Thứ Ba sau Chúa Nhật 6 Phục Sinh – Ngày 23/05/2017

Lời Chúa: Ga 16, 5-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến,Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.

 


Suy niệm

CHÚA THÁNH THẦN, NGUYÊN LÝ CỦA SỰ HIỆP NHẤT

“Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16, 7).

Hai động từ “đến” “đi” thường gợi lên trong tâm trí chúng ta sự gần gũi và sự xa cách về thể lý lẫn tâm lý: người đến đây vui ngày vui tháng, người đi rồi héo úa thời gian. Nếu là người ta thương mến, thì việc người đến sẽ mang theo nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc đoàn viên; và việc người đi sẽ để lại nhiều nỗi vấn vương, nhung nhớ. Những lời từ biệt của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, để lại cho các môn đệ nhiều nỗi nhớ thương da diết như vậy: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu’. Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền” (Ga 16, 5-6). Việc Chúa Giêsu ra đi, trước mắt để lại sự chia cắt với các môn đệ, nhưng sau đó sẽ đem đến sự trưởng thành thiêng liêng cho các ông: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 12-13). Nỗi buồn chia ly rồi cũng qua đi, nhưng sự trưởng thành thiêng liêng thì còn sâu đậm và ích lợi đến muôn đời. Quan trọng hơn, Chúa Thánh Thần sẽ cho các môn đệ thấy sự dối trá của thế gian, qua việc họ đã chối từ Đấng Cứu Thế, nhưng không phải để tạo nên sự hận thù, mà là để các môn đệ nhận ra quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa: “sự kết án trở thành biểu dương, thế giới của bóng tối đã từng chiến thắng lại đến lượt mình bị kết án” , từ đó các ông thêm vững mạnh trong đức tin, và can đảm trong sứ vụ.

Theo tâm lý tự nhiên, sự chia ly thường khiến chúng ta cảm thấy buồn, người lên ngựa kẻ chia bào, rừng phong thu đã nhuộm màu quan san. Khi về nghỉ tết, chúng ta cảm thấy vui vầy trong cảnh đoàn tụ của gia đình bao nhiêu, thì khi đi học hay trở lại với công việc, chúng ta lại thấy lưu luyến trong cảnh bùi ngùi chia ly bấy nhiêu. Bao lâu còn sống nơi thế trần, bấy lâu chúng ta không có sự đoàn viên mãi mãi. Sự đoàn viên muôn đời chỉ có trên Thiên Quốc mà thôi. Tuy vậy, ngay hôm nay, nếu ở trong Chúa Thánh Thần, chúng ta đã có sự hiệp thông với tất cả mọi người, cả với những người quen biết cũng như những người chưa quen biết, bởi vì Ngôi Ba Thiên Chúa chính là nguyên lý của sự hiệp thông (x.GLHTCG, số 813). Lời thánh Phaolô cầu chúc cho giáo đoàn Côrintô nói lên điều đó: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần” (2Cr 13, 13). Vậy, chúng ta hãy ở lại trong Chúa Thánh Thần, để được hiệp thông với nhau trong một Thiên Chúa duy nhất, một đức tin, một Phép Rửa và một Hội Thánh do Chúa Giêsu thiết lập.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin làm cho con trở thành mối dây nối kết mọi người với nhau trong Ngài. Và xin cho chúng con luôn ở trong Ngài, để cũng nên nguyên lý của sự hiệp thông. Ước gì ở đâu có sự hiện diện của chúng con, ở đó mọi người nhận ra tình yêu của Ngài nơi chúng con. Amen.


Comments are closed.