Thứ Bảy Cuối Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Ngày 02-01-2020

Lời Chúa: Ga 1,19-28

Ðây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”. Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”. Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.Việc này xảy ra tại Betania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

 


Suy niệm

LÀM CHỨNG NHÂN CHO CHÚA GIÊSU KITÔ

“Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người” (Ga 1,27).

Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống đời đời (x. Ga 3,16). Con Một Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô đã xuống thế làm người, để cứu độ chúng ta. Vì thế, các Kitô hữu được mời gọi để giới thiệu cho người khác biết Chúa Giêsu và đón nhận Tin Mừng mà Ngài rao giảng.

Trước khi Chúa Giêsu công khai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Gioan Tẩy Giả đã là sứ giả dọn đường cho Ngài đến. Tin Mừng Thứ Tư nói về Gioan Tẩy Giả như sau : “Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1,7). Theo đó, sứ mạng của Gioan là làm cho dân Israel nhận ra và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Gioan đã chứng minh Chúa Giêsu chính là ánh sáng thật chiếu soi hết mọi người ở thế gian này (x. Ga 1,9). Cách đặc biệt, Gioan rao giảng kêu gọi người ta chịu Phép Rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội ; đồng thời, ngài có một đời sống khổ hạnh – mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng (x. Mc 1,4.6). Chính nhờ lời rao giảng và đời sống của Gioan mà nhiều người đã đến chịu Phép rửa. Vì vậy, giới lãnh đạo Do Thái đã thắc mắc và sai người đến hỏi về thân thế của Gioan rằng: Ông là ai ? ông có phải là Êlia hay một tiên tri nào đó không? Trước những câu hỏi đó, Gioan đã khẳng định rõ là ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, cũng không phải là Êlia hay tiên tri nào cả(x. Ga 1,20-21), nhưng chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế (x. Ga 1,23). Như vậy, Gioan đã không đón nhận những danh dự mà người ta gán cho mình, và ông còn quy hướng mọi danh dự và vinh quang về Đấng Cứu Thế khi khiêm nhường nói : “Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người” (Ga 1,27). Qua đây, chúng ta ghi nhận rằng Gioan Tẩy Giả là một chứng nhân đích thực cho Chúa Giêsu Kitô bằng chính đời sống và lời rao giảng.

Trải qua bao thế hệ, Giáo Hội vẫn luôn loan báo cho muôn dân được biết Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Cách riêng, mỗi Kitô hữu trong Giáo Hội cũng mang trong mình sứ mạng cao cả này. Bằng những cách thức khác nhau, nhiều người con của Giáo Hội đã trở thành những chứng nhân đích thực cho Chúa Giêsu. Trong nhiều chứng nhân đó, chúng ta có thể kể đến hai Thánh Giám mục là Basiliô Cả và Grêgôriô Nazianzênô mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay. Thật vậy, Thánh Basiliô Cả là một Giám mục đạo đức, một chứng nhân trung thành cho Chúa Giêsu. Hằng ngày, Thánh nhân cầu nguyện, ăn chay, nghiên cứu Kinh Thánh và viết nhiều sách tu đức. Thánh Giám mục Grêgôriô Nazianzênô, bạn thân của Thánh Basiliô Cả, cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn mà các lạc giáo đã gây ra cho Giáo Hội. Thế nhưng, ngài vẫn can đảm thi hành tốt sứ vụ Mục tử của mình và trở thành chứng nhân anh dũng của Chúa Giêsu qua chính đời sống hy sinh, khiêm tốn, đạo đức và thánh thiện. Gương sáng của các Thánh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu là như thế, còn ngày nay, chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để sống đời chứng nhân cho Chúa đây ?

Chúa đã Giáng sinh làm người và Chúa cũng đã hoàn thành sứ mạng cứu độ nhân loại rồi, nhưng vẫn còn nhiều người chưa biết Chúa cũng như chưa được lãnh nhận Tin Mừng cứu độ của Ngài. Vì thế, trong bầu khí của Mùa Giáng Sinh, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết giới thiệu và làm chứng cho Chúa bằng một đời sống bác ái, yêu thương, hiền hoà và chân thành, ngõ hầu những người đang chung sống với chúng ta sẽ biết đến Chúa và nhận ra Tin Mừng của Chúa nhờ đời sống chứng tá của chính chúng ta.


Comments are closed.