Thứ 7 Tuần 4 Thường Niên – Ngày 08/02/2020

Lời Chúa: Mc 6,30-34

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

 


Suy niệm

ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31)

Trong khung trời lộng gió, cánh diều sẽ chẳng tung mình vút bay cân bằng nếu không được neo vào sợi dây bền chắc, nhẹ nhàng. Cây non sẽ không lớn mạnh nếu không nỗ lực hút lấy dưỡng chất trong trời đất. Cũng thế, thân xác con người sẽ lớn lên làm sao được nếu không ăn uống. Vậy còn linh hồn con người sẽ ra sao nếu không kết hợp với Chúa bằng cuộc sống chân thành cầu nguyện và không hết lòng kín múc ân sủng nơi Chúa?

Trong Tin Mừng hôm nay, sau khi đã thực hiện việc rao giảng và những việc Đức Giêsu trao phó, các môn đệ quay về trình bày với Người công việc họ đã làm. Chúa bảo các ông tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi đôi chút (x.Mc 6,30). Trong Kinh Thánh, tìm nơi thanh vắng là tìm nơi gặp gỡ Thiên Chúa, trao đổi và cầu nguyện với Ngài. Nghỉ ngơi bồi dưỡng sức lực, xét lại công việc: nặng hay nhẹ, tốt hay xấu, kết quả ra sao. Phải cầu nguyện để có sức sống và sức mạnh (x.Mt 21, 21-22), tuy lúc này các ông còn hăm hở vì những thành quả và công việc làm được, thì chỉ ít lâu sau các ông phải mệt mỏi vì không có thời giờ để ăn uống, nghỉ ngơi. Vì thế, các ông cần phải cầu nguyện để lấy lại sức mạnh thể chất và tinh thần.

Chiêm ngắm cuộc đời Chúa Cứu Thế, ngoài đời sống hăng say hoạt động rao giảng Tin Mừng, chúng ta không thể không nói đến đời sống cầu nguyện của Ngài. Nhiều lần Chúa Kitô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Ngài không làm việc gì mà không cầu nguyện. Thật thế, trước khi rao giảng công khai, người vào hoang địa ăn chay cầu nguyện bốn mươi đêm ngày; khi chọn gọi các môn đệ Người cũng thức suốt đêm cầu nguyện với Chúa Cha. Trước khi làm các phép lạ và những biến cố đặc biệt Ngài càng cầu nguyện tha thiết hơn, trước khi về cùng Cha, trên Thánh Giá, Chúa còn cầu nguyện cho cả những kẻ mưu hại và đóng đinh mình. Cầu nguyện thành hơi thở trong nhịp sống của Chúa Kitô.

Thế giới hôm nay đang khủng hoảng, đời sống con người cũng bị khủng hoảng, ngay cả đời sống Giáo Hội và Kitô hữu cũng khủng hoảng nếu thiếu cầu nguyện. Cầu nguyện phải là việc ưu tiên cho đời sống tín hữu, đời sống thiêng liêng, đời sống tông đồ. Những người dấn thân muốn nên giống Chúa và gần gũi với Chúa càng cần phải cầu nguyện nhiều hơn.

Con người cần không khí để thở, cần nước để uống, cần thức ăn để nạp năng lượng và chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể. Đời sống thiêng liêng cũng ví như cơ thể vậy; cần cầu nguyện để tồn tại. “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện” (Ep 6,18). Cầu nguyện là giờ của con tim, không phải là giờ của suy nghĩ bóp trí nặn óc. Chúa dạy môn đệ cầu nguyện với mục đích gặp gỡ Chúa, thưa chuyện giữa Cha và con. “Khi cầu nguyện đừng lo phải nói gì, cứ vào phòng đóng kín cửa. Cha là Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ nghe lời con” (Mt 6,6). Cầu nguyện nuôi dưỡng và đặt nền tảng cho đời sống tín hữu, giúp ta “đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Lạy Chúa, Chúa không ngừng chở che bênh vực chúng con. Đời sống chúng con sẽ bớt khổ đau nếu có Chúa luôn đồng hành. Xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa, biết nương nhờ vào sức mạnh của Đấng Toàn Năng, để mỗi biến cố chúng con gặp là dịp để chúng con gần Chúa hơn.Amen.


Comments are closed.