Thứ 6 Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Ngày 17/04/2020

Lời Chúa: Ga 21,1 – 14

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay. Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?”. Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

 


Suy niệm

NHẬN RA CHÚA TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT

“Chúa đó” (Ga 21,17)

Trong cuộc sống, có những điều quá đỗi bình dị và quen thuộc đến nỗi nhiều lúc chúng ta không để ý đến sự tồn tại của nó. Chẳng hạn, không khí ta hít thở, làn gió làm ta mát, thậm chí những người âm thầm giúp đỡ ta trong cuộc sống mà bị ta lãng quên. Chúa có bị chúng ta lãng quên như thế không?

Bài Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ Tibêria. Ngài không hiện ra với họ giữa lúc họ đang chìm đắm trong cầu nguyện, mà chính lúc họ đang thả lưới đánh cá. Ngài cũng không hiện ra với họ trong ánh hào quang uy nghi sáng láng của Đấng Phục sinh, nhưng lại hiện ra với dáng vẻ một người bình thường đến nỗi các môn đệ không còn nhận ra đó là Thầy mình. Trừ một mình Gioan, với con mắt của tình yêu và đức tin mà ông đã nhận ra Chúa. Khi đã nhận ra, ông liền kêu lên: “Chúa đó”, để cho các môn đệ khác cũng nhận ra và tin vào Người. Chính trong cử chỉ yêu thương rất đỗi bình thường và quen thuộc của Đấng Phục sinh mà các môn đệ thực sự nhận ra sự hiện diện Thầy Giêsu trong cuộc sống của họ khi Ngài hỏi thăm, ngồi ăn và trao bánh cho họ. Thật vậy, chính những cử chỉ quen thuộc của Thầy Giêsu lại là cách Ngài dùng để tỏ lộ chính chính mình sau khi tư cõi chết sống lại.

Nếu khi xưa, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ ở những nơi bình thường, giữa những sinh hoạt quen thuộc thường ngày của họ, thì ngày nay Chúa cũng vẫn đang hiện ra với chúng ta trong công việc, trong các môi trường sống, và trong những sinh hoạt bình thường của chúng ta. Ngài đến trong những sự âm thầm và hiện diện trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta, Ngài đến trong niềm vui và nỗi khổ của chúng ta, Ngài đến như một người xa lạ vô danh, Ngài đến trong từng người chúng ta gặp gỡ, Ngài đến trong những kẻ bé mọn nghèo hèn, và ngay cả trong kẻ thù của chúng ta, Ngài đến và tỏ mình bằng cử chỉ yêu thương và trao ban. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra ngài hay không?

Bằng con mắt đức tin, chúng ta có thể nhận ra Chúa ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta nhận ra Ngài ngay trong cách cư xử của mỗi chúng ta với nhau. Đặc biệt trong những người nghèo hèn, bé mọn đơn sơ, những người đau khổ, bệnh tật xung quanh chúng ta. Thật vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh đã đồng hóa Ngài với những con người đau khổ, bệnh tật và bé mọn (x. Mt 25,31-46). Khi chúng ta mở rộng con tim, đôi tay để trao ban cho những người đau khổ, bệnh tật và bé mọn đó cũng là lúc chúng ta đang nhận ra Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Nếu chúng ta ý thức được điều đó thì chúng ta và mọi người sẽ luôn tìm được nguồn bình an và hạnh phục đích thực của Đấng Phục Sinh trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa, ngày nay, chúng con đang sống trong một thế giới ồn ào, náo nhiệt cùng làm cho con người đang dần mất ý thức về sự hiện diện của Chúa trong đời sống hằng ngày. Xin Chúa cho chúng con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa qua từng biến cố, từng con người mà chúng con gặp gỡ hằng ngày, để chúng con biết sống làm sao hầu trở thành dấu chứng cho sự hiện diện của Chúa với mọi người xung quanh. Amen.


Comments are closed.