Thứ 6 Tuần III Phục Sinh – Ngày 10/05/2019

Lời Chúa: Ga 6,52-58

Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”. Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.

 


Suy niệm

TRỰC GIÁC VÀ ĐỨC TIN

“Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?” (Ga 6,52).

Dùng lý trí và trực giác là cách để con người tìm đến chân lý. Thế nhưng, tiếp cận với Thiên Chúa, lý trí và trực giác chỉ giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa phần nào. Dọc dài lịch sử, nhiều khi con người trực giác sai lầm về Thiên Chúa. Thế nên, Thiên Chúa không muốn con người mày mò dự đoán về Ngài mãi. Ngài chấp nhận mang lấy thân phận con người để tỏ lộ chính Ngài cho con người, qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người.

Thật vậy, Chúa Giêsu luôn dùng lời nói và phép lạ giúp con người thấu hiểu Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người. Tại Caphanaum, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để dân được sống và sống dồi dào hầu giúp họ nhận ra Người là Đấng ban sự sống. Người dùng lời nói đưa dân sống lại ký ức mà cha ông họ đã được Đức Chúa nuôi sống bằng manna trong sa mạc; rồi Người dẫn họ đến chân lý là đón nhận chính Người làm của ăn để được sống muôn đời. Người Do Thái năm xưa khi thấy việc làm và lời nói của Chúa Giêsu, họ trực giác về Người chỉ là Êlia, là Tiên tri, v.v. Họ thiếu một điều để đạt đến chân lý: Chúa Giêsu là Thiên Chúa, điều mà Thánh Phaolô nói với Timôthê: chúng ta biết chúng ta tin vào ai, vì nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của chúng ta trở nên vô ích và chúng ta là những người đáng thương nhất trên thế gian này.

Trước Thánh Thể, con người không thể suy luận kiểu như phân tích hóa học: tinh bột bánh mỳ sao biến thành protêin-thịt được? Vậy nên, sau mỗi lần truyền phép bánh và rượu Giáo Hội đều tuyên xưng: Đây là mầu nhiệm đức tin. Một lời tuyên xưng được đúc kết bằng cảm nhận lý trí và tình yêu của Giáo Hội qua tháng năm: lấy đức tin bù lại khi giác quan không cảm thấy gì. Lời tuyên xưng mời gọi con người đến và đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Hay nói khác đi, quỳ bên Thánh Thể Chúa Giêsu là phương cách đón nhận tình yêu và sự sống của Thiên Chúa. Cuộc đời trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng, sóng gió cứ trôi cứ nổi ập về. Chúa mãi chờ. Người luôn đợi con người nơi Thánh Thể để con người về kể cho Người nghe những vui buồn của cuộc sống hầu nhận được ơn trợ giúp. Gian nan vất vả đường đời có hề gì, quỳ gối trước Thánh Thể để giúp chúng ta đi vào thực tại con người yếu đuối bèo bọt mau qua, đồng thời cần đến Chúa đồng hành thắng vượt. Nơi Thánh Thể, Chúa mong Chúa chờ con người để con người dùng con tim đức tin cảm nếm lòng thương xót Thiên Chúa dành cho con người: hãy nếm thử và hãy cảm nghiệm xem Chúa tốt lành biết bao.

Lạy Chúa, Lời Chúa mời gọi chúng con: Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào (Is 55,1). Từ ngàn xưa, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng con luôn dạt dào. Đến hôm nay cũng vậy, Chúa Giêsu Thánh Thể luôn chờ đợi chúng con về bên Chúa kín múc sinh lực nguồn sống. Xin Chúa ban cho chúng con đức tin vững mạnh để luôn khát khao Thánh Thể Chúa mỗi ngày. Xin cho chúng con ý thức đừng vì bận rộn lo toan mà ngần ngại chối từ đến với Thánh Thể Chúa vì Chúa vẫn luôn chờ gặp và ban ơn cho chúng con: thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời. Amen.


Comments are closed.