THỨ BA TUẦN V THƯỜNG NIÊN – Ngày 08/02/2022

Lời Chúa: Mc 7,1-13

Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận; thứ gì mua ngoài chợ về, phải rẩy nước rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răng của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. Quả thế, ông Môsê đã dạy rằng: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ sẽ bị xử tử!” Còn các ông, các ông lại bảo: “Người nào nói với cha mẹ rằng: những gì con có thể giúp cha mẹ là “co-ban” rồi, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa”, và các ông không để cho người ta làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông đã lấy truyền thống của các ông truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác như vậy nữa!”

 


Suy niệm

SỐNG ĐẠO

“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8)

Kính thưa cộng đoàn, tục lệ hay truyền thống là những kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều thế hệ. Truyền thống không chỉ là nét đẹp mang đặc trưng của văn hóa nhưng còn là việc kế thừa di sản của cha ông. Bối cảnh đoạn Tin Mừng của thánh Marcô cho chúng ta thấy một phần việc giữ truyền thống của người Do Thái thời bấy giờ. Tin mừng trình bày việc người Pharisiêu và kinh sư tụ họp lại để chất vấn Chúa Giêsu về việc một vài môn đệ của ngài đã không rửa tay trước khi ăn. Như thế, việc giữ truyền thống có gây xung khắc với luật mới mà Chúa Giêsu đã dạy hay không?

Một trong những truyền thống của người Do Thái là giữ luật thanh sạch. Họ không ăn gì trước khi chưa rửa tay cẩn thận. Họ giữ rất tốt truyền thống của tiền nhân. Thánh Marcô còn cho chúng ta biết thêm về điều này “thứ gì mua ngoài chợ về, phải rẩy nước rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.” (Mc 7,4) Do đó, việc các môn đệ không rửa tay trước khi ăn là một điều trái với truyền thống. Như vậy, phải chăng điều Chúa dạy đi ngược lại với truyền thống? Chúa Giêsu nhân điều này chỉ cho họ thấy cách thức giữ luật lệ cho xứng hợp. Chúa Giêsu không phản đối họ giữ luật lệ của tiền nhân nhưng giữ luật một cách hình thức như thế thì chưa đủ còn phải sống luật. Những hình thức giữ luật chỉ mang tính cách bề ngoài mà không có lòng yêu mến thì không đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa Giêsu trưng dẫn lời của ngôn sứ Isaia để cảnh tỉnh họ về lối sống hình thức này: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc7,6b). Chúa Giêsu đưa ra một dẫn chứng cụ thể: Thiên Chúa truyền dạy dân chúng phải thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ sẽ bị xử tử. Mà họ lại dạy rằng những gì người ta có thể giúp đỡ cha mẹ là lễ phẩm dâng Chúa rồi, thì người ấy không cần phải phụ giúp cha mẹ nữa. Điều này mang tính truyền thống nhưng đi ngược với luật Chúa là thảo kính cha mẹ. Như thế, việc giữ luật chỉ mang tính chất hình thức bên ngoài mà bỏ đi đạo lý là điều không đẹp lòng Chúa. Hơn nữa, luật của Thiên Chúa thì vượt lên trên những gì mang tính truyền thống.

Có thể sau khi nghe Lời Chúa, chúng ta cũng cảm thấy đồng tình với Chúa khi thấy những người này giữ luật cách hình thức. Tuy nhiên, họ có thể là chính chúng ta khi chúng ta quên duyệt xét lại lối sống đạo của mình. Đôi lúc, chúng ta tự bằng lòng với công việc đạo đức mình làm, giữ luật cách máy móc mà quên rằng điều Thiên Chúa muốn là sống lòng yêu mến. Việc sống hình thức dễ làm chúng ta có cái nhìn khắt khe, đố kị với những người khác không giống với chúng ta. Tuy nhiên, việc sống đạo phải khởi đi từ bên trong tâm hồn nghĩa là xuất phát từ lòng yêu mến chứ không bởi những hình thức bên ngoài. Luật lệ sẽ trở thành gánh nặng nếu không được chuyển hóa thành lối sống. Chủng viện là môi trường thuận lợi để chúng ta hun đúc lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Những lời nguyện tắt kèm với những việc hy sinh nho nhỏ phụ giúp anh em là những phương thế giúp chúng ta lớn lên trên hành trình nên thánh.

“Giữ đạo thì đạo mất, sống đạo thì đạo còn.” Việc sống đạo của chúng ta phải bắt nguồn từ lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em. Chúng ta có một mẫu gương sống trọn con đường yêu thương là Chúa Giêsu. Ngài đã dạy chúng ta cách sống và nên gương mẫu cho chúng ta trên hành trình nên thánh. Mỗi khi nhìn lên thánh giá Chúa, chúng ta xin Chúa ơn biết noi gương Chúa sống yêu thương và quảng đại, để mỗi ngày chúng ta càng tiến bước hơn trên con đường yêu thương và phục vụ tha nhân. Amen


Comments are closed.