Thứ 5 Tuần 4 Thường Niên – Ngày 06/02/2020

Lời Chúa: Mc 6,7-13

Khi ấy, Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông : “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

 


Suy niệm

DÁNG ĐỨNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ TRUYỀN GIÁO

“Đức Giêsu chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6,8-9).

Trong một bức thư gửi cho hai cha truyền giáo, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã có một ao ước cháy bỏng rằng: “Điều mà con đêm mong ngày đợi là chinh phục nhân loại cho Tình ái Chúa, con thú thực rằng nếu ở thiên đàng con không thể tiếp tục mạnh mẽ việc đó, thì con thích ở lại nơi lưu đày này hơn là về chốn Quê thật đời sau” (Têrêsa HĐGS, Một Tâm Hồn, dg. Kim Thiếu, tr. 451). Dẫu ở nơi Dòng Kín, thánh nữ đã thực hiện một cuộc xuất hành rao giảng Tin Mừng trong tâm hồn để hình thành dáng đứng của mình trên những miền viễn xứ. Không chỉ riêng thánh nhân, mà còn những ai mang trong mình nguyện vọng “cho danh Chúa cả sáng và mưu ích cho các linh hồn” cũng làm nên dáng đứng của người môn đệ truyền giáo.

Khi sai các môn sinh mình dấn bước truyền giáo, “Thầy Giêsu chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6,8-9). Lời chỉ thị của Thầy Giêsu nghe có vẻ lạ tai với những thính giả của kỷ nguyên công nghệ thời nay. Theo lẽ thường, ban quyền thì trao lực. “Lực” là tác nhân hỗ trợ để người nhận quyền có thể thi hành tốt sứ vụ được giao. “Nguồn lực” có thể là nhân lực, vật lực và tài lực. Thật ngược đời khi Thầy Giêsu lại chỉ thị các môn sinh của mình chuẩn bị hành trang ba không. Nhưng khi xét cho kỹ và suy cho thấu, lời chỉ thị ấy là kiểu hành văn gián tiếp để dọn đường mở lối cho giáo huấn sau này của Thầy Giêsu về việc “từ bỏ”: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30). Thái độ “từ bỏ” ấy đã làm nên dáng đứng của người môn đệ truyền giáo ba không (x. Mc 6,8-9).

Tuy hành trang là “ba không”, nhưng người môn đệ truyền giáo vẫn mang trong tim một bầu nhiệt huyết được gói ghém trong lời chỉ thị đầy tinh tế của Thầy Giêsu. Đó là hai vật dụng mà các môn sinh được mang theo: “gậy” “dép”. Hai vật dụng này khiến chúng ta hồi tưởng lại tinh thần của dân Israel chuẩn bị cho cuộc xuất hành vĩ đại ra khỏi Ai Cập mà tiến về miền Đất Hứa: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã” (Xh 12,11). Qua hai vật dụng “gậy” “dép” này, Thầy Giêsu muốn nhắn nhủ các môn sinh của mình là hãy mặc lấy tinh thần “mau mắn” “sẵn sàng” của dân Israel thời xuất hành trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng như lời Thầy đã từng nói với các môn sinh của mình: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38).

Tóm lại, dáng đứng của người môn đệ truyền giáo được hình thành khi và chỉ khi họ sẵn sàng bỏ lại tất cả sau lưng mình để “chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cr 12,6). Chính trong một cuộc đời đã được dốc cạn, Thiên Chúa lại đong đầy thần lực của Ngài. Thế nên, sẽ không chần chừ, trái lại người môn đệ truyền giáo sẽ sẵn sàng xuất hành rao giảng Tin Mừng, vì “thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15), cũng sẽ không ngần ngại tiến vào miền đất hứa tâm hồn của những người chưa biết Tin Mừng của Thiên Chúa, trái lại sẽ mau mắn nói về Chúa với họ. Ước chi người môn đệ theo Thầy Giêsu trong đời đại này luôn mặc lấy tinh thần “từ bỏ” “sẵn sàng” để tạo nên dáng đứng của người môn đệ truyền giáo.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mang trong mình nguyện vọng “yêu mến Chúa và làm mọi người yêu mến Chúa” ngõ hầu chúng con luôn xuất hành rao giảng Tin Mừng với một tinh thần nhẹ nhàng và thanh thoát, mau mắn và nhanh nhẹn. Amen.


Comments are closed.