Thứ 7 Tuần 20 Thường Niên- Ngày 25/08/2018

Lời Chúa: Mt 23,1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là “Thầy”, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là “cha”, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là “người chỉ đạo”: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

 


Suy niệm

AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN

“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”(Mt 23, 12).

Khiêm nhường là nhân đức giúp con người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và nhìn nhận sự thật về mình. Chúa Giêsu đề cao sự khiêm nhường nên Ngài nói: “Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”(Mt 11,29). Chúa Giêsu đã sống khiêm nhường như thế nào?

Tin Mừng cho biết Chúa Giêsu diễn tả khiêm nhường qua việc “hạ mình xuống”. Đó không phải hạ phẩm giá con người, nhưng là hạ tính tự cao tự đại, hạ thói kiêu căng ích kỷ. Nhiều vị thánh trong Giáo Hội đã nêu gương sáng hạ mình theo Lời Chúa. Mẹ Têrêsa Calcutta là người đã quên mình, hạ mình xuống để chăm sóc những bệnh nhân hấp hối. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hạ mình xin lỗi thế giới về những lầm lỗi trong quá khứ của Giáo Hội. Những hành động hạ mình ấy được khơi nguồn từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa”(x. Pl2,6) đã hạ mình trở thành một con người “trần trụi”. Để từ đó, Chúa Giêsu lại tiếp tục hạ mình xuống cứu chữa những người bất toại (x. Mt 9,6); Chúa hạ mình xuống nâng dậy người đàn bà phạm tội ngoại tình (x. Ga 8); Chúa hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13); Chúa thực hành tự hạ đến tận cùng khi chấp nhận chết nhục nhã trên thập giá, gánh lấy tội lỗi của nhân loại để con người được tôn lên.

Thiên Chúa nâng đỡ và phù trì cho những người biết khiêm nhường tự hạ. Vịnh gia cảm nghiệm điều này sâu sắc: “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi. Ai nghèo túng Người cất nhắc từ đống phân tro”(Tv 113,7-8). Đức Maria, người nữ tỳ hèn mọn được chúa đoái trông đã cất lên lời ca: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”(Lc 1,52). Phần thưởng Chúa Giêsu hứa ban cho người khiêm nhường: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(x. Lc 14,11). Chúa không tôn địa vị danh giá trước mặt người đời, mà cho người khiêm nhường được nên công chính (x. Lc 18,14), cho họ vào Nước Thiên Chúa hưởng ơn cứu độ muôn đời (x. Mc 10,15). Mẹ Maria, một trinh nữ khiêm nhường chỉ muốn làm tôi tớ Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa cho làm Mẹ của Con Ngài (x. Lc 38.43), làm mẹ nhân loại. Đức Giêsu Kitô là khuôn mẫu của sự khiêm nhường tự hạ, đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh: “Đây là Con Ta yêu dấu”(Mc 9,7). Ngài sẽ trở lại vào ngày sau hết với danh hiệu “Vua các vua, Chúa các chúa”(x. Kh 19,16).

Lạy Chúa, chúng con biết rằng mọi sự chúng con “có” đều do bởi Chúa và sự trợ giúp của đồng loại. Xin cho chúng con luôn biết tận dụng tất cả những phương tiện Chúa ban để hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em trong khiêm tốn. Amen.


Comments are closed.