Thứ Bảy tuần VII Phục Sinh – Ngày 27/5/2023

Lời Chúa: Ga 21, 20-25

“Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?”

Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”

 


Suy niệm

SỐNG SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIÁO HỘI

Câu Lời Chúa ý lực: “Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau” (Ga 21,20).

Giáo Hội là sự hiệp thông. Hiệp thông tạo nên sứ vụ và sứ vụ kiến tạo sự hiệp thông. Thế nhưng, Công nghị Đức diễn ra như một lời khẳng định cho chúng ta thấy: sống sự hiệp thông không phải là chuyện đơn giản. Để có thể duy trì sự hiệp thông, một nguyên tắc quan trọng rất cần được các thành viên Giáo Hội thực hiện đó chính là nguyên tắc Phêrô: cum Petro et sub Petro. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một mẫu gương sống động về việc thực hiện nguyên tắc trên nơi Tông đồ Gioan.

Có thể nói, Gioan là người cảm nghiệm được tình yêu Chúa cách sâu xa nhất. Gioan đã tự mô tả mình với danh xưng: người môn đệ Chúa thương mến. Ông là người môn đệ duy nhất được nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy” (Ga 21,20). Chỉ mình Gioan đã đi trọn hành trình thập giá với Chúa. Chính tình yêu Chúa đã giúp Gioan vượt qua được sự ghen tị vẫn thường có nơi bất cứ con người nào. Gioan đã không ghen tị với chức vị của Phêrô mặc dù ông là người được Chúa yêu hơn cả Phêrô. Chính tình yêu Chúa đã giúp Gioan có thể khiêm nhường dừng lại để Phêrô vào mộ trước mặc dù ông chạy nhanh hơn Phêrô và đã đến mộ trước. Cũng chính Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa và nói: “Chúa đó” (Ga 21,7), nhưng ông đã không nhảy xuống nước trước để đi gặp Chúa mà nhường lại phần vinh phúc ấy cho Phêrô. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta lại một lần nữa thấy sự tế nhị của Gioan. Tin Mừng mô tả: Phêrô quay lại thì thấy Gioan đi theo sau (x. Ga 21,20). Phêrô đang đi theo Chúa và quay lại thì thấy Gioan, tức là Gioan đang đi theo Phêrô. Gioan âm thầm theo sau từ xa để cho Phêrô có khoảng không gian riêng tư với Chúa. Gioan đã yêu Chúa, theo Chúa và cũng đi theo người Chúa đặt lên đầu là Phêrô. Gioan không ngại bước theo Phêrô, người thay quyền Chúa. Gioan vừa cùng Phêrô đi theo Chúa, vừa dưới Phêrô, theo sau Phêrô. Quả thật, tình yêu Chúa được thể hiện cách rất cụ thể trong đời sống của Gioan.

Không phải chỉ có Giáo Hội Đức tiềm ẩn những nguy cơ của sự chia rẽ, làm mất sự hiệp thông trong Giáo Hội. Sự chia rẽ ấy cũng có thể đang tiềm ẩn trong chính cộng đoàn chúng ta, trong chính mỗi người chúng ta. Sự ghen tị, lòng ham muốn hơn người vẫn luôn tiềm ẩn trong chúng ta. Nó có nguy cơ bùng phát ra ngoài bất kỳ lúc nào nếu chúng ta không có lòng yêu mến Chúa. Chỉ khi yêu Chúa thực sự, chúng ta mới sống tình huynh đệ chân thành với tha nhân. Chỉ khi yêu Chúa thực sự, chúng ta mới có thể loại bỏ những ghen tị, những so bì hơn thiệt với người khác. Chỉ khi yêu Chúa, chúng ta mới dám vác thập giá hằng ngày mà theo, chu toàn bổn phận hằng ngày và đỡ nâng thập giá cho tha nhân của chúng ta. Hãy bắt chước mẫu gương của Gioan, đến với Chúa, tựa vào lòng Chúa để cảm nghiệm sâu xa tình yêu Chúa và thể hiện tình yêu ấy qua việc sống sự hiệp thông trong Giáo Hội.

Sống đức vâng phục vẫn luôn là thách đố cho bất cứ ai, đặc biệt trong môi trường xã hội cổ vũ cho sự tự do tuyệt đối hôm nay. Chỉ tình yêu Chúa mới có thể giúp chúng ta sống được sự hiệp thông với nguyên tắc Phêrô: Cum Petro et sub Petro. Ước mong rằng, mỗi người chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình yêu Chúa và sống tình yêu Chúa qua từng chọn lựa trong ngày sống của chúng ta.


Comments are closed.