Thứ 6 Tuần 4 Mùa Chay – Ngày 27/03/2020

Lời Chúa: Ga 7,1-2.10.25-30

Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê ; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người. Lễ Lều của người Do-thái gần tới. Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật. Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói : “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô? Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi ; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng : “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

 


Suy niệm

XIN CHO CON BIẾT CHÚA

“Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (Ga 7,29).

Cổ nhân dạy rằng: “Vô tri bất mộ”, nghĩa là không biết thì không thể yêu. Sự đúng đắn của lời dạy này được phản ánh đậm nét trong việc tin vào Thiên Chúa, bởi không thể yêu Chúa cho phải đạo khi không biết Chúa cách chính đáng. Thế nên, bước đầu tiên để đi sâu vào mối hiệp thông sự sống hạnh phúc của Thiên Chúa là nhận biết Ngài.

Trong đoạn Tin Mừng này, từ “biết” được dùng đến năm lần, trong đó một lần là của những Do thái ở Giêrusalem (x. Ga 7,27), và phần còn lại là của Chúa Giêsu (x. Ga 7,28-29). Những người Do Thái biết Chúa Giêsu xuất thân từ làng quê Nadarét là đúng (x. Ga 7,27). Thế nhưng, họ chỉ biết một mà không biết mười. Điều họ biết về Chúa chỉ tựa như những dòng sơ yếu lí lịch về mặt pháp lý, mà trước đó họ đã từng điểm qua: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả” (Ga 6,42). Điều quan trọng nhất cần biết là Chúa Giêsu ở trong cung lòng Chúa Cha, là Con Một của Chúa Cha và là Thiên Chúa (x. Ga 1,18), thế mà, họ lại không biết. Cho nên, không chỉ Chúa Giêsu, thánh Gioan Tẩy Giả cũng đã từng nói đến sự vô tri của họ rằng: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Họ đã không biết Chúa Giêsu, thì đương nhiên cũng không biết Chúa Cha (x. Ga 7,28).

Trái ngược với cái “biết” của người Do Thái, Chúa Giêsu nói rằng: “Tôi biết Thiên Chúa” (x. Ga 7,28-29). Cái “biết” của Chúa không phải là trừu tượng, mà là cụ thể về sứ mạng trong việc vâng phục theo thánh ý Chúa Cha, mà sau này Chúa cũng sẽ tái khẳng định với người Do Thái rằng: “Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người và giữ lời Người” (x. Ga 8,55). Chính sứ mạng mà Chúa Cha trao phó cho Chúa sẽ đưa đường dẫn lối Chúa đến “giờ Con Người được tôn vinh” (x. Ga 12,23). “Được tôn vinh” nghĩa là gì và bằng cách nào, nếu không phải là được giương cao trên thập giá (x. Ga 12,32) và vào trong vinh quang của Chúa Cha (x. Ga 17,1.5). Do đó, cái “biết” của Chúa đáng được gọi là “sự hiệp thông” như lời Chúa Giêsu đã cầu nguyện rằng: “ Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,1-3).

Sau việc bị Chúa Giêsu vạch trần sự vô tri của mình, những người Do Thái đã “tìm cách bắt Người” (Ga 7,30). Thật đúng là “một khi ngôn ngữ bất lực thì bạo lực lại lên ngôi” như lời sách Khôn Ngoan diễn tả: “Ta hãy gài bẫy hai tên công chính. Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa, xưng mình là con của Đức Chúa. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã” (Kn 2,12.13-14.20). Đó là thái độ của người Do Thái, còn chúng ta thì sao? Làm thế nào chúng ta thoát khỏi sự vô tri mà họ đã rơi vào đây? Một trong những cách thức để “biết” Chúa là đọc Kinh Thánh. Thánh Giêrônimô đã quả quyết rằng: “Ai không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Tuy nhiên, ngôn ngữ của Thánh Kinh không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ hiểu, mà dường như thường xuyên mập mờ và khó hiểu. Cho nên, đọc Thánh Kinh chẳng khác gì cuộc vật lộn với ngôn ngữ. Điều quan trọng khi đọc Thánh Kinh là không phải tìm kiếm trong bản văn tri thức mới mẻ về Thiên Chúa, nhưng là khám phá nơi bản văn tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, mà đỉnh cao của tình yêu ấy là Chúa Giêsu Kitô. Một cách để làm điều ấy là đọc chậm rãi bản văn, từng từ một, và không ngừng tự hỏi tại sao từ này được dùng mà không phải từ khác, đồng thời đọc trong truyền thống sống động của Hội Thánh, vì như lời thánh Augustinô nói: “Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu không có quyền bính của Hội Thánh Công Giáo thúc đẩy tôi” (GLHTCG 119).

Tóm lại, “biết” Chúa vẫn là và mãi là niềm khao khát được ghi khắc trong trái tim con người (x. GS 19). Vì vậy, “biết” Chúa không dừng lại ở khối óc, mà còn đi đến con tim. “Biết Chúa” mà không “yêu Chúa” “biết” què quặt, còn “yêu Chúa” mà không “biết Chúa” là yêu mù quáng.

Lạy Chúa, thánh Augustinô đã từng khẩn khoản van nài với Chúa rằng: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Xin Chúa cho chúng con luôn mang tâm tình chân thành, đơn sơ và khiêm tốn ấy để “biết Chúa” là Đấng đã say mê chúng ta (x. GLHTCG 356) và “biết chúng con” là đối tượng tình yêu của Chúa đến nỗi Chúa đã không buông tha Con Một của mình vì chúng con (x. GLHTCG 358).


Comments are closed.