộc sống của mình, nếu chúng ta trung thành đáp trả lại sự hiện diện của Thần Khí ở trong ta, khi đó, ta sẽ có thể mở ra một cánh cửa sổ trên những tình cảm, cảm xúc, những đam mê, và để Thần Khí chỉ cho ta cách đưa những tình cảm ấy vào việc phục vụ cuộc hành trình dài đi vào trong cõi lòng Thiên Chúa. Nhờ thế, một cộng đoàn thiêng liêng mới sẽ được hình thành, không phải là cái gì đặc biệt, áp đặt hay thuyết phục thế giới, mà trái lại, là một cái gì đó nhỏ bé, mai ẩn và rất khiêm tốn, hiếm khi bị thế giới phát triển nhanh này phát hiện. Đó là quà tặng lớn nhất con người có thể lãnh nhận, một quà tặng phải được nâng niu, gìn giữ cẩn thận và kiên trì đưa tới sự trưởng thành viên mãn.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy là cơn gió mát thổi vào đời chúng con, thổi vào Giáo Hội, thổi vào thế giới, để đem lại cho chúng con sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát. Xin Chúa Thánh Thần chiếu sáng đời chúng con bằng ngọn lửa nồng ấm của Ngài, để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, là làm cho vũ trụ này rực sáng yêu thương. Amen


Comments are closed.