Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay – Ngày 06-03-2021

Lời Chúa: Lc 15, 1-3. 11-32

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: Người kia có hai con trai. Đứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình. Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Đó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

 


Suy niệm

TIN TƯỞNG VÀO LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA

“Ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn hồi lâu” (Lc 15,20)

Khi phạm tội, đặc biệt là những tội tày đình, con người dễ nản chí, thất vọng về bản thân và không dám nghĩ đến việc Thiên Chúa có thể tha thứ cho mình. Sứ điệp lời Chúa hôm nay cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa vượt xa hơn những gì chúng ta nghĩ, vượt qua mọi thứ logic của con người tội lỗi. Đó là nguồn động lực rất lớn để chúng ta vững tin vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa và mạnh dạn trở về vơi Ngài.

Người con thứ trong dụ ngôn đã xúc phạm đến cha mình, anh coi cha như đã gần chết khi đòi chia gia tài . Sự xúc phạm lên tới đỉnh điểm khi anh quyết định lấy những gì thuộc về mình, vậy đối với anh, người cha như đã chết. Với số tài sản ấy, người con thứ bỏ nhà ra đi, đó là hình thức anh công bố cắt đứt mối liên hệ với cha và gia đình. Ăn chơi đàng điếm trên vùng đất dân ngoại , anh bỏ quê hương đồng bào và bỏ đạo cha ông. Như vậy, anh đã cắt đứt những mối ràng buộc chính yếu của một con người: Gia đình, quê hương và tôn giáo. Điều này đồng nghĩa với việc anh không còn quyền làm con trong gia đình, không còn quyền thừa kế, không còn là người của dân tộc, là một người ô uế. Trên đất khách quê người anh đã sa cơ thất thế, đi chăn heo, đó là tận cùng của sự đồi bại. Thậm chí, anh không bằng một con heo khi muốn ăn thức ăn của nó cũng không được. Theo lẽ thường, người con thứ sẽ phải chịu chết, chết vì đói, chết vì không nơi nương tựa, chết vì không còn sự nâng đỡ tinh thần. Đó là hậu quả thích đáng xứng với những gì anh đã làm. Tuy nhiên, một điều lạ lùng đã xảy ra, nó xảy ra ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Khi “thân tàn ma dại” trở về, anh được cha tiếp đón nồng hậu. Mọi sự như đã được sắp sẵn cho khoảnh khắc này. Người cha truyền lấy áo thượng hạng “mặc cho cậu”, đó là dấu chỉ của ân sủng, người cha như choàng cho anh sự công minh chính trực bất chấp những lỗi lầm tày đình. “Xỏ nhẫn” là dấu chỉ phục hồi quyền bính, nghĩa là anh được trở lại chức vị làm con, có quyền thừa kế và mọi quyền lợi khác. “Xỏ dép vào chân cậu”, người cha như xác nhận anh là người con tự do, người con của ân phúc. Như thế, người cha đã quá yêu con mình đến độ không cần biết con đã làm gì, không cần biết con trở về từ đâu, không cần biết con ra sao, chỉ cần biết đó là con. Thế rồi, ông vồn vã hôn con như chưa bao giờ được hôn và mở đại tiệc để thỏa niềm vui ngày hạnh phúc.

Kể dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”, Chúa Giêsu muốn nói với cộng đoàn rằng, Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi Ngài luôn luôn chờ đợi và sẵn sàng xóa sạch tất cả những yếu đuối, sai lỗi của chúng ta. Thật vậy, Thiên Chúa sẽ nhảy múa từng bừng và triều thần thánh trên trời ca mừng hoan hỷ khi mỗi người biết ăn năn sám hối . Bất kể lúc nào trong cuộc đời, đặc biệt trong mùa chay thánh này chúng ta luôn được mời gọi “hãy trở về”. Nhân vô thập toàn, trước mặt Chúa ai cũng là tội nhân, đây là lúc thuận tiện để chúng ta đứng dậy trở về cùng Thiên Chúa và xưng thú những lỗi lầm của mình với niềm tin tưởng vào lòng nhân hậu của Ngài. Đến lượt mình, là những cha giải tội trong sứ vụ tương lai, chúng ta cũng biết kiên nhẫn, chờ đợi, đón nhận và sẵn sàng tha thứ cho hối nhân. Bên cạnh đó, chúng ta cần hướng dẫn các tín hữu luôn biết tin tưởng vào lòng nhân từ vô bờ bến của Thiên Chúa, để họ không bao giờ ngần ngại trở về. Đặc biệt, những linh mục trong tương lai cần trở nên sứ giả của Lòng Thương Xót, là dung mạo nhân từ của Thiên Chúa để nơi chúng ta được sai đến là thánh địa của Lòng Thương Xót.

Lòng nhân từ của Thiên Chúa ủ ấp tôi suốt cả cuộc đời , xin cho chúng ta biết tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa để biết trở về sống trong ân nghĩa với Ngài và luôn biết thao thức trở nên những thừa tác viên của Lòng Thương Xót trong sứ vụ tương lai.


Comments are closed.